GIẢI BÀI TOÁN "3 TRỤ CỘT"
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở (Sở KH-CN TP.HCM), dẫn chứng một khảo sát tại Q.8 năm 2022 do đơn vị này thực hiện cho thấy UBND phường và chủ tịch UBND phường có 42 đầu việc được nêu tên và nhiều công việc không tên khác. Một số liệu khảo sát năm 2022 cũng chỉ ra trung bình mỗi phường ban hành khoảng 700 văn bản, 1.500 quyết định hành chính, khoảng 500 báo cáo mỗi năm và từ 5 - 7 cuộc họp/tuần.
Theo xu thế phát triển, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng cao, đòi hỏi nhanh hơn, chính xác hơn, đơn giản hơn và minh bạch hơn trong khi nguồn lực của phường lại hạn chế về con người, trang thiết bị, kinh phí. Hơn nữa, năng lực phát hiện vấn đề bất cập nhất và mô tả đầy đủ, chính xác để các tổ chức hỗ trợ giải pháp công nghệ của cấp phường đều không cao.
Ông Sơn đánh giá trong 3 trụ cột chuyển đổi số (CĐS): con người, quy trình và công nghệ - thì chính quyền cơ sở gặp nhiều thách thức về con người và quy trình. Trong đó, quy trình chưa được tối ưu hóa, chưa được hỗ trợ công nghệ đồng bộ từ quận, huyện xuống phường, xã. "Nếu tối ưu hóa quy trình thì một năm không cần phải hội họp nhiều như thế, không cần có quá nhiều báo cáo mà cấp trên vẫn có thể nắm được tình hình, điều hành được công việc", ông Sơn nói.
Một tin vui ở thời điểm hiện nay, theo ông Sơn, đó là mặt bằng công nghệ, giải pháp công nghệ do doanh nghiệp VN làm chủ có thể đáp ứng được nhu cầu CĐS, vấn đề còn lại là các cơ quan có áp dụng vào thực tế hay không. Hiện TP.HCM đang thực hiện CĐS và xây dựng đô thị thông minh theo hướng từ trên xuống, tức là xây dựng mô hình từ TP và lan tỏa xuống phường, xã.
Tuy nhiên, Sở KH-CN TP.HCM đề xuất hướng tiếp cận mới là theo hướng từ dưới lên, đó là nghiên cứu mô hình CĐS cho một phường cụ thể dựa trên mối liên hệ giữa phường với người dân, giữa phường với quận. Sau khi hoàn thành, mô hình này sẽ bàn giao cho UBND TP.HCM và các quận, huyện với kỳ vọng đến năm 2030 đa số các phường sẽ thành "phường thông minh".
NHÂN SỰ VỪA THIẾU VỪA YẾU
Thực hiện một khảo sát nhỏ, PV Thanh Niên cảm nhận được sự dè dặt của lãnh đạo cấp cơ sở khi vừa muốn nói thẳng những bất cập của CĐS nhưng lại ngại làm phật ý cấp trên nên không muốn nêu tên.
Q.3 có 12 phường, mỗi phường đang quản lý 6 phần mềm, gồm 4 phần mềm của TP.HCM: quản lý công chức, kế toán, tư pháp - hộ tịch và hộ nghèo, cùng 2 phần mềm khác của địa phương, chưa kể giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công. Chủ tịch một phường ở Q.3 nêu thực tế hiện không có chức danh công nghệ thông tin (CNTT) nên phường thấy công chức nào rành về máy tính thì phân công tham gia công tác CĐS, thường là công chức văn phòng - thống kê. Tuy nhiên, công chức cũng chỉ rành về tin học văn phòng, giải quyết nghiệp vụ của phường trong khi để CĐS thì cần nhân sự phải am hiểu về phần mềm, bảo mật, an toàn thông tin mạng…
Đồng quan điểm, chủ tịch một xã đông dân ở H.Bình Chánh nhìn nhận công tác bồi dưỡng nghiệp vụ CĐS cho công chức còn chắp vá, kiến thức không bài bản nên không có nền tảng nhận định vấn đề. Còn đối với người dân, các sản phẩm CĐS đưa ra chưa hoàn chỉnh, vừa làm vừa hoàn thiện nên khó sử dụng, nhiều người không thể thích nghi. Về trang thiết bị, máy tính cấu hình lạc hậu theo thời gian nhưng lại vướng thủ tục mua sắm tập trung nên đầu tư không kịp thời, hoặc mua về được vài năm lại lạc hậu. Kế đến là các phần mềm được viết ra bởi những cơ quan khác nhau nên khâu kết nối dữ liệu vẫn hay trục trặc…
Và quan trọng nhất, dù mất nhiều thời gian để xây dựng dữ liệu dân cư nhưng kết nối không đồng bộ đang làm cho người dân và công chức mất công mất sức. Đơn cử như Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), các phường, xã vận động, kêu gọi người dân đi làm căn cước công dân gắn chip với những hứa hẹn về các tính năng ưu việt nhưng lại chưa ứng dụng hữu hiệu vào các thủ tục hành chính. Điển hình là thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, do dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp và dữ liệu dân cư của Bộ Công an chưa kết nối hữu hiệu với nhau nên phải tốn thêm thời gian xác minh đối với trường hợp cư trú nhiều nơi.
Từ cuối tháng 2.2023, Thủ tướng yêu cầu bộ phận một cửa các cơ quan hành chính không được đòi hỏi người dân xuất trình sổ hộ khẩu và giấy xác nhận cư trú. Chủ trương này được người dân ủng hộ nhưng do dữ liệu dân cư và hộ tịch chưa kết nối nên vô tình làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Một chủ tịch phường nói rằng nếu người dân mang theo sổ hộ khẩu cũ dù hết giá trị, nhưng công chức hộ tịch có thể dựa vào đó để xác định thời điểm cư trú của công dân để phối hợp với ngành công an xác minh tình trạng hôn nhân.
Còn nếu không có sổ hộ khẩu, công chức phường phải gửi công văn đề nghị công an quận hỗ trợ xác định các giai đoạn cư trú của công dân, rồi gửi văn bản đề nghị các địa phương khác xác minh. "Người dân phàn nàn dữ liệu dân cư đã đầy đủ nhưng thời gian làm thủ tục lại lâu hơn", vị chủ tịch xã ở H.Bình Chánh nói.
GIẢM 50% CÔNG VIỆC NẾU LÀM TỐT
Khi được hỏi về nhu cầu cần gì để phục vụ CĐS, lãnh đạo nhiều địa phương ở TP.HCM nêu 3 yếu tố: nhân lực, thiết bị và dữ liệu. Cụ thể, về nhân lực thì đề xuất bổ sung thêm chức danh người làm việc không chuyên trách về CNTT để quản lý, theo dõi các phần mềm và hướng dẫn khu phố, tổ dân phố về CĐS. Về thiết bị, các phường, xã đề xuất được chủ động mua sắm máy tính, TP chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn về cấu hình. Đồng thời, khi viết phần mềm thì các ngành cần khảo sát nhu cầu của địa phương để sản phẩm đầu ra dễ sử dụng.
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG NGÀY KÉN DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Lý giải việc người dân ít làm hồ sơ trực tuyến, nhiều chủ tịch phường cho rằng hiện người dân phải mất nhiều thao tác, gồm lên mạng tải biểu mẫu, in ra, điền thông tin, ký tên, chụp hình hoặc scan rồi gửi lên hệ thống trong khi nếu ra trụ sở thì chỉ cần xin tờ khai rồi điền vào và nộp. Chưa kể, phần lớn thủ tục hành chính cấp phường đều giải quyết trong ngày nên người dân ra trụ sở nộp rồi lấy kết quả nhanh hơn so với nộp trực tuyến.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc CĐS ở chính quyền cơ sở mới chỉ tập trung vào cải cách thủ tục hành chính mà chưa chú trọng đến việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ. Do vậy, về phía người dân mới chỉ giảm được khâu nộp hồ sơ và nhận kết quả, trong khi công chức vẫn phải giải quyết theo quy trình nội bộ.
Liên quan đến CĐS, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết từ nay đến tháng 6.2023, Sở tập trung vào 2 đề án lớn là tham mưu thành lập Trung tâm CĐS trực thuộc UBND TP.HCM và xây dựng đề án nâng cao năng lực CĐS cho chính quyền cơ sở. Trong tháng 5.2023, Sở TT-TT sẽ khảo sát thực tế tại 10 phường, xã để nắm bắt nhu cầu của địa phương làm cơ sở xây dựng các giải pháp đồng bộ.
Về bồi dưỡng nghiệp vụ, Sở Nội vụ sẽ có kế hoạch đào tạo CĐS cho cán bộ, công chức. Nội dung đào tạo do Sở TT-TT phối hợp thêm một số trường đại học để xây dựng chương trình bài bản, bền vững nhưng phải thuận tiện cho người học. Bên cạnh đó, Sở TT-TT tổ chức các khóa học trên nền tảng trực tuyến. Riêng về mua sắm thiết bị, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo đưa máy vi tính để bàn ra khỏi danh sách mua sắm tập trung để các đơn vị chủ động.
Đối với đề xuất bổ sung nhân sự phụ trách CNTT tại cấp phường, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết đã tham mưu UBND TP.HCM góp ý thêm chức năng, nhiệm vụ của chức danh công chức văn phòng - thống kê thành văn phòng - thống kê - CNTT khi thay thế Nghị định số 34/2019 của Chính phủ.
Để thực hiện chính quyền số cấp cơ sở, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở TT-TT tham mưu xây dựng ngay đề án nâng cao năng lực CĐS cho chính quyền cơ sở trên các trụ cột về năng lực xây dựng thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện khác. Ngoài ra, Sở KH-CN cũng được giao làm đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền ở cơ sở.
"Nếu quy trình chuẩn hóa, phân công cụ thể, đào tạo, hướng dẫn và số hóa dữ liệu đồng bộ, liên thông thì khối lượng công việc của cơ sở giảm được 1/3, nếu làm tốt có thể giảm 50%. Như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ khi không tăng biên chế mà khối lượng công việc ngày càng nhiều", ông Mãi nhấn mạnh.
NỖI ÁM ẢNH... DANH SÁCH
Lãnh đạo một phường ở trung tâm TP.HCM nói rằng nỗi ám ảnh của phường là danh sách, như người đủ 80 tuổi để hưởng trợ cấp và thẻ BHYT miễn phí, trẻ em đến tuổi tuyển sinh đầu cấp, tiêm vắc xin, thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự... Do không có dữ liệu này nên các tổ dân phố, công an khu vực phải xuống từng nhà dân gửi phiếu khảo sát.
"Nếu có dữ liệu đó thì rất khỏe, công chức chủ động hơn và chỉ tập trung vào chuyên môn. Như đối với người cao tuổi, phường chuẩn bị danh sách, hướng dẫn người dân làm thủ tục trước và đến ngày tròn 80 tuổi là nhận BHYT liền chứ không chờ nước đến chân mới chạy", vị này nói thêm.
HÀNH ĐỘNG THỰC CHẤT ĐỂ ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG
Theo ghi nhận của Thanh Niên, công tác triển khai CĐS tại nhiều tỉnh, thành còn đối mặt không ít hạn chế. Cụ thể, CĐS chưa đồng bộ trong khối các sở, ngành và cả quận, huyện; một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành mang tính nền tảng chậm được triển khai; nguồn lực nhân sự làm công tác CĐS còn mỏng; cấp xã, phường thiếu nhân lực, thiết bị…
Để thúc đẩy, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, cho biết đã xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng "thành phố thông minh", CĐS gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp…
Cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp CĐS, đáng chú ý, TP.Đà Nẵng sẽ hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ CĐS trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, các hoạt động ứng dụng, sử dụng hạ tầng CNTT, CĐS phải được lồng ghép với công tác đào tạo một cách hiệu quả.
Ông Đỗ Quang Nghĩa, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã triển khai tập huấn về CĐS cho 176 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.