Điều đó được anh nói trong buổi họp báo giới thiệu dự án phim ngắn CJ năm 2023. Đây là mùa thứ tư của dự án sau ba mùa thành công với nhiều giải thưởng lớn của quốc tế.
Chúng ta là nền điện ảnh ăn đong, vay mượn từ nước ngoài
Dự án năm nay khởi động với chủ đề The Bridge to Glory: Kết nối đam mê - Vươn tầm quốc tế, mục tiêu đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ trên con đường chinh phục thị trường thế giới.
Trước đó, nhiều phim ngắn hoàn thành trong khuôn khổ chương trình đã được chọn trình chiếu và đoạt giải tại nhiều liên hoan phim hàng đầu của thế giới.
Tuy nhiên, để có thể mang những sản phẩm của một nền điện ảnh còn non trẻ đi chinh phục quốc tế là điều không dễ. Nhất là khi điện ảnh Việt đang "khan hiếm" kịch bản hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: "Để tạo ra nền điện ảnh thu hút quần chúng một cách bền vững và bài bản, ngoài khả năng của người đạo diễn còn phải dựa vào trình độ của người biên kịch.
Đáng tiếc ở Việt Nam vai trò và cách đối xử với biên kịch chưa được thỏa đáng, trả lương quá thấp, thành ra nền điện ảnh chúng ta vẫn là ăn đong, vay mượn câu chuyện từ nước ngoài".
Để có thể đưa phim Việt đi xa hơn, Phan Đăng Di cho rằng không thể là cuộc đi đơn độc của nhà làm phim mà cần một nền quản lý và xã hội có tầm nhìn, tư duy sáng suốt hơn.
Từ đó mới có thể vẽ ra chiến lược và tạo mô hình hỗ trợ người tài ngay lập tức.
Nhưng đáng buồn thay khi những bộ phim do người Việt làm, mang danh tiếng về cho người Việt phần nhiều lại đến từ những nguồn tài trợ nước ngoài.
"Dự án phim ngắn CJ này là một dự án hoàn toàn của Hàn Quốc. Không phải người Việt Nam mà là người Hàn Quốc thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư cho những người trẻ. Đây đã là mùa thứ tư của họ.
Trong lúc đó, Việt Nam chúng ta chưa bao giờ có được những tính toán như vậy cho các tài năng. Những người trẻ được đầu tư, họ có những dự án thành công và lại tiếp tục làm những dự án dài hơn từ nguồn tài trợ, nhà sản xuất nước ngoài. Điều đó cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong tư duy về đầu tư vào phim ảnh" - đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét.
Để phim Việt được nhận diện trên quốc tế
Hiện nay, nền điện ảnh Việt Nam vẫn chưa được nhận diện. Số lượng phim Việt được chiếu tại các nước không nhiều. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng là một nước có nhiều câu chuyện để kể cho thế giới, từ những cái hay, cái dở của một quốc gia đang phát triển.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, những điều mà các nhà làm phim trẻ thể hiện ra màn ảnh còn rất nguyên sơ. Tuy nhiên, nếu biết cách giới thiệu có chiến lược thì sẽ "làm nên chuyện".
Phan Đăng Di chia sẻ: "Ngay khi bắt đầu dự án này, mục đích của chúng tôi phải rõ ràng, đó là đến được liên hoan phim hạng A. Đây là khu vực phim Việt Nam rất ít khi xuất hiện. Với phim ngắn, quyết tâm này có vẻ thực tế hơn. Sau ba mùa, chúng tôi đã đến được liên hoan phim Cannes, Venice, Berlin...".
Anh Di gọi mục tiêu của hội đồng thẩm định là "tham vọng lớn", nhưng đồng thời cũng là yếu tố giúp phim Việt đến các liên hoan phim hạng A và làm cho điện ảnh Việt Nam được nhận diện.
Dự án phim ngắn CJ 2023
Ở mùa 4, dự án phim ngắn CJ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các nhà làm phim hiện thực hóa ước mơ mang tiếng nói của mình vươn ra thị trường quốc tế.
Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ 1,5 tỉ đồng cho 5 dự án xuất sắc nhất. Mỗi dự án được tài trợ mức kinh phí là 300 triệu đồng.
Hội đồng thẩm định năm nay tiếp tục là những đạo diễn, nhà sản xuất nổi tiếng: đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thanh Huy, Trịnh Đình Lê Minh, và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc.
Cuộc thi bắt đầu mở đơn đăng ký từ 10-4 đến hết 28-5. Dự kiến trao giải vào tháng 11-2023.
10 năm qua, dù các phim Việt làm nên chuyện tại các liên hoan phim quốc tế lớn đều do các đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng họ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước.
Xem thêm: mth.91561058150503202-iaogn-coun-ut-noum-yav-gnod-na-noc-teiv-mihp/nv.ertiout