Sự sụp đổ đột ngột của 2 ngân hàng là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank ở Mỹ trong tháng 3, và việc ngân hàng Credit Suisse lớn thứ nhì Thụy Sĩ sẽ phá sản nếu không được cứu khẩn cấp được xem là cơn khủng hoảng rất trầm trọng trong hệ thống ngân hàng Âu-Mỹ. Cơn hoảng loạn đã khiến những ai từng nghĩ có những định chế tài chính quốc tế “quá lớn nên không thể sụp đổ” như Credit Suisse phải giật mình.
Các báo Mỹ và châu Âu đã đưa nhiều thông tin liên quan đến khủng hoảng này và nêu ra một số bài học cần thiết để có thể phòng ngừa những rủi ro tương tự.
Fed, FDIC chưa công bố nguyên nhân sụp đổ ở Mỹ
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính là ngân hàng trung ương. Fed và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) dự kiến sẽ công bố nguyên nhân sụp đổ của SVB và Signature Bank vào ngày 1/5/2023. Theo FDIC, sau khi SVB sụp đổ ngày 10/3 và Signature Bank đóng cửa ngày 12/3, cơ quan này cần thời gian để kiểm tra hệ thống bảo hiểm tiền gửi theo quyết định của các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ toàn bộ những người gửi tiền không được bảo hiểm sau sự sụp đổ của SVB.
Ngày 28/3, Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ đã nghe điều trần về hai vụ sụp đổ này. Tham gia điều trần gồm Martin Gruenberg, Chủ tịch FDIC; Michael Barr, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed; Nellie Liang, Thứ trưởng Tài chính phụ trách trong nước. Cả FDIC và Fed cho biết đang điều tra nguyên nhân sụp đổ để công bố trong tháng 5.
Tại buổi đều trần, Fed đề xuất sẽ kiểm tra các ngân hàng theo các tình huống đa dạng để phát hiện các đường hướng có thể gây sự sụp đổ lây lan; đưa ra những yêu cầu về các khoản nợ dài hạn đối với các ngân hàng lớn để họ có thể huy động các nguồn lực nhằm giảm thiểu thua lỗ. FDIC đưa ra các khả năng để nâng giới hạn bảo hiểm tiền gửi tại Mỹ lên trên mức 250.000 USD hiện nay. Fed, FDIC và Bộ Tài chính Mỹ đều cho rằng cần giám sát kỹ các ngân hàng có tổng tài sản trên 100 tỷ USD.
Ông Barr đã chỉ trích điều ông mô tả là “mô hình kinh doanh tập trung” của các ngân hàng. Ông cũng đề xuất khả năng thắt chặt các quy định về ngân hàng để tránh những vụ việc tương tự trong tương lai, và cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ sẵn sàng can thiệp trở lại nếu cần thiết. Theo ông, sụp đổ SVB cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục công việc giám sát để cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng và đề xuất quy tắc yêu cầu các ngân hàng phải giữ lượng vốn nhất định nào đó trong tay.
Về phía Fed, ngân hàng trung ương quyền lực của Mỹ bị chỉ trích bởi những ý kiến cho rằng Fed không đủ nhanh nhạy để phát hiện ra các lỗ hổng tại SVB vì nếu khả năng giám sát của Fed tốt hơn, rủi ro về sụp đổ có thể đã được phát hiện.
SVB: vụ phá sản ngân hàng thời hiện đại
United Overseas Bank (UOB) của Singapore (là ngân hàng mua trọn lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng Citibank Mỹ tại 4 thị trường Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia với giá tổng cộng khoảng 3,7 tỷ USD) đã tiến hành phân tích sâu hơn vụ SVB. Từ đó, UOB kết luận: đây là vụ phá sản ngân hàng của thời hiện đại.
Nhìn lại tổng thể cơn khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ, UOB cho rằng cái chết của SVB bắt nguồn từ nhiều xáo trộn nghiêm trọng trong vài năm qua khi dịch Covid-19 hoành hành và các dụng cụ đòn bẩy tài chính được sử dụng quá mức.
UOB cũng liệt kê một số điểm chính liên quan đến sự sụp đổ đột ngột của SVB. Đầu tiên là chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt và liên tục Fed từ tháng 3 năm 2022 để chống lạm phát đã chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp tại Mỹ.
Thứ hai, chi phí đi vay liên tục tăng đã làm giảm động lực huy động vốn và lợi nhuận của các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp vốn là cơ sở khách hàng chính của SVB, tương tự như giá cổ phiếu, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ, chịu áp lực kể từ năm 2022.
Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị trái phiếu dài hạn mà SVB đã mua trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của SVB (được bán với mức lỗ 1,8 tỷ USD như được tiết lộ ngày 8/3) với lợi tức trung bình 1,79%, thấp hơn nhiều so với mức lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm hiện nay – đang ở khoảng 3,9%.
Trong khi đó, với nguồn vốn cung cấp cho hoạt động đầu tư mạo hiểm và quỹ thị trường đang dần cạn kiệt, các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ buộc phải rút tiền gửi tại SVB để trả lương cho nhân viên và các nhà cung cấp.
Thứ năm, khi tốc độ rút tiền gửi từ SVB tăng nhanh, các trái phiếu an toàn thường được bán lỗ để đáp ứng nhu cầu rút tiền, và những khoản lỗ đó cộng lại đến mức SVB mất khả năng thanh toán. Ngày 9/3 (một ngày trước sụp đổ), SVB thất bại trong việc huy động thêm nguồn vốn hơn 2 tỷ USD thông qua các nhà đầu tư bên ngoài để bù đắp các khoản lỗ từ việc bán trái phiếu, vì vậy SVB sụp đổ ngày hôm sau.
Ảnh hưởng từ cú ngã của Credit Suisse
Báo chí Thụy Sỹ đã đánh giá tổng hợp về tác động của vụ Credit Suisse sẽ sáp nhập vào UBS đến các thị trường quan trọng nhất của Credit Suisse.
Năm 2021, Credit Suisse tổn thất 4,8 tỷ franc Thụy Sỹ (hơn 5 tỷ USD) trong vụ phá sản của tập đoàn đầu tư New York Archegos Capital Management (Mỹ). Credit Suisse có hoạt động tại Mỹ nhiều hơn tất cả các ngân hàng Thụy Sỹ khác. Do vậy, thất bại tại Mỹ là nguyên nhân chủ yếu cho cuộc khủng hoảng của Credit Suisse.
Tại Anh, BoE (ngân hàng trung ương Vương quốc Anh) đã đánh giá hệ thống ngân hàng của Anh sẽ vẫn an toàn và lành mạnh, không bị ảnh hưởng nhiều từ vụ việc này. Tuy nhiên, Credit Suisse có hơn 5.000 nhân viên tại London. Có những lo ngại rằng cắt giảm việc làm trong số họ sẽ khiến suy yếu thêm trung tâm tài chính London, vốn đã chịu thiệt hại trước đó bởi việc Anh rời EU (Brexit).
Bên kia eo biển Manche, Pháp rất quan tâm đến tình hình Credit Suisse. Trong những ngày trước khi UBS quyết định mua lại Credit Suisse, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne đề nghị chính quyền Thụy Sỹ sớm giải quyết các vấn đề, tránh những xáo trộn lan rộng trên thị trường tài chính. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn Pháp, như BNP Paribas, Crédit Agricole hay Société Générale, đã bị ảnh hưởng mạnh thời gian này.
Nhìn chung, các ngân hàng Thụy Sỹ phải chịu tai tiếng ở Pháp vì từ lâu đã bị cho là tiếp tay hàng nghìn người Pháp giàu có trốn thuế. Tai tiếng càng lớn trong năm 2021 khi UBS bị phạt 1,8 tỷ euro tại Pháp do trốn thuế.
Tại Trung Đông, Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út (SNB), Qatar Holding và Olayan Group cùng sở hữu 20% cổ phần của Credit Suisse. Ammar Al Khudairy, Chủ tịch SNB, đã từ chức vì đã đầu tư nhiều tỷ USD vào Credit Suisse. Và SNB cũng tuyên bố sẽ không đầu tư thêm vào Credit Suisse trong tương lai.
Căn cứ trên định giá của UBS đối với Credit Suisse để mua lại, khoản góp vốn trị giá 1,4 tỷ franc Thụy Sỹ của SNB vào Credit Suisse cuối năm 2022 đã mất hơn 80% giá trị.
Tại châu Á, Singapore và Hồng Kông là khu vực trọng điểm của cả Credit Suisse và UBS. UBS (ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ) đặt mục tiêu giữ chân nhân viên Credit Suisse sau khi sát nhập. Tại Singapore, mỗi ngân hàng đang sử dụng khoảng 3.500 nhân viên. Chính quyền Singapore cho rằng cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở quốc đảo.
Xem thêm: nhc.70237180405032881-ua-uahc-ym-o-gnah-nagn-gnaoh-gnuhk-ut-coh-iab-gnuhn/nv.fefac