Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau quyết định lãi suất của FED
Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này chính là cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và không ngoài dự đoán, FED đã tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lần tăng thứ 10 liên tiếp của cơ quan này.
Hồi đầu tuần các khảo sát của truyền thông cho thấy là thị trường gần như đã chắc chắn 100% về mức tăng 0,25 điểm phần trăm của lần họp này. Đã nằm trong dự báo từ trước, nhưng quyết định của FED vẫn gây ra sóng gió cho Phố Wall phiên đêm qua (3/5).
Kết phiên cả 3 chỉ số chính đều đồng loạt chứng kiến mức giảm từ 0,5 - 0,8%. Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của thị trường Mỹ kể từ đầu tuần. Bên cạnh chứng khoán, giá dầu phiên đêm qua tại thị trường Mỹ cũng chứng kiến đà giảm mạnh tới 4%, chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.
Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhận định thị trường sau quyết định lãi suất của FED
Trước họp báo của FED, thị trường chứng khoán Mỹ khá lạc quan chỉ vì sự thay đổi trong một từ đó là FED thay từ "Dự đoán" về lần thắt chặt tiếp theo bằng cụm từ "Xem xét có cần thắt chặt hơn nữa không". Nhà đầu tư khi đó hiểu rằng FED đang ngầm ý tới việc dừng tăng trong tương lai, mà dừng tăng thì cơ hội hạ lãi suất sẽ sớm xảy ra.
Nhưng sau đó chính Chủ tịch FED lại nói rằng là không ai trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang muốn hạ lãi suất trong năm nay, trong khi rất nhiều tổ chức và cá nhân dự đoán việc này có thể diễn ra trong quý III hoặc quý IV.
Một lần nữa FED cho thấy họ sẽ quyết định dựa trên từng cuộc họp và phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế cụ thể chứ không chiều lòng các nhà đầu tư với các dự đoán.
FED đứng trước nhiều yếu tố khó lường
Trong khi bước đi của FED đã nằm trong dự tính, những phát biểu của ông Powell cũng cho thấy là cơ quan này đang phải đau đầu với nhiều biến số khó lường từ các số liệu vĩ mô cũng như diễn biến trong lĩnh vực tài chính Mỹ.
Mới đây nhất, số lượng việc làm mới tháng 3 tiếp tục ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, cùng với tăng trưởng GDP quý I đang tiếp tục cho thấy đà giảm tốc của kinh tế Mỹ thời gian gần đây.
Điều này củng cố kỳ vọng "FED đang đi đúng hướng" trong vấn đề lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát ưa thích của cơ quan này cũng trên đà đi xuống.
Tuy nhiên, các biến động của lĩnh vực ngân hàng vẫn là tâm điểm chú ý, đặc biệt sau khi ông lớn JP Morgan đồng ý thâu tóm ngân hàng First Republic đang gặp khó khăn. Giới chức FED và thị trường cũng đang phải chờ đợi các diễn biến từ Quốc hội Mỹ, khi mà vấn đề nâng trần nợ công vẫn chưa có lời giải.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: Reuters)
Với động thái mới nhất của FED, câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Phố Wall đánh giá thế nào về 10 lần tăng lãi suất vừa qua của FED đối với khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ, đặc biệt khi nền kinh tế này đã bắt đầu "ngấm đòn" lãi suất cao trong quý trước?
Hiện nay, trên thị trường đang có nhiều dự đoán khác nhau về cách nền kinh tế Mỹ hạ cánh trong năm nay. Một số lạc quan cho rằng, vẫn có thể hạ cánh mềm, mà nếu chẳng may có rơi vào suy thoái sẽ là suy thoái nhẹ. Do nhiều phần của nền kinh tế vẫn khoẻ mạnh.
Nhưng số các chuyên gia khác thực tế hơn thì dựa vào các dữ kiện lịch sử. Kể từ giai đoạn cuối cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 tới nay chưa khi nào FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh như vậy. Những lần tăng sát mức như thế này đều khiến kinh tế Mỹ gần rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán lao dốc. Vì vậy, sẽ phải là người rất lạc quan khi cho rằng 10 lần tăng lãi suất liên tục trong 13 tháng không khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu.
VTV.vn - Đêm 3/5 (theo giờ Việt Nam), FED đã kết thúc cuộc họp tháng 5 bằng quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.99013450140503202-mem-hnac-ah-ym-et-hnik-peit-neil-01-uht-nal-taus-ial-gnat-def/et-hnik/nv.vtv