Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều thương hiệu lớn một thời đã rút khỏi thị trường tivi như Toshiba, Panasonic, Sharp... Trong khi đó, một số hãng lớn như Samsung, LG, Sony gần đây tập trung vào phân khúc tivi giá cao; còn phân khúc giá rẻ hiện rơi vào tay của các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Giá rẻ, chất lượng ổn định
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động, xác nhận hãng Toshiba phải rút khỏi mảng kinh doanh tivi do giá thành không cạnh tranh được với nhiều hãng khác và chính sách bảo hành không tốt. Tương tự, hãng Panasonic hầu như đã ngưng sản xuất tivi cũng vì không thể cạnh tranh về giá. Sharp có quá ít mẫu mã tivi, công nghệ không vượt trội. Một số sản phẩm tivi của các thương hiệu này hiện còn bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn.
Trong khi đó, thương hiệu tivi Trung Quốc thời gian qua hiện diện ngày càng dày đặc với những cái tên như TCL, Mobell, Ffalcon, Skyworth, Konka, Xiaomi, Coocaa... Hisense - một thương hiệu tivi Trung Quốc khác - cũng đang xúc tiến thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để phát triển mặt hàng tivi mạnh hơn.
Ông Châu Thanh Huy, phụ trách kinh doanh siêu thị điện máy tại TP HCM, cho biết trước đây, tivi Trung Quốc chiếm thị phần rất nhỏ nhưng thời gian gần đây đã tăng lên 25% - 30% và có xu hướng tăng tiếp. "Tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu, chỉ lựa chọn những mặt hàng giá rẻ, trong đó có phân khúc tivi dưới 10 triệu đồng. Phân khúc giá này phần lớn rơi vào tay các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Tivi của Trung Quốc tuy có giá "mềm" nhưng sử dụng công nghệ không thua kém mấy so với thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản" - ông Huy nhận xét.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mẫu tivi Trung Quốc sử dụng màn hình Led, mini Led, OLed. Giá bán tivi 32 inch xuất xứ Trung Quốc chỉ 3 - 3,9 triệu đồng; tivi 43 inch có giá 3,9 - 5,8 triệu đồng; tivi 55 inch giá từ 5,9 - 7,5 triệu đồng. Với mức giá rẻ hơn một nửa so với tivi của các thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản song lại được trang bị đầy đủ công nghệ và chất lượng ổn định nên đã chinh phục được một phân khúc khách hàng nhất định.
Giới chuyên môn lý giải tivi xuất xứ Trung Quốc có giá rẻ là do các hãng có nhà máy quy mô lớn, sản xuất hàng loạt cho thị trường toàn cầu nên giá thành thấp, có khả năng cạnh tranh với hầu hết đối thủ trên thị trường.
Tivi Xiaomi của Trung Quốc bán tại các siêu thị điện máy
Tivi nội ngày càng đuối
Cách đây khoảng 10 năm, nhiều thương hiệu tivi trong nước đã tham gia thị trường và thể hiện được lợi thế cạnh tranh đáng kể với hàng loạt cái tên như Sanco, Akino, Asano, VTB, Ariang, Asanzo, Darling, Vinsmart. Đến nay, phần lớn trong số các hãng này đã dừng bước, số còn lại chỉ sản xuất, lắp ráp cầm chừng vì không thể cạnh tranh với tivi Trung Quốc giá rẻ.
Ông Hoàng Thiếu Thạch, giám đốc một công ty chuyên phân phối mặt hàng tivi tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, cho rằng tivi nội địa không cạnh tranh được trên thị trường bởi nhiều lý do. Đối với doanh nghiệp thuộc nhà nước, trở ngại lớn nhất là không có cơ chế hoạt động linh hoạt. Chẳng hạn, khi lô hàng gặp vấn đề, có thể mất đến 3 tháng để hoàn thành thủ tục giải quyết. Trong khi đó, đồ điện tử bị rớt giá liên tục, công nghệ được cập nhật thường xuyên nên sau thời gian hàng hóa nằm chôn chân chờ giải quyết, hãng phải bán ra thị trường với giá thấp hơn và người tiêu dùng cũng không ưa thích bởi đã lỗi thời.
Còn với doanh nghiệp tư nhân, do nhận định thị trường không chính xác nên tiêu thụ không hết sản phẩm, tồn kho lớn, giá rớt liên tục dẫn đến lỗ nặng. Đa số thương hiệu trong nước không đầu tư sản xuất bài bản bởi chi phí lớn, lợi nhuận thấp dẫn đến không thể cạnh tranh và từ từ lui bước.
Theo ông Văn Viết Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình (VTB), tivi là mặt hàng truyền thống của doanh nghiệp này nhưng cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Thời gian qua, VTB đã vận hành hệ thống chuỗi cung ứng nghiêm ngặt (đặt hàng - sản xuất - bán hàng/tồn kho) để giảm thiệt hại từ biến động thị trường, giữ vững thương hiệu.
Hãng tivi lớn cũng bị đe dọa
Việc các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc đang độc quyền thị trường màn hình tinh thể lỏng (LCD) sẽ tạo áp lực đến hoạt động kinh doanh tivi của hãng Samsung và LG. Năm ngoái, Samsung Display đã thông báo rút khỏi kinh doanh LCD; còn LG Display vẫn sản xuất nhưng chỉ còn nhà máy ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong khi dây chuyền LCD ở Hàn Quốc đã dừng hoạt động. Ngay cả cơ sở LCD ở Trung Quốc cũng bị LG Display cắt giảm một nửa sản lượng.
Giới chuyên môn nhận định khi Trung Quốc hoàn tất nắm giữ dây chuyền LCD, Hàn Quốc sẽ chính thức chấm dứt hiện diện ở thị trường màn hình LCD, đồng nghĩa Trung Quốc gần như kiểm soát tự do thị trường này. Các hãng màn hình Trung Quốc có thể cắt giảm số lô hàng panel giao cho Samsung để kiềm chế sản lượng tivi hằng năm của hãng này xuống dưới 40 triệu chiếc. Đồng thời, tăng số lô hàng bán cho TCL và Hisense, Xiaomi lên 30 triệu chiếc, từ đó thu hẹp khoảng cách về sản lượng tivi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.
Xem thêm: mth.41725050260503202-er-aig-couq-gnurt-ivit-iov-hnart-hnac-av-tav/et-hnik/nv.moc.dln