Đầu tháng 5, báo New York Times nhận định cuộc phản công mùa xuân của Ukraine sắp sửa bắt đầu. Hai bên tham chiến đều đang hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng.
Từ ngày 1-5, các lực lượng của Nga được ghi nhận đã vào vị trí phòng ngự. Trong khi đó, một loạt nhà máy, kho lưu trữ dầu và nhiều hạ tầng giao thông ở Nga lần lượt bốc cháy, bị nghi là do Ukraine tấn công.
Trước đó, vào ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận trên sóng truyền hình quốc gia rằng quân đội nước này cũng đã "tiến gần vạch đích" trong việc bắt đầu cuộc phản công.
Từ nhiều tháng qua, phía Ukraine đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch mang tính quyết định đối với cục diện cuộc chiến này.
Cuộc phản công mùa xuân trong bối cảnh khí tài viện trợ dần cạn kiệt
Ngay từ đầu cuộc chiến, Ukraine đã luôn phụ thuộc nặng nề vào sự hỗ trợ khí tài của các nước phương Tây.
Theo đài RFE, quốc gia Đông Âu này đã nhận hơn 32 tỉ USD viện trợ từ Mỹ và hàng tỉ USD từ các nước châu Âu khác. Dù một số khoản được chi cho các mục đích nhân đạo và duy trì nền kinh tế Ukraine, hầu hết nguồn lực viện trợ vẫn được dồn vào mục đích quân sự.
Tình hình biến chuyển chậm rãi trên chiến trường Ukraine những tháng qua đang khiến chiến sự nước này dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao.
Báo Wall Street Journal phân tích đây chính là hướng đi mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình. Khi ấy, với nguồn lực dồi dào, Nga có thể duy trì cuộc chiến lâu hơn đối thủ.
Còn theo báo New York Times, các nước phương Tây đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp đạn dược, đặc biệt pháo cho Ukraine. Tốc độ tiêu tốn đạn dược của Ukraine hiện tại cao hơn nhiều so với khả năng sản xuất của Mỹ và các nước châu Âu.
Nếu không có gì thay đổi, khi cuộc phản công mùa xuân kết thúc, khả năng các đồng minh Ukraine có thể bù đắp đạn dược cho nước này ngay trong năm 2023 rất thấp. Điều này mang lại tổn thất vô cùng lớn vì trong chiến tranh hiện đại, hỏa lực pháo binh và tên lửa phòng không có tầm quan trọng vô cùng lớn.
Nếu không giành được lợi thế chiến lược trên cuộc phản công này, Ukraine không chỉ rất khó để có đủ nguồn lực thực hiện một cuộc tiến công khác, mà còn gặp khó trong việc bảo vệ các thành quả đã đạt được.
Các nước phương Tây muốn tiến gần đến bàn đàm phán
Bên cạnh khó khăn đạn dược, Ukraine còn gặp khó từ chính các đồng minh của mình. Không phải nước phương Tây nào cũng sẵn sàng sa lầy quá lâu vào chiến trường Ukraine. Xu hướng tìm thỏa thuận hòa bình để kết thúc chiến tranh đang ngày một rõ ràng, trong đó Pháp là ví dụ điển hình.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "mang Nga và mọi người trở lại bàn đàm phán".
Viễn cảnh kinh tế không khả quan từ đầu năm đến nay, cùng với tình hình lạm phát vẫn ở mức cao báo động tại nhiều nước khiến không ít quốc gia đang phải suy nghĩ kỹ hơn về việc đổ nguồn lực ra nước ngoài.
Viết trên trang tin Conversation, ông Matthew Sussex - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc phòng trực thuộc Đại học Quốc gia Úc - nhận định rằng khả năng hỗ trợ của Mỹ, đồng minh lớn nhất của Ukraine, trong thời gian dài cũng là dấu hỏi lớn.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến ngày một gần. Việc chính trị trong nước rơi vào tình trạng bất ổn trong năm bầu cử đã không còn xa lạ với người dân Mỹ. Khi đó, chính quyền Mỹ cũng sẽ ưu tiên việc ổn định nội tình.
Bên cạnh đó, dù nhìn chung cả hai đảng vẫn có chung quan điểm sát cánh cùng Ukraine, mọi việc đều có thể thay đổi khi nhiệm kỳ mới bắt đầu. Việc Ukraine tiến chậm chạp trên chiến trường sẽ là cơ hội để những người yêu thích chủ nghĩa biệt lập của Mỹ giành ảnh hưởng.
Nếu không thể giành lợi thế lớn trên chiến trường trong đợt phản công này, Ukraine rất có thể sẽ mất dần sự ủng hộ của các đồng minh, đồng nghĩa với việc mất dần nguồn lực quý giá để duy trì việc chiến đấu.
Khi ấy, việc đàm phán kết thúc chiến tranh sẽ đến ngày một gần và chắc chắn Ukraine vô cùng yếu thế khi bước vào đây.
Cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu?
Theo Hãng tin TASS, ngày 3-5, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga, cho biết ông tin cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu.
Trong tuyên bố được bộ phận báo chí của ông Prigozhin đăng trên Telegram, lãnh đạo tập đoàn Wagner khẳng định: "Quân đội Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công. Họ có nguồn nhân lực và đạn dược vô hạn".
Drone nghi của Ukraine bị bắn rơi gần căn cứ không quân Nga ở Crimea; Ukraine tịch thu tài sản của tỉ phú lưu vong; Mỹ đánh giá Nga "rất khó" sử dụng vũ khí hạt nhân... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 5-5.