Theo các chuyên gia, các hãng bay đã xây dựng mức giá dựa trên kỳ vọng quá cao. Chỉ đến khi sức mua không như kỳ vọng, cộng thêm việc các đại lý hủy cọc, giá vé lập tức hạ đột ngột.
Và đây là sai lầm trong việc đánh giá thị trường, thậm chí là bài học đắt giá của các hãng bay Việt Nam.
"Sai lầm tăng giá vé để bù lỗ"
Trái với khuyến nghị thường được các hãng bay đưa ra là khách nên mua vé sớm để có giá rẻ, trong dịp lễ 30-4 vừa qua, những khách hàng mua vé bay trước 2 - 3 tháng đều bị thiệt hại nặng khi giá vé được bán ra sát ngày bay giảm 30 - 50%. Nhiều đại lý (cấp 2, 3) bán vé máy bay cũng phải bán tháo để thu hồi vốn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh B.A., một đại lý bán vé máy bay tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết cú sốc giá dịp lễ 30-4 này khiến các đại lý nhỏ lẻ "lên bờ xuống ruộng" chứ đại lý lớn cấp 1 không ảnh hưởng nhiều.
Vấn đề xáo trộn thị trường giá vé vẫn nằm ở các hãng bay, bởi tỉ lệ vé đại lý nắm giữ không quá lớn để làm ảnh hưởng đến thị trường.
Theo anh B.A., các hãng bay, công ty du lịch và đại lý cấp 1 như "răng với môi". Khi mở một chuyến bay, phần lớn số vé sẽ được các đại lý ôm với tỉ lệ vé với khoản tiền cọc 30 - 50% tùy hãng. Đại lý sẽ được gói giá tốt hơn so với việc mua lẻ.
Tổng lượng vé bán ra cho đại lý, công ty du lịch hay khách lẻ đều được các hãng bay nắm. Với các đại lý, thao tác đặt vé hạng gì, giá bao nhiêu... hãng bay vẫn có thể nắm được khi qua kênh đại lý cấp 1.
Anh N.V.Hoàng, đại lý bán vé máy bay quận Tân Bình, cho rằng các hãng bay đã sai lầm trong việc xây dựng giá vé máy bay.
Theo anh Hoàng, các hạng vé của hầu hết các hãng bay đều mở bán giá rất cao. Chẳng hạn, các hãng bay Vietjet và Bamboo Airways, các hạng vé giá cao được mở bán tối đa thay vì bán hạng vé từ thấp lên cao.
"Sai lầm trong chiến lược tăng giá vé máy bay để bù lỗ của các hãng hàng không trong nước. Các hãng hàng không thấy người dân bắt đầu đi du lịch trở lại sau thời gian dài dịch hoành hành, nên nghĩ rằng có thể tăng giá vé cao để bù lỗ cho thời gian trước", anh Hoàng nhận định.
Ghi nhận cho thấy trong các dịp lễ Tết, giá vé của các hãng không chênh lệch nhiều, thậm chí hãng bay phân khúc giá rẻ cũng cao xấp xỉ giá vé của Vietnam Airlines, Bamboo Airways.
Với sự bất thường trong dịp lễ 30-4, nhiều chuyên gia cho rằng các hãng bay "nhìn nhau" làm giá vé, mở hẳn các hạng giá cao để bán đồng loạt, yếu tố cạnh tranh bị triệt tiêu.
"Khi tăng giá vé lên quá cao, du khách có xu hướng chuyển sang du lịch nước ngoài, không những ngành hàng không bị thất thu mà kéo các ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống du lịch, nhà hàng, khách sạn... sụt giảm theo", một chuyên gia nói.
Nhiều hệ lụy cho hàng không, du lịch
Tuy nhiên, các hãng bay phủ nhận việc nhìn nhau tăng giá và đổ lỗi cho "cung cầu của thị trường". "Hãng bay có nhiều dải vé, không bán vượt mức trần quy định. Cho nên việc thao túng giá là không thể xảy ra", lãnh đạo một hãng bay khẳng định và cho biết các hãng đều có công cụ để theo dõi và chế tài xử lý các trường hợp đại lý "găm hàng" để lên giá.
Chẳng hạn trong giai đoạn cao điểm, các hãng bay sẽ rút ngắn thời gian giữ chỗ của các đại lý để tránh tình trạng "găm" vé.
"Trong thực tế nguồn vé và quyền phân phối vé tới đại lý vẫn nằm ở các hãng. Số vé bán ra cho đại lý và số ghế thực tế đã bán, hãng bay vẫn nhận biết được.
Để xảy ra tình trạng giá vé "tung hứng" bất thường như thời gian qua, nếu không có những biện pháp chế tài đủ mạnh, kiểm soát đủ chặt chẽ sẽ làm méo mó thị trường vé máy bay", một chuyên gia ngành hàng không nói.
Ông Nguyễn Quang Trường, tổng giám đốc công ty chuyên logistics, trong đó có dịch vụ hậu cần vận tải hàng không - du lịch (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng với giá vé máy bay bất thường vào dịp 30-4 này, nhiều khách hàng sẽ thay đổi phương án mua vé cho những dịp lễ tới, gần nhất là 2-9.
Thay vì mua sớm, khách sẽ chờ giờ chót mua vé, hãng bay sẽ bị thiệt và du lịch không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề.
"Giá cả theo cung cầu nhưng thời gian qua quá bất thường. Nếu lặp lại tình trạng này, không chỉ khách hàng thiệt thòi mà cả ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn... cũng chịu ảnh hưởng nặng lắm. Cứ nhìn thấy cảnh hoa 30 Tết là biết. Với hàng không mà kinh doanh như hoa Tết thì hệ lụy lớn lắm", ông Trường nhấn mạnh.
Một tổng đại lý vé máy bay của bảy hãng bay nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng cho rằng các hãng bay đã xây dựng mức giá dựa trên kỳ vọng quá cao. Đến phút 90, khi sức mua không như kỳ vọng, cộng thêm tình trạng đại lý trả cọc, giá vé lập tức hạ đột ngột.
"Đây là sai lầm trong việc đánh giá thị trường, thậm chí là bài học đắt giá của các hãng bay Việt Nam", vị này nói.
Theo chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống thì giá vé máy bay đột ngột giảm ngay ngày lễ 30-4 do ế ẩm. Với giá vé quá cao, người dân hạn chế đi lại. Khi tăng chuyến, sức mua yếu, dẫn đến giá vé ồ ạt giảm để lấp đầy chuyến bay.
"Các hãng hàng không phải rút ra được bài học kinh nghiệm từ chính năm nay để các năm sau điều chỉnh giá vé máy bay cho phù hợp, không xây dựng mức giá cao một cách quá đáng như năm nay nữa", ông Tống nhận định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, cho biết với khoảng 80% khách du lịch đến Phú Quốc bằng đường hàng không, việc giá vé máy bay trước lễ tăng cao khiến lượng khách đến Phú Quốc trong dịp lễ này giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
"Giá vé máy bay hạ nhiệt trước ngày cận lễ 30-4 và các chuyến tàu cao tốc đi từ Rạch Giá, Hà Tiên đến Phú Quốc và ngược lại tăng chuyến nên khách đến Phú Quốc chơi đông. Dù vậy, doanh nghiệp làm du lịch dịch vụ ở địa phương vẫn buồn vì chưa đạt như kỳ vọng. Công suất phòng lưu trú ở Phú Quốc trung bình đạt khoảng 60%", ông Khánh nói.
Trong khi đó, dù có tăng so với dự báo trước đó, nhưng Đà Nẵng hầu như vắng khách đoàn - vốn lên kế hoạch từ sớm. Phần lớn du khách đến Đà Nẵng đều là khách lẻ, do mua vé máy bay giá mềm hơn vào giờ cuối, cùng với một lượng lớn khách đi bằng đường bộ.
Bà Lê Thị Bích Hương, đại diện khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, cũng thừa nhận khách lẻ chiếm tới 80% so với khách đoàn, khách qua lữ hành trong kỳ lễ năm nay.
C.Công - T.Lực
Du lịch Côn Đảo, Phú Quốc... bị vạ lây
Dù chủ động giảm giá dịch vụ, không tính phụ thu để thu hút khách nhưng một số điểm đến vẫn vắng khách trong dịp lễ 30-4 vừa qua, nhất là các điểm du lịch mà du khách phải đến/đi bằng đường hàng không như Phú Quốc, Côn Đảo... do giá vé máy bay cao bất thường.
Bà Lê Thị Ngọc Cương, giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn The Secret (Côn Đảo), cho biết với vị trí địa lý đặc thù như của Côn Đảo, đường bay quyết định đến lượng khách. Vì vậy, khi giá vé máy bay biến động, lượng khách cũng trồi sụt theo.
Dịp 30-4 và 1-5 vừa qua là kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhưng khách sạn chỉ thực sự đông trong kỳ nghỉ lễ, còn trước và sau đó vắng hẳn.
Theo bà Cương, lý do chính là giá vé máy bay neo cao, trong khi mọi năm giá trước và sau lễ sẽ thấp hơn để khuyến khích khách đi nhiều hơn.
"Các thông tin về lịch bay, giá vé máy bay liên quan mật thiết với du lịch, khách sạn, nên chỉ cần có một biến động nhỏ, chương trình du lịch của du khách cũng thay đổi rất nhanh", bà Cương nói.
Bà Phạm Phương Anh, phó tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, cho biết dịp lễ vừa qua cả doanh nghiệp lẫn du khách mua tour sớm đều chịu thiệt thòi vì giá vé máy bay cao.
Hai tuần trước lễ, giá vé máy bay bất ngờ giảm sâu hơn giá vé seri trong tour, đặc biệt là các tuyến từ TP.HCM đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội... nên chỉ những người mua tour trễ mới được hưởng lợi.
"Doanh nghiệp không hề muốn bán giá tour cao nhưng tỉ trọng giá vé máy bay trong cơ cấu tính giá là rất lớn. Doanh nghiệp luôn phải tính trước giá vé máy bay nhưng năm nay khách mua vé trễ lại có giá tốt hơn. Điều này vô hình trung tạo tâm lý cho khách không còn mặn mà đặt tour du lịch sớm trong những dịp lễ tới, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, dịch vụ của tour do các công ty du lịch bị động", bà Phương Anh lo lắng.
Tour đi đường hàng không là sản phẩm chủ đạo của các doanh nghiệp này, riêng vé máy bay đã chiếm đến 40% cơ cấu giá thành tour.
Vì thế, khi giá vé máy bay bán lẻ thấp hơn cả giá vé của khách đoàn, nhiều khách hàng đã chọn phương án tự mua vé máy bay rồi đặt các dịch vụ khác qua công ty du lịch. Điều này khiến các hãng lữ hành, đại lý vé máy bay bị tồn một lượng vé khá lớn trong khi nhiều điểm du lịch vắng hơn mọi năm.
Do đó, theo bà Phương Anh, các hãng bay cần phải có đánh giá về chiến lược phân phối vé máy bay để tránh tình trạng ôm vé ảo, gây khan hiếm giả trên thị trường. Đó là phải chọn những đại lý có thực lực để thị trường không bị ảo, chứ không dễ dãi cho thị trường ôm vé như dịp lễ vừa qua.
"Chính sức mua của người tiêu dùng đã điều phối lại giá vé và bài học định giá quá cao so với nhu cầu đã dẫn đến tình trạng xả vé, xả tour phút cuối", bà Phương Anh nói.
Một số công ty lữ hành cũng cho rằng việc giá vé máy bay giảm mạnh nhưng do sát kỳ nghỉ lễ nên nhiều người dân, doanh nghiệp lữ hành không xoay xở kịp.
"Điều phi lý là các hãng bay thường khuyến nghị khách nên mua vé bay sớm nhưng đến sát ngày lễ lại giảm giá, gây bức xúc cho nhiều khách bay vì đã lỡ mua vé với giá cao ngất ngưởng ban đầu", lãnh đạo một công ty lữ hành nói.
Cần có chiến lược cho du lịch phát triển bền vững
Ông Trương Đức Hải, đại diện Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho rằng Nhà nước phải tham gia, cân đối lại cung cầu thị trường, phải có chiến lược cho du lịch phát triển bền vững hơn.
Trong thời điểm du lịch chỉ mới có đà tăng trưởng sau một năm phục hồi, vai trò điều phối của cơ quan quản lý du lịch là rất cần thiết.
Chẳng hạn, cơ quan du lịch Thái Lan đứng ra tổ chức các chiến dịch khuyến mãi giá vé máy bay rẻ, khách sạn rẻ nhưng bù lại sẽ thu tiền khách ở những nơi mua sắm, xem các show diễn...
N.Bình
Kỳ nghỉ lễ dài ngày giữa năm được xem là cơ hội vàng để người dân đi du lịch.
Xem thêm: mth.53295038050503202-yab-gnah-auc-mal-ias-iort-nert-ev-aig-oen/nv.ertiout