Chính phủ vừa thông qua đề xuất của Bộ Tài chính về xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT từ 10% xuống còn 8%, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội thông qua kỳ họp vào tháng 5 này.
Giảm thuế VAT để kích sức mua
Khi VAT giảm, người dân có thể mua hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn, trong khi các doanh nghiệp vui vì sức mua tăng sẽ mở ra cơ hội giải phóng hàng hóa, tái tạo dòng tiền. Chị P.N.Ng. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết gia đình chị có 6 người, tổng chi tiêu hằng tháng từ tiền thuốc cho cha mẹ già đến sữa, ăn uống... khoảng 10 triệu đồng/tháng.
"Giảm thuế được đồng nào hay đồng ấy. Số tiền được giảm thuế sẽ mua thêm đồ để bữa cơm tươm tất. Thời buổi kiếm đồng tiền, bát gạo khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa hết, còn công việc thì làm cầm chừng do doanh nghiệp ít đơn hàng", chị P.N.Ng. tâm sự.
Ông L.T.Hiếu (chủ nhà hàng Long Hải ở Móng Cái, Quảng Ninh) cho hay các chủ nhà hàng mừng như bắt được vàng vì đề xuất của Bộ Tài chính là giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ chứ không chỉ một số nhóm như năm 2022. Nếu quy định này được áp dụng thì các đơn vị kinh doanh sẽ giảm VAT cho khách một cách dễ dàng, không phải bóc tách hóa đơn, không phải tra soát xem mặt hàng này có được giảm thuế hay không.
"Thuế VAT tất cả hàng hóa, dịch vụ từ 10% giảm xuống 8% sẽ giúp kéo mặt bằng giá hạ nhiệt. Người tiêu dùng là người trực tiếp chịu thuế VAT sẽ được hưởng lợi. Còn với đơn vị kinh doanh, khi đầu vào là xăng, điện, nước, nguyên nhiên vật liệu... được giảm thuế VAT 2% thì giá hàng hóa bán ra cũng giảm theo. Điều này sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm nhiều hơn. Nhờ đó, nhà sản xuất, kinh doanh được lợi do đồng vốn quay vòng nhanh hơn", chủ nhà hàng này phân tích.
Tại TP.HCM, chị Hồng Ngọc (nhân viên văn phòng ở quận 3) cho hay từ hơn một năm qua, giá cả tăng chóng mặt trong khi kiếm đồng tiền lại hết sức khó khăn.
"Là người nắm hầu bao trong nhà tôi phải tính toán nát óc sao cho cân đối thu chi. Tiêu chí tôi đề ra là cắt hết những khoản chi tiêu không cần thiết, chỉ ưu tiên món nào thiết yếu. Sắp hết năm học, phụ huynh như tôi lại lo sắm sửa dần cho con vào năm học tới cùng hàng loạt khoản chi tiêu hằng tháng. Nếu thuế VAT giảm, bớt được đồng nào sẽ mừng đồng ấy", chị Hồng Ngọc nói.
Còn anh Đức Trí (chủ một nhà hàng tại quận Bình Thạnh) phân tích: việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ tương đương mức giảm thuế 2%, lại giảm trực tiếp trên giá bán. Chẳng hạn một người mua ly cà phê giá 50.000 đồng (đã bao gồm VAT là 5.000 đồng) thì tới đây khi chính sách giảm thuế VAT được áp dụng thì chỉ phải trả 49.000 đồng.
"Số tiền giảm thuế VAT tưởng như nhỏ nhưng với mức chi tiêu của gia đình 4 - 5 thành viên tại các thành phố lớn thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được cũng vài trăm ngàn đồng. Nhìn rộng ra toàn xã hội thì sẽ là số tiền lớn. Số tiền này lại được đem chi dùng thì sẽ giúp kích sức mua vốn đang xuống rất thấp như hiện nay. Đây cũng là điều mà những người kinh doanh rất mong mỏi", anh Đức Trí nói.
Giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú (chuyên gia về thuế) cho rằng doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn khi mỗi tháng có hơn 19.000 doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Chỉ trong quý 1, cả nước có tới 149.000 lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Nên sự hỗ trợ của Nhà nước qua chính sách tài khóa là vô cùng cần thiết.
"Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho những mặt hàng có thuế suất 10% xuống 8% vào kỳ họp gần nhất trong năm nay, thông thường là diễn ra vào tháng 5 này. Như vậy, nếu Quốc hội chấp thuận thì sẽ ban hành nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc từ tháng 7. Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT chỉ trong 6 tháng là quá ngắn. Nên để chính sách phát huy tối đa hiệu quả, thời gian giảm thuế VAT 2% cần được kéo dài đến hết năm 2024", ông Tú đề nghị.
Ông Tú cho biết thu ngân sách quý 1 đã đạt hơn 31% dự toán. Trong 3 quý tới, tình hình thu ngân sách được dự báo là có nhiều thách thức do hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Sang năm sau, tình hình kinh tế, chính trị thế giới dự báo có biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước.
Do đó, ngân sách muốn thu được thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, phải hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế. Kinh nghiệm của 20 năm qua, cứ mỗi lần giảm thuế thì ngân sách thường tăng thu. Như năm ngoái, giảm VAT 2% từ tháng 2 cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã góp phần giúp ngành thuế thu đạt hơn 124% so với kế hoạch.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu giảm thuế VAT chỉ 6 tháng cuối năm thì mức giảm cần sâu hơn, từ 10% xuống mức 5 - 6%. Mức thuế VAT 8% vẫn còn cao, chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, do đó việc giảm thuế VAT xuống dưới 8% cũng là cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chi dùng thế nào để được lợi?
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng việc giảm thuế suất VAT đồng loạt từ 10% xuống 8% có tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa dịch vụ trong xã hội.
"VAT là thuế gián thu, tức là sắc thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp sẽ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy trước mắt khi áp dụng giá cả hàng hóa sẽ giảm do VAT giảm. Có thể thấy rõ nhất ở những nơi như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... vì người tiêu dùng có thể kiểm tra cụ thể mức thuế suất hàng hóa có giảm hay không trên hóa đơn. Trong khi ở những nơi như chợ truyền thống, tiệm tạp hóa... thì có lẽ phải cần thời gian để mặt bằng giá giảm dần", ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc khi giảm thuế VAT cho hàng hóa, dịch vụ thì chỉ quy định nhóm mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh, chứ không quy định hàng đó bán ở siêu thị hay chợ. Hàng hóa được bán tại chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ, thông thường giá bán do người mua và người bán thỏa thuận đã bao gồm cả thuế. Họ cũng không biết thuế là bao nhiêu, nếu giảm VAT còn 8% thì giảm bao nhiêu tiền. Nhưng về lâu dài để cạnh tranh thì giá hàng hóa sẽ phải giảm theo nhưng sẽ có độ trễ.
Cần giảm cả thuế thu nhập cá nhân
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, để chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất, cùng với việc giảm thuế VAT, cần phải giảm cả thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Vì giảm thuế TNCN là giúp người nộp thuế có tiền để tiêu dùng, để mua hàng hóa.
"Nói là giảm thuế TNCN nhưng thực chất, Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh bất cập hiện hành của chính sách thuế TNCN", ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, luật hiện hành quy định khi chỉ số giá cả biến động 20% mới xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gây bất lợi cho người nộp thuế. Thực tế, mỗi năm chỉ số giá tăng khoảng 3 - 4%, đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân bị bào mòn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho rằng cần sửa toàn diện Luật Thuế TNCN. Như biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc cũng cần giảm xuống để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Hay quy định mức thu nhập bình quân 1 tháng không quá 1 triệu đồng mới được tính là người phụ thuộc đã quá lạc hậu. Nếu đợi đến năm 2025 mới sửa Luật Thuế TNCN thì quá thiệt thòi cho người nộp thuế.
L.THANH - A.HỒNG
Lợi ích "kép" khi giảm VAT
Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty Bidrico - cho biết bài học từ giai đoạn COVID-19 cho thấy khi giảm thuế VAT, cả người dân, doanh nghiệp lẫn thu ngân sách quốc gia đều có lợi. Người được hưởng lợi đầu tiên đó là người tiêu dùng vì được mua các sản phẩm, hàng hóa với giá rẻ hơn.
Thị trường sôi động hơn sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, nhà phân phối nhập hàng nhiều thêm, doanh nghiệp gia công, đóng gói đều chuyển động nhanh hơn, kéo theo công ăn việc làm, thu nhập lẫn an sinh xã hội tốt hơn.
"Chính sách giảm thuế VAT sẽ mang lại tác động kép, thả con tép bắt con tôm bởi điều này sẽ kích thích tiêu dùng tốt hơn mà các quốc gia trên thế giới đều dùng. Mua nhiều lên sẽ kéo theo hàng loạt chuỗi sản xuất tăng tốc, dịch vụ tăng lên, tạo thành một vòng tăng trưởng tốt hơn khi các bên đều được lợi", ông Hiến nói.
Tương tự, ông Trần Việt Anh - chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn - cho rằng tác động quan trọng của việc Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế VAT là tăng kích cầu mua sắm, giúp hàng hóa rẻ hơn, người dân có thêm tiền để mua sắm, tăng sức mua của xã hội. Ông Việt Anh cho biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người lao động èo uột, rất khó để người dân mở hầu bao mua sắm như trước đây.
NGỌC HIỂN
Nên giảm VAT đến hết 2024
Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ đề xuất của Chính phủ về giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, đồng thời cho rằng nên kéo dài thời gian áp dụng để tạo hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhắc lại kinh nghiệm năm 2022 các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế ở một số lĩnh vực, giảm VAT 10% xuống 8% ở một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hỗ trợ kịp thời cho phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% xuống còn 8% là cần thiết, phù hợp. Bởi nền kinh tế đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi, nói cách khác là mới ốm dậy chứ chưa khỏe hẳn.
Theo ông Lâm, khi xây dựng chính sách liên quan đến miễn, giảm thuế cần xác định tránh giật cục và phải "tính trước, lường sau, tương đối lâu dài". Với giai đoạn hiện nay đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định. Đồng thời, đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn.
"Như tôi đã nói chính sách thuế là chính sách vĩ mô nên cần tương đối ổn định, không thay đổi một cách đột ngột. Vì thế, nếu chỉ áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì tương đối ngắn và tính ổn định của chính sách không cao. Do đó, nếu có thể áp dụng cho hết năm 2023 và trong trường hợp lượng sức được thì kéo dài thêm một thời gian nữa sang năm 2024. Việc này giúp cho chính sách này mang tính bền vững lâu dài, giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định", ông Lâm nói.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Thịnh, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định việc Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% chính là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên cho rằng việc chỉ đề xuất giảm trong 6 tháng cuối năm 2023 là hơi ngắn, ông Thịnh đề xuất mạnh dạn giảm thuế này đến hết tháng 6 năm 2024, thậm chí hết năm 2024.
"Bởi yếu tố suy giảm kinh tế sẽ còn kéo dài, khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng ngay. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, việc khôi phục lại cần thời gian nhất định. Vì thế, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng. Thị trường trong nước chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được bằng các chính sách vĩ mô, do đó khi tăng được cầu lên sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tránh tăng trưởng chậm, trì trệ nền kinh tế...", ông Thịnh phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện siêu thị MM Mega Market cho rằng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% là điều cần làm và phải làm sớm để kích thích sức mua đang suy giảm ở hầu hết các hệ thống bán lẻ. Tuy vậy, nên xem xét cho kéo dài khoảng thời gian áp dụng chính sách này, thay vì chỉ 6 tháng.
Theo vị này, để áp dụng thay đổi mức thuế VAT, các hệ thống bán lẻ phải tốn thời gian dài cho khâu làm việc với nhà cung cấp, rà soát các mặt hàng, thay đổi hóa đơn, giá bán... Ngoài ra, phải có chính sách truyền thông đủ tốt để người tiêu dùng biết và đón nhận.
"Áp dụng 6 tháng là quá ngắn, không đủ để tác động tích cực lên sức mua, thậm chí gần như không tác động nếu chúng ta không làm tốt công tác truyền thông và chuẩn bị. Cần áp dụng ít nhất trong một năm, hoặc nếu được cho kéo dài đến hết năm 2024", vị này nhận định.
Chỉ áp dụng 6 tháng là quá ngắn
Đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết sức mua đang giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, và có khả năng sức mua sẽ còn ở mức thấp kéo dài hết năm nay, thậm chí sang năm sau khi nhiều người dân thắt chặt chi tiêu. Do đó, giảm thuế VAT là cần thiết, bởi chính sách này có thể giúp sức mua tăng 15 - 20%, đặc biệt các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Theo vị này, với hơn 40.000 mặt hàng các loại đang kinh doanh, đơn vị cần khoảng 2 tháng để chuẩn bị và áp dụng cho việc giảm thuế VAT trên cả hệ thống, và sau đó lại tốn thêm 2 tháng để điều chỉnh trở lại sau khi chính sách này kết thúc.
"Mất hết 4 tháng cho các khâu chuẩn bị để giảm và tăng thuế VAT trở lại, trong khi chính sách áp dụng chỉ 6 tháng. Điều này quá tốn công sức nhưng không tác động được nhiều, thậm chí nhiều đơn vị có thể sẽ làm nửa vời vì không chuẩn bị kịp", vị này nhận định.
THÀNH CHUNG - NGUYỄN TRÍ
Sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, khuyến mãi, giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong đó có giảm thuế trước bạ đối với ô tô…
Xem thêm: mth.64974918060503202-nagn-auq-al-gnaht-6-gnud-pa-ihc-tav-euht-maig/nv.ertiout