Tòa nhà là một lâu đài nguy nga theo kiểu châu Âu, có vị trí tuyệt hảo, nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ hướng thẳng ra sông Sài Gòn.
Tòa nhà hoàn thành vào năm 1909, qua hai thế kỷ được xây dựng và trùng tu nhiều lần nhưng người dân bấy lâu không rõ thông tin và không được thăm viếng.
Vậy nên với việc mở cửa trụ sở cho dân vào xem, chính quyền TP.HCM đã làm một việc thử nghiệm chưa từng có, tưởng chừng nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn và cần được tiếp diễn lâu dài.
Khi đưa tin về sự kiện, một số báo đài nhận xét đây là dấu hiệu cơ quan nhà nước thể hiện sự cởi mở và thân thiện. Quả thật đã đến lúc phải chứng tỏ rành mạch rằng các công sở không phải chỉ là các công đường, là nơi làm việc của công chức.
Người dân đến các công sở là để được phục vụ chứ không phải được ban ơn. Và thêm nữa, họ có quyền thụ hưởng các dịch vụ công, bao gồm các việc hành chính và các tiện nghi ở công thự.
Đặc biệt, với các công thự mang tầm kiến trúc di sản, việc để người dân được tìm hiểu và thưởng ngoạn là việc cần làm, mang ý nghĩa giáo dục nhiều mặt.
Việc mở cửa công thự cao nhất và đẹp nhất của chính quyền cho người dân vào thưởng ngoạn là một việc làm thử nghiệm cần cải tiến, hoàn thiện nhiều khâu.
Không riêng TP.HCM, chính quyền trung ương và các tỉnh thành nên đặt kế hoạch mỗi năm, mỗi tháng có bao nhiêu ngày và giờ dành để mở cửa một phần hay toàn bộ các công thự di sản cho công chúng thăm viếng.
Tại TP.HCM, ngoài trụ sở HĐND và UBND, còn có các tòa nhà như tòa án, hải quan, Ngân hàng Nhà nước, kho bạc là các kiến trúc cổ kính và giá trị. Tại Hà Nội cũng có rất nhiều kiến trúc di sản. Việc tham quan các trụ sở này cũng là một nhu cầu chính đáng của người dân.
Suy cho cùng các cơ quan nhà nước cũng đều là nhà dân, bởi vì thông qua thuế và các nguồn thu công cộng khác, người dân đã trả tiền để "nuôi" bộ máy nhân sự và các trang thiết bị, trong đó có công sở.
Các trụ sở cơ quan nhà nước trong trường hợp không cần phải bảo đảm an ninh nghiêm ngặt thì không nên là công trình "kín cổng cao tường" về cả kiến trúc cũng như thông tin.
Việc sử dụng các công sở, nhất là các công thự di sản, nếu có thể thì không chỉ đóng khung cho làm việc của công chức mà cần có nhiều hình thức đa dạng khác để phục vụ tốt hơn cho dân chúng, chẳng hạn đó còn là nơi tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật điển hình cho địa phương và quốc gia.
Là nơi trình bày các dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị, thiết kế các tòa nhà mới cho công chúng nhận biết và góp ý.
Mặt khác, đó còn là nơi tổ chức vinh danh người lao động, doanh nhân, trí thức, học sinh giỏi hoặc trao các giải thưởng kinh tế - xã hội. Các trụ sở UBND còn nên là nơi diễn ra nghi thức kết hôn, nhận giấy khai sinh...
Còn nhiều cách thức và sáng kiến khác nữa để tiếp cận dân, giúp dân hưởng thụ tối đa tiện nghi công sở. Và đừng quên một việc nhỏ cần làm ngay là gắn bảng lưu niệm tòa nhà để người dân biết được thông tin về lịch sử công trình.
Những hoạt động như vậy ở nước ngoài không mới, khi các trụ sở quốc hội, chính phủ, công sở từ trung ương đến địa phương đều tổ chức cho người dân vào tham quan, một mặt được tìm hiểu lịch sử các công trình quý giá mà tiền nhân để lại, mặt khác được chứng kiến hoạt động của cơ quan công quyền, đồng thời cũng là hoạt động du lịch ý nghĩa.
Điều này cũng cho thấy cơ quan công quyền luôn mở rộng cửa, minh bạch mọi hoạt động và cũng rất gần dân.
Nhà nước cũng là nhà dân là vậy!
Ngày 29-4, nhiều đoàn du khách lần đầu tiên được tham quan trụ sở 110 năm tuổi của HĐND và UBND TP.HCM.
Xem thêm: mth.29644309050503202-nad-ahn-al-coun-ahn-ed-mch-pt-dnbu-os-urt-nauq-maht-nad-ohc-auc-om/nv.ertiout