Tất cả dự báo từ đầu năm đến nay đều cho rằng kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, lạm phát cũng giảm xuống.
Một trong những lý do là hậu quả dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng, các nước đã phải áp dụng các chính sách thắt chặt rất mạnh về tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát. Gần đây, lạm phát của thế giới đã bắt đầu giảm xuống. Ở Mỹ, lạm phát cũng đã bắt đầu giảm và dự kiến sang năm lạm phát chỉ còn hơn 2%.
Đó là lý do vì sao vừa qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% và phát đi tín hiệu có thể đây là đợt tăng lãi suất cuối cùng để chuyển qua giai đoạn cắt giảm lãi suất.
Khi xem xét lại kinh tế Việt Nam, chúng ta thấy lạm phát từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,39% và lần đầu tiên CPI tháng 4 lại âm 0,34%. GDP của Việt Nam quý 1 chỉ tăng 3,32% và là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011 - 2023.
Những thông số đó nói lên một điều là kinh tế thế giới khó khăn, nhiều nước đứng trên bờ vực suy thoái kinh tế. Việt Nam cũng chịu tác động nhiều chiều và tăng trưởng cũng bắt đầu chậm lại. Lạm phát của thế giới cũng giảm xuống nhiều và như vậy hiện tượng nhập khẩu lạm phát cũng khó như chúng ta lo sợ của năm 2022.
So sánh giữa lạm phát và lãi suất hiện tại, có thể thấy độ chênh quá lớn. Vừa qua, Chính phủ và NHNN đã kêu gọi các ngân hàng hạ lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang đối mặt với yêu cầu đưa tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% vào tháng 10 năm nay.
Như vậy, để đảm bảo những cân đối về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng như đảm bảo các hệ số thanh khoản..., buộc lòng các ngân hàng phải hết sức dè dặt trong chuyện hạ lãi suất. Đây là lý do khách quan.
Thông thường ngân hàng trung ương các nước sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường mở, liên ngân hàng... để hỗ trợ các ngân hàng. Trong đó, việc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn.
Trên thực tế, chúng ta đã từng chứng kiến Trung Quốc luôn sử dụng dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ rất căn bản để hạ lãi suất.
Theo đó, NHNN Việt Nam có thể cân nhắc để hạ bớt tỉ lệ dự trữ bắt buộc và thời gian cho vay trong thị trường mở cần dài hơn lên đến 3 tháng, 6 tháng thay vì vài ba tuần.
Ngoài ra, cũng cần tạo lập lại lòng tin của các ngân hàng thương mại trên thị trường liên ngân hàng để khai thông niềm tin giữa các ngân hàng với nhau. Đó là những công cụ căn bản nhất để kéo giảm lãi suất. Ngoài ra, cũng cần tạo ra một kỳ vọng rằng lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức thấp (thực tế 4 tháng đầu năm chỉ 0,39%).
Mặc dù Quốc hội đã phê chuẩn mức lạm phát mục tiêu năm nay là 4,5% nhưng đối chiếu với tình hình quốc tế cũng như những yếu tố bên trong của nền kinh tế như sức mua giảm thì năm nay khả năng lạm phát sẽ thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để lãi suất có thể giảm nhanh hơn thì ngoài nỗ lực của các ngân hàng thương mại, NHNN cần xem xét để áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ như đã phân tích ở trên để đẩy nhanh hơn quá trình giảm lãi suất.
TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC (nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)
TTO - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc giảm lãi suất điều hành, hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.
Xem thêm: mth.14445320060503202-taus-ial-maig-ed-coub-tab-urt-ud-el-it-ah-tex-mex-nen/nv.ertiout