Thông tin được nêu trong quyết định Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 5/5. Trước đó, Chính phủ đã cho chủ trương mở rộng nhà máy từ năm 2014, Bộ Chính trị cũng xác định đây là nhiệm vụ để phát triển miền Trung. Nhưng do nhiều vướng mắc nên dự án đến nay vẫn chưa triển khai.
Theo quyết định mới, dự án sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 51,67 ha, gồm hơn 41 ha mở rộng thêm và hơn 10,6 ha đất dự phòng hiện có bên trong nhà máy, không sử dụng mặt biển.
Tổng vốn dự án là hơn 1,2 tỷ USD (tương đương 31.235 tỷ đồng). Trong đó vốn chủ sở hữu 503 triệu USD (12.494 tỷ đồng), còn lại là vốn vay. Như vậy, so với kế hoạch cũ, tổng vốn đầu tư thấp hơn gần 0,56 tỷ USD (vốn dự toán năm 2014 là trên 1,8 tỷ USD).
Lý do điều chỉnh vốn, theo nhà đầu tư là để tối ưu chi phí, phù hợp với khả năng thu xếp vốn và nâng cao hiệu quả dự án. Tiến độ đưa dự án vào vận hành cũng được điều chỉnh sang quý I năm 2028 thay vì vận hành năm 2022 như chủ trương đầu tư cũ.
Mục tiêu đầu tư trước đây là nâng công suất từ 148.000 thùng một ngày lên 192.000 thùng một ngày, nhưng theo quyết định mới chỉ nâng lên 171.000 thùng một ngày.
Để đáp ứng công suất này, nhà máy lọc dầu sẽ được bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi với 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới gồm: phân xưởng xử lý xăng bằng hydro; phân xưởng xử lý diesel bằng hydro; phân xưởng Alkyl hoá; phân xưởng sản xuất hydro; phân xưởng thu hồi lưu huỳnh.
Nhà máy cũng sẽ được bổ sung hai phân xưởng công nghệ không bản quyền gồm: phân xưởng xử lý nước chua và phân xưởng tái sinh Amin. Ngoài ra, các phân xưởng công nghệ khác cũng được hiệu chỉnh, cải hoán.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Khu Kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, hiện cung ứng khoảng 35% lượng xăng dầu cả nước.
Phạm Linh