Sau những nhiệm vụ bay ở chiến trường Ý, ông trở về nhà. Đó là toàn bộ "kinh nghiệm chiến trường" của Heller.
Ông đã đem chúng vào Bẫy - 22 (Catch - 22), một trong những tiểu thuyết hay nhất viết về chiến tranh.
Khi chiến sự là trò hề, sinh tử là may rủi, còn lính tráng chẳng khác gì con hổ bị ép nhảy qua vòng lửa, những "anh hùng" khoác tấm áo choàng rách tả tơi và dự phần vào một gánh xiếc rong.
Xuyên suốt gần 600 trang sách khổ lớn (bản tiếng Việt do Lạc Khánh Nguyên dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành), Bẫy - 22 ngồn ngộn những gương mặt người lần lượt xuất hiện như đèn kéo quân.
Họ bị đẩy ra khỏi quê hương và Tổ quốc của mình, dự phần vào một cuộc chiến hay có thể nói là một cái bẫy.
Cứ mỗi lần họ đạt số nhiệm vụ bay đủ chuẩn được trở về nhà thì chỉ tiêu lại tăng lên, và cứ thế càng lúc càng tăng thêm, cho đến khi ngày trở về là điều gì đó ngoài tầm với.
Heller đã khắc họa cái bi kịch không lối thoát bằng một giọng văn hài hước. Một tiếng cười cợt nhã trước sự phi lý của cuộc sống.
Các nhân vật trong tiểu thuyết này hành động và suy nghĩ không giống ai, với những đối thoại kiểu "ông nói gà bà nói vịt", những lý lẽ ngược ngạo mà nói vui như ngôn ngữ trên mạng ngày nay là "tuy vô lý nhưng cực kỳ thuyết phục".
Nhưng trong không gian của Bẫy - 22, những chuyện phi lý ấy lại trở nên bình thường, và cái cười ban đầu dần chuyển thành chua chát, đắng cay.
Ở đó, người ta kinh doanh từ xương máu của người lính. Cuộc chiến phe này đánh phe kia chỉ còn là một vụ làm ăn với phương châm mọi người đều có phần.
Joseph Heller đã dựng lên một tấn trò để phô bày cái vô nghĩa đến ngớ ngẩn của chiến tranh, dù cho con người cố nhân danh điều gì đi nữa.
Năm 2015, tờ The Guardian xếp Bẫy - 22 ở vị trí 80 trong danh sách 100 tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh hay nhất. Joseph Heller có tên trong danh sách đề cử Giải Nobel văn học năm 1972 (có lẽ phần lớn nhờ vào Bẫy - 22). Trong văn nghiệp đa dạng của ông, Bẫy - 22 là tác phẩm nổi tiếng hơn cả.
Năm 2023, tròn 100 năm ngày Joseph Heller ra đời, đâu đó trên hành tinh này chiến tranh vẫn hiện hữu. Những điều phi nghĩa vẫn diễn ra. Đáng sợ hơn, chiến tranh vốn dĩ là điều bất thường đã biến thành bình thường trong nhịp sống của con người hiện đại.
Nhưng không phải vì thế mà con người tuyệt vọng. Như cách mà Heller viết về nhân vật cha tuyên úy trong Bẫy - 22, dù không giấu sự mỉa mai: "Anh ta không bao giờ thôi đau khổ, và không bao giờ thôi hy vọng".
Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, tác phẩm của nhà văn Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel văn chương 2015 đã khẳng định và chứng minh như vậy. Nhưng điều đó lại không đúng với chiến tranh Việt Nam.
Xem thêm: mth.44075629060503202-hnart-neihc-ev-tahn-yah-teyuht-ueit-gnuhn-gnort-tom-22-hctac-22-yab/nv.ertiout