Thị trường giao dịch khá buồn tẻ sau kỳ nghỉ lễ khi chỉ số và thanh khoản trong hai phiên đều giảm. Dù vậy, mốc 1.040 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá tốt của thị trường. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, thị trường tuần tới vẫn tiếp tục dao động đi ngang trong xu hướng giảm kể từ đầu tháng 4 với các ngưỡng hỗ trợ ở: 1.032; 1.025; 1.017 điểm. Trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp, dòng tiền tiếp tục né nhóm cổ phiếu bluechips và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (smallcap) khi nhóm này đang có 3 tuần tăng liên tiếp.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Hiệu ứng sau kỳ nghỉ lễ theo tôi không gây bất ngờ, bởi (1) tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong giai đoạn này, (2) các doanh nghiệp đang trong giai đoạn công bố KQKD quý I kém khả quan. Tuy nhiên, thông tin về KQKD thường mang tính chất ngắn hạn và có tác động lớn nhất thường vào thời điểm công bố thông tin, do đó nhìn chung đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Bên cạnh đó, với lượng margin tại các CTCK đã giảm khoảng 40% từ đỉnh và 20% so với cùng kỳ, tôi cho rằng, áp lực bán đã giảm đáng kể và thị trường khó xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu trong giai đoạn tới.
Về xu hướng thị trường, tôi nghiêng về kịch bản chỉ số sớm có nhịp đảo chiều tăng khi các chính sách được ban hành dần thẩm thấu vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp, mặc dù vậy không ngoại trừ khả năng sự giằng co vẫn có thể tiếp diễn. Điểm số VN-Index tuần tới được dự báo quanh vùng 1.030 - 1.050 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong tuần giao dịch tới với thanh khoản vẫn ở mức thấp, đồng thời dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là dòng tiền có thể sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ; mức hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index vẫn là mức 1.030 điểm.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Trái ngược với kỳ vọng thị trường tích cực sau kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày, VN-Index giao dịch trầm lắng và chốt tuần tại mốc chỉ số 1.040,1 điểm cùng thanh khoản ở mức trung bình. Tuần giao dịch này chỉ có 2 phiên, nên phần nào sự vận động của thị trường còn gây nhiễu trên khung đồ thị tuần.
Diễn biến kỹ thuật của VN-Index không quá xấu khi tạo 1 cây nến đỏ thân hẹp, tiếp tục trạng thái đi ngang quanh vùng 1.040. Chỉ số có xác suất cao tiếp tục duy trì xu hướng, trừ trường hợp xuất hiện biến động chính sách hoặc xảy ra nhịp rũ xuống dưới 1.020 để kích hoạt dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Ghi nhận trong tuần qua, dòng tiền vẫn tiếp tục đứng ngoài đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng, chỉ phân hóa luân phiên vào các nhóm ngành mid-caps như chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thủy sản… Đáng chú ý là sự phân hóa mạnh mẽ trong chính những nhóm ngành kể trên chứ không có sự lan tỏa đồng thuận tăng điểm. Giao dịch khối ngoại 2 phiên tuần này cũng đáng chú ý khi quay lại bán ròng gần 500 tỷ đồng, tạo một lực cung đáng kể lên thị trường.
Lý giải cho trạng thái hiện tại của VN-Index là những quan ngại trước thông tin Fed tiếp tục nâng lãi suất, gây nỗi lo về 1 chu kỳ suy thoái kinh tế phía trước và sự ảm đạm thường gặp vào tháng 5 trên thị trường chứng khoán, khi kết quả kinh doanh quý I đã được công bố hết.
DSC khuyến nghị chỉ nên giải ngân tỷ trọng vừa phải vào nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền là midcap và lựa chọn những cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng theo chu kỳ ngành hoặc tăng trưởng trong những quý tới 2023. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng trở lại khi thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh rũ bỏ qua vùng 1.020 hoặc dòng tiền lớn quay trở lại mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu thị trường.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Việc thị trường tiếp tục sụt giảm sau kỳ nghỉ lễ xuất phát từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư khi Fed vẫn chưa công bố chấm dứt hoàn toàn lộ trình tăng lãi suất và các thông tin công bố trong Báo cáo kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm vẫn chưa cho thấy các tín hiệu thực sự khởi sắc của kinh tế trong nước.
Tuy vậy, cần lưu ý các rủi ro hiện tại đã được phản ánh một phần trong giai đoạn giảm điểm mạnh trước đó. Do đó, thị trường dự kiến tiếp tục xu hướng giảm điểm nhưng khó có khả năng phá vỡ đáy cũ được thiết lập vào nửa cuối tháng 3. Theo đó, VN-Index dự kiến dao động trong biên độ 1.015 - 1.040 điểm trong tuần tới.
Tháng 5 cũng là giai đoạn thị trường rơi vào “vùng trũng” thông tin sau hàng loạt những chính sách ban hành trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một cách tổng quan, ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động thị trường trong tháng 5?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang trong xu hướng giảm và yếu hơn so với các thị trường lớn trên thế giới tuy vậy không quá tệ. Bối cảnh trong tháng 5 này khả năng cũng ít có thông tin tác động khiến thị trường giảm sâu, nhưng cũng ít yếu tố hỗ trợ giúp chỉ số này phá vỡ xu hướng đi ngang trong vùng dao động kể từ tháng 3 cho tới nay.
Trong kịch bản, thị trường kiểm tra lại vùng đáy ngắn hạn 1.017 - 1.020 điểm, đó sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quay trở lại thị trường hoặc mua mới hoặc tích lũy thêm cổ phiếu, với kỳ vọng thị trường tạo mô hình 2 hoặc 3 đáy ngắn hạn và có nhịp hồi như trong tháng 3 vừa qua.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Về chuyển động thị trường trong tháng 5, tôi cho rằng, thị trường sẽ dần phản ánh các thông tin vĩ mô được ban hành gần đây. Ngoài ra, lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại thế giới được kỳ vọng sẽ sớm kết thúc khi diễn biến lạm phát đã dần hạ nhiệt (như Mỹ, lạm phát đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp, từ mức trên 9% trong tháng 6/2022 xuống 5% trong tháng 3 vừa qua; hay lạm phát tại châu Âu cũng sụt giảm tháng thứ 6 liên tiếp, về gần 7%).
Điều này có thể giúp dòng vốn tại Mỹ, châu Âu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ sớm kết thúc xu hướng đi ngang đã kéo dài khoảng 2 tháng vừa qua và trở lại xu hướng tăng giá. Dự báo điểm số của VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.015 - 1.080 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong tháng 5, nhưng hiện tượng “Sell in May” có thể sẽ xảy ra trong giai đoạn này và hiện tượng này có thể sẽ xảy ra vào nửa cuối tháng 5. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ không giảm mạnh và việc chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn trong giai đoạn này do xu hướng ngắn hạn chưa rõ ràng.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Nhà đầu tư chứng khoán đã không còn xa lạ với câu nói "Sell in May", hay "Chốt lời vào tháng 5", biểu thị cho việc tỷ suất sinh lời tháng 5 thấp hơn các tháng khác trong năm. Hiện tượng trên xảy ra do tháng 5 thường là giai đoạn thị trường rỗng thông tin, thiếu động lực tăng trưởng. Kèm theo đó, nhiều nhà đầu tư chốt lời sau khi đã có lãi trong quý I (thường là giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh), và từ đó dẫn đến chu kỳ “Sell in May” nổi tiếng.
Ông Trương Thái Đạt |
Khác với thường lệ, giai đoạn tháng 5/2023 vẫn là giai đoạn nhiều thông tin. Cụ thể, với quốc tế, Fed đã ra quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần qua (Lãi suất điều hành Mỹ hiện tại được kỳ vọng đã đạt đỉnh và không tăng nữa).
Ở trong nước, hàng loạt bộ, ngành như Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp sẽ họp để nghiên cứu xây dựng, sửa đổi các điều luật hiện hành.
Vì là giai đoạn kỳ vọng có nhiều thông tin tích cực, cùng đà tăng của tháng 4 không ấn tượng, chúng tôi đánh giá áp lực chốt lời trong tháng 5/2023 có thể sẽ không quá mạnh. Do đó, trong kịch bản có xác suất xảy ra cao là thị trường tiếp tục duy trì trên vùng hỗ trợ 1.000 - 1.020 điểm và dòng tiền tiếp tục xoay vòng tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Trong bối cảnh lực đỡ của khối ngoại đang có dấu hiệu suy yếu và ảnh hưởng từ hoạt động của nhóm tự doanh đến diễn biến thị trường là không lớn, hiệu ứng “Sell in May” năm nay dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh và phụ thuộc vào hành động của nhà đầu tư cá nhân.
Theo đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn sẽ khó có khả năng thu hút được dòng tiền trước các lo ngại gia tăng về áp lực trích lập dự phòng nợ xấu tại các ngân hàng, tình hình tiêu thụ hàng hóa kém tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, dòng tiền dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động mạnh tại nhóm các cổ phiếu có thanh khoản thấp và có câu chuyện hấp dẫn giúp đi ngược các khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 5 trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng trần nợ công và hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định khi có thêm một số ngân hàng nữa lâm vào tình cảnh khó khăn. Trong nước, mặc dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt, nhưng dòng tiền vẫn khá dè dặt. Ông/bà đánh giá như thế nào về xu hướng lựa chọn kênh đầu tư của thị trường ở giai đoạn hiện tại?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Như đã phân tích ở trên, giai đoạn hiện tại thị trường không quá tệ, khả năng dao động đi ngang có xác suất cao hơn cả, ngoại trừ có những biến cố bất ngờ, thị trường ở giai đoạn hiện tại khó tìm kiếm cơ hội ngắn hạn, tuy vậy đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn thì đây vẫn là kênh đầu tư phù hợp để tích lũy cổ phiếu trong các nhịp giảm khi thị trường đang loay hoay tìm vùng cân bằng mới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Trước hết, tôi cho rằng, ảnh hưởng của các sự kiện gần đây của Mỹ sẽ chưa có nhiều tác động tới thị trường trong nước, bởi nhìn chung, các ngân hàng gặp vấn đề gần đây đều là ngân hàng khu vực, không có hoạt động trực tiếp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp KQKD của các doanh nghiệp hồi phục trong giai đoạn tới.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên phân bổ 20-30% vào kênh chứng khoán và ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng tăng trưởng hoặc kỳ vọng hồi phục từ mức nền thấp trong 1-2 quý gần đây, đồng thời có định giá P/B ở mức thấp trong lịch sử hoạt động. Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ phần lớn tỷ trọng tiền mặt để chờ thời điểm các doanh nghiệp công bố tình hình hoạt động sau khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được ban hành.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Về cơ bản, tôi cho rằng, thị trường đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất và rủi ro dài hạn đã giảm dần, nhưng thị trường vẫn còn bị tác động bởi nhiều yếu tố trong nước, khi các vấn đề của thị trường bất động sản và tình hình tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết cho nên dòng tiền có thể sẽ chưa thể quay trở lại thị trường và cũng chưa có các dấu hiệu chắc chắn cho sự hình thành sóng tăng bền vững của thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Tuy nhiên, tôi cho rằng, lạm phát đang hạ nhiệt và Fed có thể có cơ sở dừng việc tăng lãi suất trong thời điểm 6 tháng cuối năm 2023, cho nên thị trường chứng khoán có thể sẽ hưởng lợi bởi xu hướng này. Đồng thời, tôi kỳ vọng dòng tiền có thể sẽ gia tăng trở lại sau giai đoạn quý II/2023 khi các chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ tăng thanh khoản của thị trường bất động sản phát huy hiệu quả.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Sau khi Sillicon Valley Bank và Credit Suisse (1 đại gia ngành ngân hàng) sụp đổ và cần được giải cứu trong tháng 3, đầu tháng 5, nhà đầu tư lại tiếp tục đau đầu với nỗi sợ bankrun tại hệ thống ngân hàng địa phương tại Mỹ.
Vào ngày 4/5, các hãng truyền thông công bố nhiều ngân hàng địa phương đang tìm cách bán vốn để tăng thanh khoản và củng cố chất lượng tài sản của mình. Với các nhà đầu tư đang lo sợ, thông tin trên như mồi lửa và làm bùng lên làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng địa phương. Cụ thể, cổ phiếu của các ngân hàng địa phương đang xem xét quyết định bán vốn như PacWest, Western Alliance, Dominion Bank Group giảm mạnh 40 - 60%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn Mỹ (mã index: SPXNK) cũng giảm 3% trong phiên giao dịch ngày 4/5/2023.
Nỗi lo bankrun của các nhà đầu tư được cho là đến từ 2 yếu tố: Sự mất niềm tin của nhà đầu tư và sự hấp dẫn của các loại giấy tờ có giá trên thị trường.
Về yếu tố niềm tin, sau sự sụp đổ của Sillicon Valley Bank và First Republic Bank, các nhà đầu tư dần nhận ra tiềm lực tài chính của hệ thống ngân hàng địa phương không quá mạnh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tại Mỹ, tiền gửi tại ngân hàng chỉ được bảo vệ tối đa tới mức 250.000 USD. Nói cách khác, nếu ngân hàng sụp đổ, và người gửi tiền có nhiều hơn con số này, số tiền còn thiếu sẽ coi như bị mất trắng. Điều này khiến cho nhiều người dân lo ngại và tìm cách rút tiền từ các ngân hàng địa phương để chuyển sang các ngân hàng to, tiềm lực tài chính mạnh.
Ngoài yếu tố về niềm tin, nhiều nhà đầu tư với quan điểm Fed sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới cũng đang rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng để đầu tư vào tín phiếu, trái phiếu, MMF (quỹ tiền tệ mở) để đầu cơ vào quyết định giảm lãi suất của Fed. Trong trường hợp Fed giảm lãi suất, giá trị của các giấy tờ có giá này sẽ tăng lên, trái với tiền gửi ngân hàng có mức lãi suất điều chỉnh theo lãi suất điều hành.
DSC đánh giá, tiềm lực của hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn khá khỏe mạnh. Các ngân hàng địa phương nhỏ lẻ gặp khó như Sillicon Valley Bank, hay First Republic khi sập đều được các ông lớn như JPMorgan, Goldman Sachs... bơm tiền hỗ trợ. Do đó, chúng tôi đánh giá rủi ro sụp đổ domino đến từ hệ thống ngân hàng Mỹ là không cao.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Sau quyết định hạ lãi suất điều hành vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng các loại lãi suất đã hạ nhiệt tại hầu hết các ngân hàng, nhưng đây vẫn là mức rất cao so với giai đoạn trước đại dịch. Tuy vậy, các động thái chính sách của Fed là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước chọn thời điểm tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất điều hành theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, việc lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt sẽ kích thích thêm dòng tiền chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang các kênh có độ rủi ro cao hơn như bất động sản và chứng khoán.
Sau những phiên giao dịch khởi sắc, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã quay đầu điều chỉnh và trở thành nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Trong khi đó, nhóm dệt may như TNG, VGT, TCM… lại đang khá thu hút dòng tiền, dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý I/2023. Vậy có lý do nào cho sự kỳ vọng của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngành dệt may ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Ông Ngô Quốc Hưng |
Trong bối cảnh thanh khoản thấp và dòng tiền cũng xoay vòng chớp nhoáng giữa các nhóm cổ phiếu, tôi cho rằng, khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ lưu trú ở một nhóm cổ phiếu nào rõ nét, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành dệt may. Thị trường dao động trong xu hướng đi ngang, cổ phiếu phân hóa và cơ hội ở các cổ phiếu cụ thể, đòi hỏi nhà đầu tư phải vào đúng nhịp và chọn đúng mã cổ phiếu nếu xác định chiến lược đầu tư ngắn hạn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Nhóm dệt may còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 khi tình hình xuất khẩu chưa mấy khởi sắc. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 4 đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá về mức phù hợp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cho thấy sự tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh khi đơn hàng các quý tới đang có dấu hiệu phục hồi. Mỹ hiện đang là nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, việc lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt có thể góp phần giúp cho tâm lý người tiêu dùng của nước này trở nên tích cực hơn. Trung Quốc mở cửa cũng là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu xơ sợi khi đây là thị trường tiêu thụ xơ sợi hàng đầu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Hiện nay, nền kinh tế của các nước phát triển tại Mỹ và EU vẫn chưa hồi phục nên vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm dệt may trong năm 2023. Vì vậy, tôi đánh giá dòng dệt may vẫn sẽ còn khó khăn trong năm 2023 và kỳ vọng hồi phục trở lại trong thời điểm đầu năm 2024.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Ngành sản xuất Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, chỉ số PMI 2 tháng gần nhất dưới 50 và số lượng đơn hàng đặt mới trong 2 mùa xuân hè, thu đông đều ghi nhận ở mức thấp, cho thấy triển vọng của ngành dệt may vẫn cần đẩy xa hơn về những quý cuối năm. Nhu cầu xuất khẩu còn yếu trên thị trường xuất phát bởi nỗi lo suy thoái của các nền kinh tế Mỹ-Âu, người dân thận trọng hơn khi chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu, trong khi thị trường như Trung Quốc cũng cần thời gian để thực sự hồi phục mảng mua sắm, bán lẻ sau thời kỳ đóng cửa chống dịch Covid.
Thế nhưng, số liệu kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy các mặt hàng xuất khẩu về xơ sợi các loại và hàng dệt may đang có sự hồi phục về sản lượng, xác nhận thiết lập mức đáy trong tháng 1. Trung Quốc là thị trường hồi phục rõ nét nhất ở mảng xơ sợi nhờ việc mở cửa toàn bộ nền kinh tế, trong khi Mỹ lại cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam quay trở lại.
Cùng với đó, ngành dệt may xuất hiện một số điểm sáng ở Biên lợi nhuận gộp. Trong mảng xơ sợi, giá bông ở mức giảm gần 50% từ đỉnh năm 2022, ngược lại thì giá sợi cotton và vải cotton lại cho thấy sự hồi phục khoảng 10%.
Trong trường hợp sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận đã và đang dần cải thiện, kỳ vọng sẽ giúp cho ngành dệt may bùng nổ và ghi nhận dấu ấn trong năm 2023. Cổ phiếu yêu thích của DSC trong ngành dệt may là STK, HTG, TNG và TCM. Với khoảng thời gian cần thiết để nhu cầu hồi phục tại các thị trường chính, nhà đầu tư có thể mở các vị thế giải ngân trung và dài hạn để đón nhịp bùng nổ dần về cuối năm.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I ước đạt 8,07 tỷ USD, giảm gần 18,7% so với cùng kỳ. Điều này xuất phát từ sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như EU, Mỹ trước các đợt tăng lãi suất liên tục từ năm 2022.
Tuy vậy, trong kịch bản lạc quan, các ngân hàng trung ương kết thúc giai đoạn cuối của chính sách thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ giúp các đơn hàng dệt may sẽ trở lại từ tháng 7 - 8. Bên cạnh đó, việc giá sợi bông hạ nhiệt từ đầu năm cũng dự kiến giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.
Giai đoạn hiện tại dòng tiền tiền luân chuyển giữa các dòng và các mã khá nhanh nên biên lợi nhuận hầu hết cổ phiếu đều không cao. Cũng vì đó mà xu hướng giao dịch phần lớn của nhà đầu tư giai đoạn này là lướt sóng ngắn hạn. Đâu là nhóm cổ phiếu phù hợp với giao dịch ngắn hạn ở thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Như đã phân tích ở trên, giai đoạn hiện tại khả năng thị trường tiếp tục dao động đi ngang, không phù hợp với các giao dịch ngắn hạn khi dòng tiền liên tục xoay vòng chớp nhoáng, đòi hỏi nhà đầu tư phải đón đầu xu hướng và chọn đúng cổ phiếu. Điều này rất khó và không cần phải cố gắng giao dịch khi xác suất chọn sai cổ phiếu là cao cũng như lợi nhuận không tương xứng với rủi ro.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Về cơ hội đầu tư, tôi cho rằng, nên chú ý tới các doanh nghiệp có câu chuyện phục hồi và hưởng lợi từ các chính sách được ban hành gần đây của các cơ quan có thẩm quyền. Một số nhóm ngành đáng chú ý bao gồm:
Ngành ngân hàng: Thông tư 02 mới được ban hành gần đây được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản lớn vì việc ban hành Thông tư sẽ giúp các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản nợ và giảm số tiền cần phải trích lập trong kỳ. Bên cạnh đó, các ngân hàng quốc doanh có khả năng được hưởng lợi qua Thông tư 03 khi được tăng cho vay vào các dự án nhà ở xã hội, khu công nghiệp.
Ngành bán lẻ - tiêu dùng: Việc giảm lãi suất điều hành cũng như giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ phục hồi trở lại. Mặc dù vậy, kỳ vọng phục hồi từ nhóm này cũng cần được đánh giá dựa trên mức độ phục hồi thực tế và không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ có sự hưởng lợi ngay khi các chính sách được ban hành.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có thể là nhóm tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung, trong đó tôi khá chú ý đến nhóm sản xuất và phân phối điện, xây dựng và vật liệu xây dựng, thép.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Để chọn danh mục quan tâm cho tháng 5, nhóm ngành mà chúng tôi quan tâm là một số midcap của ngành thép, như HSG.
Giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp ngành thép như giá quặng sắt, than cốc và thép phế đều đang diễn biến trong đà giảm từ cuối tháng 2 cho tới nay. Với việc chỉ số hàng tồn kho trung bình của ngành thép thường vào khoảng 80 - 110 ngày thì các doanh nghiệp đã dần giải phóng được lượng hàng tồn kho giá cao từ trước đó.
Tuy nhiên, giá đầu ra của ngành thép như giá bán thép xây dựng, giá thép HRC hay giá thép thanh cũng đều giảm mạnh cùng với xu hướng giá thép thế giới. Một phần các doanh nghiệp hạ giá để tăng mức độ cạnh tranh, xử lý được hàng tồn kho giá cao và phù hợp với mức giảm của chi phí đầu vào, phần lớn còn lại là do nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định. Các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thế giới đều không diễn ra như mong đợi.
Kỳ vọng thị trường nội địa của ngành thép gắn liền với kỳ vọng về mảng đầu tư công của chính phủ, cùng với diễn biến của 2 ngành bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn hạn chế trong quý đầu năm và cũng chỉ sử dụng thêm 6% sản lượng thép so với mức trung bình.
Ngành bất động sản và xây dựng triển vọng cũng được đẩy về thi công và hoàn thiện cuối năm, so với thời điểm hiện tại. Số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ Covid-19 và số cấp phép mới trong năm 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu.
Yếu tố có khả năng gây đột biến nhất có thể giúp cải thiện nhu cầu sử dụng thép trong nửa cuối năm 2023 sẽ là những thay đổi trong chính sách tiền tệ và các biện pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản từ Chính phủ.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Ông Lâm Gia Khang |
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân vào nhóm các cổ phiếu phòng thủ như điện, nước. Ngày 4/5 vừa qua, EVN đã chính thức công bố tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3%, tương ứng đơn giá mỗi kWh điện là 1.920 đồng (chưa bao gồm phí VAT). Điều này dự kiến giúp cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhiệt điện trong bối cảnh hiện tượng El Nino trở lại trong năm 2023.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp. Do đặc thù kinh doanh, đây là nhóm cổ phiếu có các khoản tiền mặt dồi dào giúp duy trì nguồn tiền trả cổ tức. Ngoài ra, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp dự kiến tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm nay, với mức tăng dự kiến 4-6% tại các trung tâm công nghiệp cấp II và 2-3% tại các trung tâm công nghiệp cấp I.