Chiều 4-5, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đối với các đơn tố giác sản phẩm "Tâm an đầu tư", sản phẩm liên kết giữa Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công an TP.HCM sẽ tiếp nhận, phân loại đơn theo quy định.
Theo ông Hà, do vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an thụ lý, Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thụ lý giải quyết sẽ trả lời, thông tin với báo chí sau khi có kết quả điều tra.
Trước đó vào ngày 18 và 20-4, có hai nhóm người dân đã tới văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để nộp tổng cộng 146 đơn tố cáo, phản ánh về việc bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Trong đơn tố cáo, nhiều người dân cho biết khi làm việc tại Ngân hàng SCB, đã được tư vấn đầu tư gói “Tâm an đầu tư”, với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao.
Sau đó họ phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife, chứ không phải đang tham gia hình thức mới là gửi tiết kiệm đầu tư.
Vào ngày 26-4, Manulife tổ chức buổi gặp gỡ báo chí, công bố phương án giải quyết khiếu nại cho khách hàng liên quan sản phẩm bảo hiểm nhân thọ “Tâm an đầu tư” phân phối qua Ngân hàng SCB.
Lãnh đạo của Manulife Việt Nam cho biết, thời gian qua, công ty đã đánh giá từng khiếu nại của khách hàng. Phần lớn các trường hợp cho thấy không có đủ chứng cứ chứng minh các nội dung khiếu nại của khách hàng.
Đối với một vài trường hợp mà công ty tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái trong quá trình tư vấn, công ty đã kỷ luật cứng rắn đối với các cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc báo cáo tới các cơ quan chức năng.
Manulife khẳng định sẽ liên hệ các khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm "Tâm an đầu tư" đã gửi khiếu nại, hoặc gửi trước ngày 30-4-2023 để thảo luận giải quyết khiếu nại.
Song kết quả giải quyết khiếu nại sẽ được xác định dựa trên đánh giá của Manulife, bao gồm các yếu tố như: tính đầy đủ, hợp pháp của bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm, kết quả phỏng vấn, đối chất với các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng liên quan, các thông tin do khách hàng cung cấp trong đơn khiếu nại hoặc trong quá trình trao đổi cùng các bằng chứng hoặc các yếu tố có liên quan cần được cân nhắc.
Mục tiêu của doanh nghiệp là hoàn thành các cuộc đối thoại với khách hàng và đạt được giải pháp vào khoảng ngày 30-6-2023.
Đầu năm 2023, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra "ép" người dân mua bảo hiểm, trong đó có phản ánh việc "Tiền tiết kiệm bỗng thành... bảo hiểm nhân thọ", nhiều khách hàng tới Ngân hàng SCB gửi tiết kiệm, sau đó bị "hô biến" sang bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 vừa qua, ông Doãn Thanh Tuấn - phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cho biết lúc thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm, cục đã phát hiện những sai phạm nhất định.
Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu làm rõ bất cập ở đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng.
Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo, phản ánh về việc bị 'hô biến' từ tiền gửi tiết kiệm SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Xem thêm: mth.66870909140503202-na-gnoc-ob-nel-nod-neyuhc-bcs-av-efilunam-ot-gnah-hcahk/nv.ertiout