Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, vào sáng nay 5-5 nhiều khách hàng đã tới công ty bảo hiểm Manulife để gặp đại diện doanh nghiệp, sau đó điền vào các giấy tờ để làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia tại ngân hàng SCB, và được hứa sẽ được trả lại 100% số tiền đã đóng.
Ký giấy "im lặng" để được trả lại tiền
“Sau khi thảo thuận để tìm giải pháp phù hợp, hai bên mong muốn giải quyết khiếu nại và tranh chấp trên cơ sở không thừa nhận trách nhiệm pháp lý của Manulife Việt Nam”, nội dung trong giấy "thỏa thuận giải quyết khiếu nại" được phía doanh nghiệp in sẵn để khách hàng đọc và ký tên.
Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận còn yêu cầu bên mua bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.
Đáng chú ý, khách hàng còn phải cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của “Thỏa thuận giải quyết khiếu nại”. Đồng thời không được tiết lộ công khai bất kỳ nội dung nào về thỏa thuận trên cho bên thứ ba (ngoại trừ cho cố vấn pháp lý của bên mua bảo hiểm, hoặc theo yêu cầu của tòa án có thẩm quyền).
Trước đó, hàng trăm khách hàng đã gửi khiếu nại tới công ty bảo hiểm, tố cáo đến công an về việc bị giả chữ ký, bị chuyển tiền từ ngân hàng tới công ty bảo hiểm trước khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết, bị một vị tổng giám đốc đã từ nhiệm ký tên vào hợp đồng bảo hiểm, chưa từng gặp đại lý bảo hiểm...
"Quá mệt mỏi. Mình khiếu nại bị lừa, giờ được hứa trả tiền nhưng phải im miệng, cứ như trộm tiền của ai. Đây là bài học lớn", một khách hàng cảm thán.
Theo tìm hiểu, đa số khách hàng đã đồng ý ký tên, giữ im lặng để được nhận tiền, không muốn dây dưa. Song một số ít khách hàng cho biết trong vài ngày tới sẽ đến lịch hẹn của mình, cho rằng bản thân đã bị lừa, nên sẽ khởi kiện để buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường, thay vì ký giấy "câm miệng".
Tránh chịu sự chi phối mập mờ
Bên cạnh đó có khách hàng sau khi tới làm việc thì phía công ty bảo hiểm hứa sẽ xem xét thêm và hẹn khoảng một tuần sau mới trả lời. Khách hàng cho biết vẫn chưa được cho gặp đại lý đứng tên trên hợp đồng bảo hiểm.
Vào đầu năm nay báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra "Ép" người dân mua bảo hiểm, có đề cập đến việc nhiều người trải qua hành trình gian nan đòi lại tiền tiết kiệm ở Ngân hàng SCB đã bị "hô biến" thành bảo hiểm nhân thọ Manulife. Sau đó có khách hàng đã được công ty bảo hiểm trả lại tiền, nhưng cũng phải ký với giấy xác nhận giữ im lặng.
"Tôi sẽ không tiết lộ, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm/ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc này giữa tôi và công ty cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông và/hoặc mạng xã hội nào", nội dung trong giấy xác nhận.
Sau đó báo Tuổi Trẻ đã phản ánh việc này đến Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Cục quản lý, giám sát bảo hiểm trả lời, đối với các giao dịch dân sự khác không liên quan tới việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.
"Vì vậy khách hàng trong trường hợp này cũng cần nghiên cứu các quy định pháp lý hiện hành, tránh trường hợp chịu sự chi phối không tường minh của các bên, từ đó ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình", Cục quản lý, giám sát bảo hiểm chia sẻ.
Chiều 4-5, thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đối với các đơn tố giác về việc bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" liên kết giữa công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công an TP.HCM sẽ tiếp nhận, phân loại đơn theo quy định.
Do vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an thụ lý, Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.
TS Hồ Quốc Tuấn - giảng viên cao cấp, giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính & kế toán, Đại học Bristol - đề xuất như trên trước thực trạng nhiều người mất tiền khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.