Theo nghị quyết vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký, Chính phủ đã đồng ý đề xuất xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% như Bộ Tài chính đề xuất trước đó, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2023.
Kích thích chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, nhận định việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với toàn bộ mặt hàng, dịch vụ là cần thiết và kịp thời, được người tiêu dùng và doanh nghiệp rất mong đợi. Tuy nhiên, chính sách cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết trong tháng 5, nên áp dụng ngay trong tháng 6 thay vì từ tháng 7 như đề xuất của Bộ Tài chính.
"Giảm thuế VAT là giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng. Do đó, việc được giảm thuế VAT sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có thể khẳng định chính sách này cũng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh", ông Thịnh nói.
Dưới góc độ vĩ mô, theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. "Việc giảm thuế VAT có thể giảm thu ngân sách, nhưng thực tế ngân sách lại tăng thu nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trở lại. Thực tế năm 2022 đã cho thấy rõ việc giảm 2% thuế VAT đã góp phần đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế mức 8%, số thu ngân sách của ngành thuế đạt trên 124% so với kế hoạch giao", ông Bùi Ngọc Tuấn - phó tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Deloitte Việt Nam - đánh giá.
Chưa đủ "liều"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc giảm thuế là cần thiết trong bối cảnh đời sống người dân đang vô cùng khó khăn, đặc biệt là những người làm công ăn lương, những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng việc làm… "Việc giảm bớt gánh nặng thuế sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp" - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, phương án giảm thuế áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay là chưa đủ "liều", mà cần tính toán dài hơi hơn trên cơ sở cân đối thu chi ngân sách. Bởi tình hình kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn. "Các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện liên tục để mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và người dân, với tinh thần cốt lõi là đảm bảo và nuôi dưỡng nguồn thu", ông Hòa nói.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng việc Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết về giảm thuế VAT là kịp thời. Tuy nhiên, không chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm nay mà cần chủ động tính toán phương án giảm thuế thêm trong năm 2024 nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn.
"Việc kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế có thể cân nhắc phương án thực hiện trong 1 năm mới có thể mang lại hiệu quả thiết thực là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, nếu tình hình kinh tế vẫn tiếp tục xấu đi" - ông Long đề xuất.
Ước giảm 35.000 tỉ đồng thuế VAT
Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản trình Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT cho toàn bộ hàng hóa, dịch vụ trong năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trở lại.
Chính sách này dự kiến sẽ được áp dụng từ khi được ban hành đến hết ngày 31-12. Theo Bộ Tài chính, với việc giảm thuế này, ước tính số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 35.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính trước đó đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).
Xem thêm: mth.77030623230503202-tav-euht-maig-naig-ioht-iad-oek-nen/nv.ertiout