Các doanh nghiệp siêu nhỏ hay nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam chưa được tiếp cận một cách hiệu quả với các dịch vụ ngân hàng. Nhu cầu tài chính không được đáp ứng của những đối tượng này lên tới 500.000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), theo ước tính của ADB.
Nắm bắt được nhu cầu này, ADB và Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận đồng tài trợ trị giá lên tới 5 triệu USD để phát triển các công nghệ tài chính (fintech) nhằm giúp giải quyết các vấn đề tài chính ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Nguồn vốn này, cùng với khoản đóng góp 2 triệu USD từ Quỹ Nhật Bản vì châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng và thích ứng do chính phủ Nhật Bản tài trợ, sẽ hỗ trợ một dự án hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu mở rộng tài chính khí hậu và bao trùm ở Việt Nam.
“Các tổ chức tài chính chủ yếu đưa ra những quyết định tín dụng dựa trên các tài sản thế chấp. Điều này gây bất lợi cho các DNNVV bởi họ thường chỉ có rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, quy trình tín dụng ở các ngân hàng cũng khiến việc xử lý các khoản vay nhỏ hơn trở nên tốn kém hơn. Hỗ trợ kỹ thuật này có thể giúp tìm ra những giải pháp như chấm điểm tín dụng thay thế và áp dụng hình thức cho vay số hóa”, theo ông Winfried Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB.
Công nghệ tài chính là trung tâm trong các kế hoạch của Chính phủ nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng, cũng như DNNVV. Việc hỗ trợ kỹ thuật này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, xây dựng năng lực của Chính phủ và các bên liên quan, và hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển ngân hàng số.
Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể hoàn thiện các chính sách về ngân hàng xanh và thông tin về các chính sách này tới các bên liên quan trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng xanh dự kiến sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tài trợ hàng năm 11 tỷ USD để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ thông qua các cơ hội đào tạo về công nghệ tài chính và các thực tiễn tốt nhất về ngân hàng xanh cho cán bộ của NHNN với mục tiêu đạt tỉ lệ tham gia của phụ nữ là 25%, cũng như dịch vụ tư vấn cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo về việc chuẩn bị hồ sơ vay vốn xanh.