Bên cạnh việc học trên giảng đường, nhiều bạn sinh viên thường lựa chọn công việc làm thêm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập cũng như nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm sống.
Nhưng việc phải cân bằng thời gian giữa ôn luyện và đi làm thêm cũng tạo ra nhiều áp lực cho bạn trẻ.
Khéo léo quản lý thời gian
Quãng thời gian đi làm thêm, Lê Thị Khánh Huyền (21 tuổi, Bình Dương) chịu không ít… khủng hoảng. Cô nàng bộc bạch đã trải qua khá nhiều vấn đề trong việc làm thêm, có tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", việc nợ lương hay gặp phải vị sếp khó tính.
"Có thời gian mình bị sa sút cả việc học lẫn tinh thần. Điểm số của mình tuột không phanh, nhiều khi chán chường chẳng còn muốn làm gì" - Huyền bộc bạch.
Nhận ra công việc làm thêm bán thời gian gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, cô dự định tập trung 100% sức lực cho năm cuối. Tranh thủ dịp hè, cô sẽ tập trung học cải thiện và trau dồi tiếng Anh để chuẩn bị ra trường.
"Mình nghĩ việc đi làm thêm hay không xuất phát tùy vào nhu cầu của mỗi người, nếu sinh viên cân bằng được giữa việc học và việc làm thì vẫn nên đi làm thêm để trau dồi kỹ năng sống" - Huyền nói.
Chọn việc làm thêm, rèn sức chịu đựng
Là sinh viên năm 3 của Trường đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Vũ Huy Hùng (21 tuổi, Thanh Hóa) lựa chọn công việc gia sư môn hóa cho học sinh cấp ba.
Với tính chất công việc cần nhiều kiến thức và kỹ năng sư phạm, trong quá trình dạy học Hùng có thể kết hợp ôn luyện bài vở, lại hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Điều này phần nào đã giúp bạn quản lý và linh động được thời gian.
Tuy nhiên, lịch học dày đặc trên trường cũng gây ra không ít khó khăn. Đặc biệt, mùa thi cuối kỳ tới gần càng làm Hùng phải dồn nhiều tâm sức cho việc học hơn.
"Cứ mỗi lần bị deadline ‘dí’, mình lại trao đổi với phụ huynh học sinh để dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Gặp được cô chú phụ huynh dễ tính, hiểu và thông cảm cho mình nên đến hiện tại điểm số của mình vẫn không có gì đáng lo ngại" - Hùng nói.
Lưu Tuấn Kiệt (19 tuổi, Nam Định) vừa được nhận làm nhân viên phục vụ trong quán cà phê. Dù công việc chẳng liên quan gì đến ngành điện lực đang theo học nhưng giúp bạn kiếm được thêm thu nhập trang trải tiền trọ, tiền học phí.
Công việc của Kiệt yêu cầu khá nhiều thời gian, phải phục vụ khách hàng luôn tay luôn chân. Do đó, việc học đôi lúc cũng không được ưu tiên. Kiệt trải lòng, số lượng kiến thức của năm nhất chưa nhiều và đi vào chuyên ngành nên nam sinh viên này dự định sẽ "tô đẹp" bảng điểm vào năm hai.
"Nhưng việc được va chạm, trải nghiệm khi đi làm giúp tôi rèn được sức chịu đựng, tính kiên trì, sau này ra trường bớt áp lực hơn" - Kiệt nói.
Đặc biệt, cả Huy Hùng và Tuấn Kiệt đều cho biết sẽ không nghỉ hè mà tiếp tục làm thêm. "Còn trẻ, có thời gian thì mình nghĩ nên tìm một công việc để học hỏi, trải nghiệm" - Kiệt quyết tâm.
Tại diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Nhung - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho biết hiện nay sinh viên có nhu cầu làm thêm rất lớn.
Bà chỉ rõ một bộ phận thanh niên chỉ đi làm thêm sau giờ học để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên chưa làm thêm theo ngành nghề đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên làm thêm nhưng kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật đầy đủ dẫn tới tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, nhận thù lao trực tiếp dẫn tới khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề.
Để giải quyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành sẽ nghiên cứu quy định cụ thể, quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt hơn việc làm thêm sinh viên, tuyển dụng sinh viên làm thêm, bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên.
H.T.
TTO - Vừa thi xong kỳ thi THPT, Trung đón xe từ Yên Bái xuống Hà Nội để xin làm thêm. Mỗi ngày được trả tiền công 100.000 đồng, sau hai tháng làm thêm bạn tích cóp đủ tiền đóng học phí.