Ca phẫu thuật đã được thực hiện trong tháng 3 năm nay, nhưng thông tin chi tiết cũng như đánh giá hiệu quả của nó chỉ vừa được công bố trong báo cáo khoa học đăng ngày 4-5 trên tạp chí Stroke.
Ca phẫu thuật đầu tiên
Em bé là con thứ 4 của vợ chồng anh Derek (39 tuổi) và chị Kenyatta (36 tuổi). Khi siêu âm thai ở tuần thứ 30, bác sĩ chẩn đoán bé bị chứng phình tĩnh mạch Galen, một dị dạng tĩnh mạch não.
Tình trạng này xảy ra khi tĩnh mạch đưa máu từ não về tim (tĩnh mạch Galen) không phát triển bình thường, khiến một lượng máu quá lớn dồn về gây căng thẳng cho tĩnh mạch và tim, làm phát sinh một loạt vấn đề sức khỏe.
Theo bác sĩ Darren Orbach, chuyên gia xạ trị tại Bệnh viện nhi Boston và cũng là chuyên gia điều trị chứng phình tĩnh mạch Galen, hai trong số những vấn đề sức khỏe đáng ngại nhất với trẻ khi bị dị tật này là những tổn thương não nghiêm trọng và chứng suy tim bẩm sinh.
Thường khi bị phình tĩnh mạch Galen, trẻ sẽ được điều trị sau khi ra đời bằng cách đặt catheter tĩnh mạch để luồn các vòng xoắn (coil) vào giúp giảm bớt lưu lượng máu. Tuy nhiên ông Darren Orbach cho rằng cách điều trị này thường là quá muộn.
"Có từ 50-60% trong số những trẻ bị dị tật này đã phát bệnh ngay lập tức. Và trong số đó, dường như khoảng 40% không qua khỏi", ông Orbach cho biết. Ngoài ra, khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị phình tĩnh mạch Galen nếu sống sót thì cũng bị các trục trặc nghiêm trọng về thần kinh cũng như nhận thức.
Trở lại với ca phẫu thuật của mẹ con chị Kenyatta. Sau khi được giải thích rõ về các nguy cơ có thể xảy ra như sinh non, xuất huyết não với thai nhi, người mẹ cũng được biết chị có thể lựa chọn tham gia một thử nghiệm phương pháp phẫu thuật mới để chữa bệnh cho con ngay từ lúc mang bầu.
Ngày 15-3, đúng 1 tháng sau khi siêu âm phát hiện con bị dị tật ở tĩnh mạch Galen, chị Kenyatta quyết định chọn giải pháp phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ cùng lúc thực hiện thủ thuật với hai bệnh nhân: chị Kenyatta và con chị.
Em bé đang khỏe mạnh bình thường
Các bác sĩ Louise Wilkins-Haug và Darren Orbach đã phải tìm cách để giữ thai nhi ở vị trí chính xác với phần đầu của thai đối diện với thành bụng của người mẹ và phải giữ được ổn định ở vị trí đó.
Sau khi thai nhi đã ở vị trí tối ưu, họ tiêm một lượng thuốc nhỏ vào thai nhi để thai không di chuyển và tiêm một ít thuốc giảm đau.
Sau đó các bác sĩ cắm một cái kim qua thành bụng người mẹ, cẩn thận luồn một ống catheter qua kim để các coil chèn vừa vặn tĩnh mạch, làm chậm lưu lượng máu và giảm huyết áp lên thành mạch.
Lập tức thai nhi có những biểu hiện cải thiện, các hình ảnh scan cho thấy huyết áp đã giảm ở một số vùng trọng yếu. "Thật sung sướng khi chúng tôi đã làm thành công ở kỹ thuật nút mạch đó", bác sĩ Orbach chia sẻ.
Sau thủ thuật, chị Kenyatta bắt đầu thấy rỉ nước ối và hai ngày sau chị sinh con ở 34 tuần tuổi. Ngày 17-3, bé Denver Coleman chào đời với cân nặng hơn 1,8kg. "Tôi đã nghe con bé khóc lần đầu tiên và không thể tả nổi cảm xúc lúc đó", chị Kenyatta xúc động nhớ lại.
Các bác sĩ của chị cũng rất vui vì sau khi chào đời, bé gái có sức khỏe ổn định và không cần dùng thuốc hay thiết bị hỗ trợ nào. "Chúng tôi hy vọng em bé sẽ không cần phải đặt thêm coil nào nữa", bác sĩ Wilkins-Haug nói.
Giờ đây, gần 2 tháng sau khi ra đời, bé Denver đang khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường và không phải dùng thuốc. Các kết quả kiểm tra hệ thần kinh của cô bé ổn định và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy bé sẽ phải cần thêm những can thiệp y tế khác.
Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi nào là thắc mắc phổ biến hiện nay của các gia đình đang có nhu cầu sinh con hoặc tìm hiểu thông tin về sinh sản với mong muốn em bé chào đời khỏe mạnh, trong khi tuổi của nam giới cũng rất đáng quan tâm.
Xem thêm: mth.22281752150503202-em-gnub-gnort-ut-oan-tauht-uahp-coud-iag-eb/nv.ertiout