Với thầy Vũ (41 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cuộc sống mơ ước là được làm nghề giáo, gắn bó với học trò.
Thầy chuyên dạy toán cho học sinh cấp III. Cứ đến buổi học, một số em đến sớm bưng bàn ghế ra phụ thầy giáo. Nếu là ca học cuối trong ngày, các em sẽ giúp thầy thu dọn lại bàn ghế. Có em còn quét dọn chỗ học giúp thầy.
Tình cảm thầy trò trong lớp được nuôi dưỡng qua biết bao thế hệ. Học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đóng tiền học, thầy Vũ đều miễn phí và còn hỗ trợ đồ dùng học tập cho học trò...
Thầy Vũ chia sẻ bản thân từng theo học ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Song đó chỉ là "sự lựa chọn bắt buộc vì không còn con đường nào khác". Ước mơ của thầy là giảng đường trường sư phạm, nhưng lúc ấy thầy không đủ điều kiện sức khỏe.
"Lúc đó, bạn bè thấy tôi mê nghề giáo dữ quá nên gửi em ruột qua nhờ tôi kèm. Lớp học đầu tiên tôi dạy khoảng 4-5 em, rồi cứ như vậy đông dần lên theo thời gian. Cho nên tôi vẫn nghĩ đi dạy là cái duyên. Tôi sẽ không bao giờ quên được cơ hội làm nghề giáo có được từ tình thương, sự tin tưởng của những người bạn thuở đó" - thầy Vũ tâm sự.
Khi vừa tốt nghiệp đại học, thầy Vũ được nhận vào làm tại một công ty công nghệ và được trả lương khá tốt. Song không thể làm hai công việc cùng lúc, thầy nghỉ việc tại công ty sau hai tháng và ở nhà dạy học cho đến nay.
"Suy nghĩ về việc chọn nghề trong thời điểm đó, tôi chỉ cảm thấy thương học trò. Nếu bỏ đi thì tội các em lắm, các em đang học giữa chừng mà giờ mình bỏ thì lại bơ vơ. Tôi nghĩ rằng làm việc với các em sẽ vui và hạnh phúc hơn là làm việc trong môi trường công sở cùng những dòng code. Thế nên tôi nghĩ đó là cái duyên rồi, mình cứ đón nhận nó thôi. Và hôm sau tôi xin nghỉ làm" - thầy Vũ tâm sự.
Nguyễn Trần Ngọc Hân, sinh viên năm 4 ngành sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ: "Từ nhỏ tôi luôn mong muốn trở thành giáo viên mầm non, nhưng bị những lời đồn về cơ hội nghề nghiệp làm băn khoăn ít nhiều. Thế nhưng thầy Vũ đã truyền động lực rất lớn cho tôi để tôi có thể dũng cảm với chính ước mơ của mình.
Mặc dù thầy không xuất thân từ môi trường sư phạm, nhưng chắc chắn thầy là một hình mẫu tốt cho tôi noi theo khi tất cả những gì thầy làm với học sinh đều xuất phát từ chính cái tâm của mình", Ngọc Hân nói.
"Mong muốn lan tỏa tinh thần thầy giáo"
Ông Ngô Văn Út - cựu chủ tịch Hội Khuyến học phường Thanh Khê Tây, Đà Nẵng - cho biết gia đình thầy Vũ trong diện "đặc biệt" của phường.
"Cả gia đình Vũ rất vất vả. Cha Vũ đạp xe cho thuê sách truyện kiếm từng đồng nuôi các con ăn học, sau ông bà mất rồi cả nhà càng vất vả hơn. Vũ bị tật từ nhỏ, không đi được nhưng em rất hiếu học. Ngày xưa bà con chòm xóm không ai là không biết cảnh bạn bè thi nhau tới cõng em đi học. Trải qua bao nhiêu biến cố cuộc đời, ba anh em vẫn động viên, bảo ban nhau học đến xong đại học".
Ông Út nói thêm: "Do vậy, tôi nhận thấy tinh thần này rất đáng quý và xứng đáng được lan tỏa rộng hơn đến với cộng đồng. Ngày trước, hội khuyến học của phường thường tổ chức tuyên dương, khen thưởng, hỗ trợ cho gia đình các em, rồi tiếp tục đề xuất cho quận và thành phố.
Ngoài ra các em còn được hỗ trợ bởi chi hội khuyến học tộc họ Ngô, từ đó cũng giảm bớt đi phần nào gánh nặng tài chính trong suốt những năm tháng đại học".
Thầy giáo người Mỹ gốc Việt Ben Hoàng Nguyễn đã xây dựng một nền tảng online kết nối việc làm cho người trẻ.
Xem thêm: mth.54400120150503202-coh-yad-nal-ex-iogn-man-91-oaig-yaht/nv.ertiout