Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 4-5 có 2.233 ca COVID-19 mới, có 130 ca nặng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.567.728 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.866 ca nhiễm).
Trong ngày có 809 ca được công bố khỏi bệnh, không ghi nhận ca tử vong.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong ngày 3-5, không có liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.240.960 liều.
Về số liệu vắc xin được tiêm ở con số 0, một chuyên gia dịch tễ Bộ Y tế cho hay số liệu tiêm chủng do các địa phương cập nhật trên hệ thống nên có thể chậm, dẫn tới sai số.
Theo thống kê, những ngày gần đây số vắc xin được tiêm chủng đều ở mức cao, ngày 2-5 có 15.993 liều vắc xin được tiêm.
Theo ông Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, các nghiên cứu trên bệnh nhân mới nhiễm COVID-19 gần đây cho thấy các đặc tính lây truyền và diễn biến bệnh không có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước.
"Điểm thay đổi là người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nên khi nhiễm bệnh tỉ lệ chuyển nặng và tử vong thấp hơn so với trước đây.
Hiện vắc xin vẫn có hiệu quả trong công tác phòng bệnh, và chưa phát hiện thêm các biến chủng khác, nên các biện pháp phòng bệnh hiện nay vẫn được áp dụng như cũ theo khuyến cáo của Bộ Y tế là vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn.
Ngoài ra, triệu chứng của COVID-19 và cúm mùa khá giống nhau, vì vậy chỉ dựa vào triệu chứng khó có thể phân biệt được. Những người có biểu hiện cúm mùa, bệnh về hô hấp cần chủ động đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để tránh lây truyền bệnh cho những người xung quanh", ông Cấp khuyến cáo.
Khi tiêm vắc xin COVID-19 nên mang theo giấy tờ gì?
Để việc tiêm chủng nhanh chóng và thuận lợi hơn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đưa ra khuyến cáo nhắc lại cho người dân về các giấy tờ nên mang theo khi tiêm vắc xin COVID-19.
1/ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc thông tin mã định danh đối với trẻ em.
2/ Chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước đó bằng giấy hoặc thông tin trên ứng dụng điện thoại (PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử…).
3/ Sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc xin khác... sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có, khuyến khích mang theo để bác sĩ có thể khám chỉ định chính xác).
Lưu ý: Cung cấp chính xác các thông tin cá nhân để nhân viên y tế có thể đối chiếu và cập nhật chính xác mũi tiêm.
Kiểm tra thông tin cá nhân và thông tin tiền sử tiêm chủng của bản thân, nếu có thông tin chưa chính xác phản ánh ngay cho nhân viên y tế tại điểm tiêm để được hỗ trợ cập nhật kịp thời.
Số ca mắc COVID-19 gia tăng từ giữa tháng 4 đến nay đã kéo theo số ca tử vong. Sau một thời gian dịch lắng xuống, nhiều người lúng túng khi gia đình có người mắc COVID-19, không biết cần làm gì để tránh biến chứng nặng cho nhóm nguy cơ cao...
Xem thêm: mth.36184637140503202-000-2-com-touv-ial-iom-91-divoc-ac-5-4-yagn/nv.ertiout