Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 4-5, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) chỉ đạt 73% so với mũi 1.
Mũi 4 (nhắc lại lần 2) hiện đang được triển khai cho nhóm nguy cơ cao, gồm người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi, tuy nhiên tỉ lệ tiêm chủng còn thấp.
Nhiều người muốn tiêm vắc xin COVID-19 mũi 5
Tại TP.HCM, những ngày gần đây do lo ngại dịch COVID-19 tăng trở lại, lượng người đi tiêm vắc xin có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận, những người đến điểm tiêm vắc xin chủ yếu là người lớn tuổi, người có bệnh nền (đái tháo đường, suy thận...) và cả người trẻ tuổi.
Bà N.T. (67 tuổi, TP Thủ Đức), mắc bệnh tiểu đường, cho hay: "Đọc tin tức thấy ca mắc COVID-19 tăng nên tôi rất lo lắng, chủ động đến trạm y tế tiêm vắc xin COVID-19. Trước đó, tôi đã tiêm 4 mũi vắc xin nhưng vì lo ngại nên tôi đến để xin tiêm mũi 5. Tuy nhiên, trạm y tế chỉ hướng dẫn phòng dịch vì hiện nay chưa có quy định tiêm vắc xin mũi 5".
Một số trưởng trạm y tế cho biết hiện nay người dân đi tiêm vắc xin có xu hướng tăng do lo ngại dịch COVID-19. Tại nhiều điểm tiêm, bà con cho biết đã tiêm bốn mũi và có nhu cầu tiêm mũi 5. Tuy nhiên, trạm y tế chỉ hướng dẫn người dân biện pháp phòng dịch vì hiện nay chưa có thông báo tiêm vắc xin mũi 5 từ Bộ Y tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã giúp Việt Nam chuyển từ giai đoạn Zero COVID-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, miễn dịch của vắc xin COVID-19 không thật bền vững. Sau 4-6 tháng, miễn dịch giảm đi rất nhiều và cần tiêm nhắc lại. Lịch tiêm nhắc lại được khuyến cáo tiêm sau mũi cuối cùng đã tiêm khoảng 6 tháng.
"Như vậy, những người đã tiêm mũi vắc xin cuối cùng cách đây 6 tháng có thể tiêm bổ sung. Vắc xin không có hiệu quả cao trong việc giảm lây nhiễm mà chủ yếu là giảm triệu chứng nặng, giảm nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong.
Vì vậy, hiện nay cần ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch. Những người này khi nhiễm dễ chuyển nặng, làm tăng số bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế, có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế và tăng tỉ lệ tử vong.
Hiện theo các nghiên cứu đánh giá, vắc xin hiện có vẫn còn tác dụng với biến chủng Omicron. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cũng cần đánh giá hiệu quả miễn dịch của từng loại vắc xin, lịch tiêm chủng để có những hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới", ông Phu cho hay.
Cần tiêm đủ mũi vắc xin
TS Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đánh giá vắc xin hiện có vẫn còn hiệu quả với biển chủng Omicron và các biến thể mới của nó.
"Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vắc xin COVID-19. Trong đó, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối ở nhóm từ 5 tuổi trở lên, và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại lần 3 (mũi 5).
Mặc dù nhiều người dân mong muốn tiêm mũi nhắc lại lần 3 (mũi 5), tuy nhiên theo thống kê, hiện nay mũi tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại lần 1 (mũi 3) mới chỉ đạt 73% so với mũi 1. Trong khi đó, mũi 3 là mũi tiêm nhắc lại cho tất cả các đối tượng; mũi 4 khuyến cáo tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao nhằm duy trì miễn dịch, phòng tránh nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn tiêm chủng tiếp theo của Bộ Y tế, người dân cần tiêm đủ liều và đúng lịch theo hướng dẫn hiện nay", bà Huyền khuyến cáo.
PGS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi 5, chỉ khuyến cáo tiêm mũi 4 cho người trên 55 tuổi.
Trước đó, WHO vẫn chưa có khuyến cáo mạnh về việc này. Một số nước cũng khuyên người trên 65 tuổi, có bệnh nền, cách mũi tiêm cuối cùng 6 tháng thì nên tiêm mũi 5.
"Mặc dù hiện nay chưa có thông tin chính thức về việc tiêm mũi 5 vắc xin COVID-19, nhưng người dân vẫn cần tiêm vắc xin đủ theo hướng dẫn. Khuyến khích những người thuộc nhóm nguy cơ cao, trên 65 tuổi, e ngại bệnh chuyển nặng thì có thể tiêm vắc xin COVID-19 mũi 5", PGS Dũng cho hay.
Đánh giá về hiệu lực của các loại vắc xin đối với các biến chủng của Omicron, PGS Dũng cho rằng vắc xin COVID-19 vẫn có hiệu quả với Omicron nhưng hiệu quả phòng sẽ không cao. Tuy nhiên, vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong do COVID-19.
Tranh thủ ngày nghỉ lễ, nhiều người dân TP.HCM đã đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước bối cảnh ca mắc COVID-19 tại TP và trên cả nước có xu hướng tăng.
Xem thêm: mth.53893723240503202-91-divoc-nix-cav-meht-meit-nac-ia-gnat-meihn-ac/nv.ertiout