Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của 15 người trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "đưa hối lộ"; "nhận hối lộ"; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).
Phiên tòa dự kiến được mở vào ngày 22-5. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba người do thẩm phán Mai Anh Tài làm chủ tọa. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có ông Phạm Văn Hòa, ông Đào Trọng Thuyết, đều là kiểm sát viên cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - đã xuất cảnh ngày 19-6-2021, được xác định là bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bà Nhàn.
Tòa sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và tuyên phạt 16 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt, buộc cựu chủ tịch Công ty AIC phải chấp hành 30 năm tù.
Bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng luật sư của bà đã làm đơn kháng cáo thay với nội dung cho rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ.
Ngoài bà Nhàn, bảy bị cáo khác đang bỏ trốn cũng được các luật sư kháng cáo thay với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm. Trong đó có cựu phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà.
Trong 15 người kháng cáo còn có ông Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai - xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Vũ bị tòa sơ thẩm tuyên tổng mức án 19 năm tù cho hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga - cựu phó tổng giám đốc AIC - kháng cáo xin xem xét lại bản án. Bà Nga cho rằng chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nên đề nghị tòa phúc thẩm đánh giá lại vai trò. Bà Nga cũng kiến nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần dân sự.
Trong vụ án này, tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) 11 năm tù; Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) 9 năm tù cùng về tội "nhận hối lộ". Hai ông này đều không có đơn kháng cáo.
Bản án sơ thẩm xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban của AIC móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công các công ty "quân xanh" trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.
Vì muốn Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với ông Thành để được giới thiệu đi gặp các quan chức trong tỉnh.
Ông Thành và ông Thái bị cáo buộc mỗi người đã nhận của AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14,5 tỉ đồng, ông Vũ nhận 14,8 tỉ đồng để "tạo điều kiện" cho AIC. Sau khi thông thầu, AIC đã trúng 16 gói thầu, trị giá hơn 665 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn bị điều tra trong 3 vụ án
Ngoài vụ án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn bị điều tra về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Trong vụ án này, ông Nguyễn Anh Dũng - giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng, là anh trai của bà Nhàn - cũng bị khởi tố.
Mới đây, ngày 20-4, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp ngày 19-4, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết chưa nhận được văn bản, tài liệu nào liên quan về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Hội đồng xét xử nhận định cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo vụ gian lận đấu thầu tại Đồng Nai nên tuyên phạt 30 năm tù, mức án cao nhất trong 36 bị cáo.