Theo Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2023 và dự báo quý II/2023 do Tổng Cục Thống kê công bố, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn bị ảnh hưởng bởi những khó khăn như: giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, báo cáo nhận định doanh nghiệp xây dựng quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022 bởi chỉ có 15,7% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2023 thuận lợi hơn quý IV/2022; 36% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và có đến 48,3% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Khó khăn bủa vây toàn ngành xây dựng
Việc doanh nghiệp xây dựng khó khăn có thể nhìn thấy trực diện từ kết quả kinh doanh kém sáng của hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực này. Trong đó, không thể không nhắc đến CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) với khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.
Từng là một tên tuổi có tiếng trên thị trường khi xây dựng hàng trăm công trình từ Bắc vào Nam, đặc biệt trong suốt hơn một thập kỷ, ngôi vương của ngành xây dựng luôn được xem là cuộc chiến song phương giữa Hoà Bình và CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD).
Thế nhưng đến giai đoạn cuối năm 2022, Hoà Bình đang dần mất ưu thế khi có quý lỗ đầu tiên và kết quả kinh doanh bết bát tiếp tục kéo dài sang quý đầu năm 2023.
Cụ thể, quý I/2023 Xây dựng Hoà Bình doanh thuần giảm mạnh tới 60% xuống còn 1.194 tỷ đồng và lỗ gần 445 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2023, trong khi cùng kỳ đang lãi hơn 10 tỷ đồng. Theo đó, khoản lỗ luỹ kế của công ty cũng bị nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty xây dựng của ông Lê Viết Hải cũng đang có tới 11.369 tỷ đồng phải thu và 13.503 tỷ đồng nợ phải trả, riêng nợ đã chiếm 86% tổng nguồn vốn và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường, cổ phiếu HBC đang nằm trong diện cảnh báo và bị kiểm soát với nhiều phiên giảm liên tiếp, hiện mã này đã về dưới mệnh giá khi chốt phiên ngày 4/5 với 8.010 đồng/cổ phiếu.
Không khá khẩm hơn là mấy, CTCP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) cũng vừa trải qua một quý đầu năm đầy khó khăn.
Doanh thu thuần ghi nhận giảm 71%, còn 428,7 tỷ đồng. Nguyên do sụt giảm doanh thu chủ yếu bởi khoản thu từ hợp đồng xây dựng ghi nhận lao dốc xuống chỉ còn hơn 423 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này lên tới 1.478 tỷ đồng.
Dù có tiết giảm được một số chi phí nhưng doanh thu giảm sâu đã khiến công ty xây dựng này báo lỗ sau thuế 17,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đang lãi tới 43 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại với lợi nhuận lao dốc, hàng tồn kho của công ty lại có xu hướng gia tăng sau 3 tháng đầu năm 2023, từ 1.821 tỷ đồng lên 2.117 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại khoản chi phí các công trình dở dang như Công trình số 1 Nguyễn Tất Thành (224 tỷ đồng), Khu Du lịch Hải Giang Merry Land – Shop House căn hộ (295 tỷ đồng), công trình Citilight Tân văn Hoa (408 tỷ đồng),…
Ngoài ra, đến hết quý I/2023 công ty còn 195 tỷ đồng dư nợ trái phiếu ngắn hạn với lãi suất 17,75%/năm. Thời gian vừa qua, Hưng Thịnh đã xin giãn/hoãn thánh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn với lý do tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Những chấm sáng nhỏ trên bức tranh xám màu
Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng báo lỗ nên dù lợi nhuận suy giảm nhưng các công ty như Coteccons hay Ricons có thể coi là điểm sáng của ngành khi vẫn có lãi trong 3 tháng đầu năm.
Quý I/2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng tích cực đạt 3.129 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng, đem về cho công ty 3.124 tỷ đồng trong quý.
Tuy nhiên do giá vốn hàng bán ở mức cao cùng nhiều loại chi phí nối đuôi tăng mạnh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn, giảm 24% xuống còn 22 tỷ đồng.
Cũng như Hoà Bình, Coteccons cũng có một khoản lớn phải thu của khách hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hiện chiếm tỉ trọng lớn nhất 11.317 tỷ đồng. Đây đa phần là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và đã được công ty trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt.
Tương tự như Coteccons, CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) cũng báo doanh thu tăng nhưng lợi nhuận “bốc hơi” tới 98%.
Nguồn thu tài chính sụt giảm mạnh, song chi phí tài chính lại tăng lên 227 tỷ đồng cùng với các chi phí khác cũng không được tiết giảm nhiều.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex chỉ đạt gần 19 tỷ đồng, đi lùi đến 98% trong khi cùng kỳ đang lãi tới 780 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía VCG, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm sâu là do trong quý 1/2022 Tổng công ty hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con mới đầu tư nên doanh thu hoạt động tài chính tăng cao.
Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Hay như CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận 2 mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng và bất động sản đều đồng loạt suy yếu khiến doanh thu và lợi nhuận cùng giảm, lần lượt đạt 1.718 tỷ đồng và 15,4 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh kém sáng, Ricons lại may mắn khi có dòng tiền được cải thiện tương đối tích cực. Nợ phải trả tại ngày 31/3/2023 của công ty đạt 4.753 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, nợ vay giảm 23%, còn 579 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ricons có một lượng tiền lớn là tiền và tương đương tiền đạt 336 tỷ đồng, giảm 58% và tiền gửi có kỳ hạn (đầu tư tài chính ngắn hạn) 473 tỷ đồng, tăng 79%, tổng cộng 809 tỷ đồng.
Theo khảo sát của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đang tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm 2023.
Qua đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành này nhận định, năm nay vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu, bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.
Trong bối cảnh kinh tế thắt chặt, tính thanh khoản trên thị trường bất động sản - xây dựng vẫn ở mức thấp như hiện tại, theo nhận định của Vietnam Report, năng lực quản trị tài chính và quản trị rủi ro trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp xây dựng, với kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cũng như nâng cao uy tín đối với khách hàng và nhà đầu tư, đồng thời quản lý tốt hơn các nguồn lực của mình, giảm lãng phí và tối đa hóa lợi nhuận.