“Đặt mục tiêu cỡ nào cũng chơi”
Hôn lên mạch đất (Kiss the Ground) - một trong những bộ phim tài liệu truyền cảm hứng trên Netflix thu hút khá nhiều người xem. Nội dung phim nói về việc các nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng giải mã những cách mà đất trên Trái Đất có thể là chìa khóa để chống lại biến đổi khí hậu và bảo tồn hành tinh. Đây là một trong những bộ phim trở thành động lực rất lớn để Nguyễn Trần Thi nhảy vào làm nông nghiệp 2 năm trước với Dự án Koina - mô hình kinh doanh chuyên về bán sỉ nông sản.
“Đã xem tới 3 lần, mà lần nào xem xong tôi cũng mất ngủ, vì thấy còn quá nhiều việc phải làm. Đây cũng là một trong những lý do để chúng tôi chọn tên Koina (nghĩa là cân bằng) để nhắc nhở về mục tiêu của Dự án Koina”, Nguyễn Trần Thi chia sẻ.
Hầu hết những công ty mà Thi từng tham gia điều hành đều có mắt xích liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, bởi anh thấy thế mạnh của mình ở việc xây dựng chúng. Đó là khả năng ứng dụng các hệ thống công nghệ để kiểm soát chuỗi trên quy mô lớn. Hay như cách quản lý con người vận hành đồng bộ ở khắp nơi và gắn chặt các hoạt động này để giúp việc kinh doanh không chỉ giảm chi phí, mà còn hiệu quả hơn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng, logistics trong các ngành thương mại, sản xuất, bán lẻ ở Việt Nam đang khá phân mảnh, rời rạc. Đặc biệt, những công ty, những mô hình mới khó có thể tạo đột phá trên thị trường. Chính vậy, Thi nhìn thấy còn nhiều cơ hội ở thị trường này.
“Khi lựa chọn làm một điều gì mới, tôi đều tìm cách tận dụng lợi thế nói trên để xây dựng tiếp các năng lực khác cho tổ chức khác nhau”, Thi cho biết.
Từ khi bắt đầu Dự án Koina đến nay, Thi và các cộng sự lựa chọn rất kỹ từng bước để đặt chân vào thị trường nông nghiệp. Ở Việt Nam, riêng mảng trái cây và rau củ mà Koina đang chọn để làm là một thị trường rất lớn, nhưng bộc lộ nhiều vấn đề, như việc dùng hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, việc lặp đi lặp lại tình trạng phải giải cứu.
Mục tiêu của Koina là phải làm sao để thị trường được vận hành hiệu quả hơn. Trong đó, các thành phần chính trong chuỗi giá trị là nông dân, tiểu thương, cơ quan quản lý nhà nước... cần có mong muốn làm tốt hơn để mang lại lợi ích chung.
Nhìn ở góc độ nào đó, nông nghiệp Việt Nam chưa bị “công nghiệp hóa”, vì phần nhiều nông dân tự trồng ở quy mô nhỏ, nên việc mất cân bằng ở từng địa phương chưa lớn. Tuy nhiên, vì thị trường không ổn định, việc canh tác quá nhiều rủi ro, dẫn đến việc lạm dụng hóa chất để có sản lượng lớn khiến mọi thứ bị ảnh hưởng theo.
Bài toán này đối với Thi càng làm càng thấy khó, càng thấy đích xa vời vợi. Giải bài toán cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng với chi phí phù hợp cho mọi người đã khó, thì phát triển bền vững còn khó hơn, bởi phải đảm bảo cân bằng tự nhiên.
“Khó thì khó thật, nhưng ít nhất vẫn còn có sức và cả đội toàn người giỏi, đồng lòng và máu chiến. Đặt mục tiêu cỡ nào cũng chơi”, Thi khẳng định.
Thi tin việc nắm bắt được thời điểm coi như đã thành công phần nào. Hiện có nhiều yếu tố hội tụ để Thi bắt đầu với Koina.
Sau rất nhiều năm và cũng trải qua nhiều bài học đau thương, thời điểm này, người nông dân và đa số đối tượng trong chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam đều thấy được việc cần thay đổi và cần phải nhìn dài hạn.
Việt Nam là nước có rất nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp với sản xuất nông nghiệp và cũng đang được rất nhiều nước, tổ chức quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Đây là lợi thế mà đội ngũ sáng lập của Koina cần tận dụng. Hơn nữa, nhóm cũng có nhiều kinh nghiệm từ các tổ chức lớn và mọi người đều đồng lòng, chung sức với mục tiêu dài hạn để thay đổi nông nghiệp Việt Nam.
“Dù công việc sắp tới có thành công hay không, chúng tôi vẫn cần phải rất nỗ lực, nhưng với những yếu tố trên thì giai đoạn ban đầu cũng thuận lợi hơn cho Koina”, Thi chia sẻ.
Để chiến thắng trên thị trường này, Koina luôn tìm mọi cách để hỗ trợ hai đối tượng chính là nông dân và tiểu thương để họ vận hành một cách hiệu quả hơn và tăng thu nhập.
Đối với tiểu thương, điểm bán lẻ, siêu thị, Koina không chỉ đưa hàng hóa chất lượng với giá cả tốt hơn, mà còn giúp họ điều chỉnh việc kinh doanh để tăng thêm khách hàng, tăng doanh thu trên khách hàng, giúp tăng thêm thu nhập. Khi thu nhập điểm bán ổn định thì sản lượng đầu ra của Koina mới ổn định để bao tiêu được cho nông dân.
Còn đối với nông dân, Koina không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định, mà còn giúp họ các kỹ thuật canh tác, tiếp cận phân bón hữu cơ, các công nghệ canh tác hiệu quả hơn.
Những việc trên cần nhiều thời gian để thực thi, nhưng trong thời gian ngắn, Koina đã bắt đầu có được niềm tin của khách hàng và nông dân. Hiện tại, trên nền tảng của Koina có hơn 2.500 nông dân, hơn 1.000 khách hàng là các tiểu thương ở khắp TP.HCM.
“Tôi may mắn có được nhiều cộng sự rất giỏi, nhiều kinh nghiệm, nổi tiếng trong nhiều mảng khác nhau cùng tham gia phát triển Koina. Chính bản thân mỗi người cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc muốn thay đổi các vấn đề nhức nhối của nông nghiệp Việt Nam, muốn chung tay để tạo ra được giá trị bền vững”, Thi chia sẻ.
Nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư
Sau 2 năm đầu quân cho One Mount Group - một dự án chuyển đổi số của Vingroup và đối tác Techcombank, cộng đồng khởi nghiệp cũng như những ai đã từng quen biết Nguyễn Trần Thi đều bất ngờ khi anh tuyên bố “dứt áo” ra riêng. Koina cho thấy, Thi vẫn yêu thích làm chủ hơn làm thuê.
Dự án Koina.vn được khởi động vào tháng 10/2021. Ngoài người sáng lập Nguyễn Trần Thi, Koina còn có một đồng sáng lập là Lưu Hoàng Khoa (từng là Giám đốc tự động hóa của Grab trong khu vực, Giám đốc vận hành của VinID và từng nắm nhiều vị trí quan trọng trong mảng ngân hàng ở Việt Nam), anh Phú Võ (đồng sáng lập của chuỗi The Coffee House, Giám đốc phát triển của Vinshop), cùng nhiều người nổi tiếng khác.
Ngoài ra, trong năm 2021, có 4 công ty khác có liên quan đến cái tên Koina xuất hiện gây sự chú ý mạnh mẽ tới cộng đồng khởi nghiệp, giới đầu tư. Đó là Công ty cổ phần Hệ sinh thái nông nghiệp Koina (chuyên nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp); Công ty cổ phần Phân phối Koina (chuyên bán buôn tổng hợp); Công ty cổ phần Koina Logistics, Công ty cổ phần Đầu tư Koina Investment Group (hoạt động tư vấn quản lý).
Chỉ 6 tháng sau khi thành lập, Koina công bố nhận khoản đầu tư từ Glife Technology, một công ty thuộc danh mục đầu tư của Quỹ Heliconia Capital - đơn vị chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trực thuộc Temasek của Chính phủ Singapore.
Đầu tháng 2/2023, Koina tiếp tục gọi vốn 1 triệu USD vòng hạt giống từ VinaCapital Ventures. Khoản đầu tư mới từ VinaCapital Ventures giúp Koina mở rộng kênh bán hàng, qua đó tăng sản lượng bao tiêu cho nông dân. Công ty cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ nhằm kiểm soát chất lượng và gia tăng giá trị cho nông sản Việt.
Lý giải việc lựa chọn các nhà đầu tư cùng đồng hành, Thi cho biết, ngày từ những ngày đầu, các anh em sáng lập Koina đã đồng thuận về những nguyên tắc để lựa chọn đối tác đồng hành với Koina. Cả đội hiểu được việc làm nông nghiệp một cách bền vững và có giá trị cho nhiều người là con đường dài và nhiều khó khăn, khó có thể đem lại được lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, vì vậy đối tác, nhà đầu tư phải cùng có tầm nhìn dài hạn.
Đồng thời, Koina cũng lựa chọn các đối tác có nguồn lực và cam kết đồng hành, hỗ trợ để đi nhanh hơn, chứ không chỉ đầu tư tài chính đơn thuần. Đó có thể là mở rộng thị trường nhanh hơn, có sẵn các nguồn lực để chúng tôi có thể xây dựng được các năng lực cần thiết trong thời gian ngắn.
Trước khi bắt đầu Koina, Thi có đầu tư tài chính vào một số start-up. Tuy nhiên, lúc khởi đầu, anh tập trung hết mọi nguồn lực cho Koina. Qua một thời gian, anh thấy thế mạnh, sở thích của bản thân vẫn là được làm, được xây dựng tổ chức và “chiến đấu” hàng ngày với mục tiêu của mình, hơn là việc đầu tư.
Là một người thích đi tìm thử thách, những việc Thi chọn làm thường rất ít người muốn làm. Đó là những việc sẽ mất nhiều thời gian, nghe thì chẳng có gì hay ho, mà lợi nhuận cũng chẳng lớn. Nhưng về dài hạn, nếu làm tốt, có thể tạo ra nhiều thay đổi, giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
Koina vẫn như một đứa bé mới tập bò, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải học và cải thiện. Theo Thi, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà anh đang tập trung cho Koina trong giai đoạn này là làm sao để cả Công ty đi nhanh, nhưng bộ máy phải rất tinh gọn và linh động, có thể thay đổi để đáp ứng nhanh với biến động thời cuộc.
Những lần dứt áo đi “ở riêng”
Nguyễn Trần Thi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM khóa 52 (2007 – 2012) với ngành học Công nghệ máy tính.
Trước khi cùng nhóm 7 người bạn tại Trường đại học Bách khoa sáng lập Giao Hàng Nhanh vào năm 2012, tiền thân là công ty F1 Delivery, Thi đã từng có thời gian làm việc tại Epsilon Mobile và Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, ở cả hai công ty này, anh đều không gắn bó quá một năm.
Trong năm 2017, Giao Hàng Nhanh đổi tên thành Scommerce và sở hữu nhiều công ty con và thương hiệu khác như Giao Hàng Nhanh Express, Giao Hàng Nhanh Logistics, AhaMove, Gido.
Sau 7 năm chìm nổi cùng Giao Hàng Nhanh và đưa doanh nghiệp lên một đỉnh cao nhất định, năm 2019, Nguyễn Trần Thi quyết định dứt áo ra đi. Sau đó, anh quyết định đầu quân cho One Mount với vai trò Giám đốc vận hành (COO).