Nhà bán hàng thời trang trực tuyến Trung Quốc Shein vừa mở một cửa hàng tại Marais, trung tâm Paris hôm 5/5. Là mô hình pop-up (cửa hàng bán lẻ mở tạm thời trong thời gian ngắn), nó sẽ chỉ hoạt động trong 4 ngày, đến 8/5. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Shein mở cửa hàng pop-up tại Pháp. Họ từng mở ở Toulouse và Montpellier một năm trước và ở Lyon vào tháng 3. "Tám nghìn người đã đến", phát ngôn viên công ty này cho biết.
Cửa hàng lần này cung cấp cocktail và DJ. Khách hàng còn được xem các buổi biểu diễn, tham gia khiêu vũ và thưởng thức bánh ngọt màu hồng từ Besties Bakery.
Người hâm mộ đổ xô đến sự kiện, xếp thành hàng dài bên ngoài. Không khí những ngày qua sôi động tại cửa hàng được phát trên TikTok, với những TikToker lật xem giá sản phẩm trước ống kính và hét lên "Chà, rẻ quá!"
Bữa tiệc truyền thông tưng bừng của Shein khiến Yann Rivoallan, Chủ tịch Liên đoàn quần áo may sẵn dành cho phụ nữ Pháp (FFPPF) khó chịu. Theo ông, Shein đã trở thành một đối thủ nặng ký trong ngành khi bán những chiếc áo ba lỗ giá 10,99 euro và quần dài với giá 8,99 euro, sử dụng thời trang được sản xuất trong nháy mắt và tiếp thị mạnh mẽ.
Với mục đích thu hút phụ nữ trẻ thế hệ Z – những người sinh từ năm 1995 đến 2010 - Shein thường xuyên mở cửa hàng pop-up trên khắp thế giới để quảng bá cho nền tảng bán thời trang trực tuyến của mình.
Tại Philippines, công ty này đã mở một cửa hàng ở Makati, ngoại ô Manila, trong vài ngày của tháng 4. Vào cuối tháng 3, tại Toronto (Canada), cửa hàng pop-up của Shein thu hút 5.500 người chỉ trong một ngày cuối tuần. Ở Nhật Bản, những chiếc túi của thương hiệu này cũng đã trở nên phổ biến với người dân Tokyo kể từ khi khai trương một showroom ở quận Harajuku vào cuối năm ngoái.
Kinh doanh thời trang giá rẻ gặp thời
Cha đẻ của Shein là Chris Xu, còn được gọi là Xu Yangtian. Sau khi tạo một cửa hàng trực tuyến năm 2008 tại Nam Kinh với hai cộng sự Wang Xiaohu và Li Peng, Xu cho ra mắt một trang web váy cưới dưới tên Sheinside.
Sau đó, Xu đã đa dạng hóa công việc kinh doanh sang trang phục hàng ngày cho phụ nữ, trẻ em và nam giới. Năm 2015, ông rút ngắn tên thành Shein. Hai năm sau, Xu chuyển công ty cách nơi ra đời 1.500 km đến Quảng Châu - một trung tâm dệt may lớn - và bắt đầu bán các mặt hàng trực tuyến với sản xuất theo yêu cầu. Các nhà thầu phụ của Shein sử dụng phần mềm của công ty để "nhanh nhẹn và đáp ứng nhu cầu cao hơn".
Startup thời trang online này bùng nổ năm 2020. Lúc đó, Covid-19 với các đợt phong tỏa khắp nơi trên thế giới mang lại lợi ích cho thương mại điện tử. Điện thoại thông minh đã trở thành nền tảng mua hàng hàng đầu và ứng dụng của Shein đã đi đúng hướng. Doanh thu của họ đạt 8,8 tỷ euro năm 2020, lên 16 tỷ euro một năm sau đó và 30 tỷ euro năm 2022. Như vậy, Shein kiếm tiền gần như xấp xỉ Inditex - tập đoàn sở hữu Zara - với doanh thu 32,6 tỷ euro năm ngoái.
Theo Financial Times, doanh thu của Shein có thể đạt 53 tỷ euro năm 2025. Tại Mỹ, thị phần của Shein chiếm khoảng 50% trong lĩnh vực thời trang nhanh do Zara, H&M, Forever 21 và Asos tiên phong. Họ sẵn sàng phát triển mạnh hơn ở Bắc Mỹ sau khi mở hai nhà kho ở Whitestown (Mỹ) và Toronto (Canada) cuối 2022.
Shein cũng đang tăng hiện diện tại châu Âu vào thời điểm tốt. Điều này là do "tiêu dùng chi phí thấp không còn là một điều đáng xấu hổ", theo Flavien Neuvy, Giám đốc hãng nghiên cứu thói quen tiêu dùng Cetelem Observatory.
Những năm 1990, bán lẻ bình dân được coi là thứ chỉ dành cho "những người không đủ khả năng chi trả" với những mặt hàng chất lượng cao hơn. Điều này giờ không còn nữa, cho dù là mua vé máy bay từ EasyJet, mua sắm tại các chuỗi cửa hàng tạp hóa giá cả phải chăng như Lidl hay mua hàng trực tuyến.
Neuvy tin rằng bối cảnh lạm phát cao hiện nay là nơi sản sinh ra các nhà bán lẻ hàng giá rẻ, bao gồm cả Shein. Các nhà hoạt động môi trường phần lớn không hài lòng với Shein vì tác động môi trường của quần áo polyester và chiến lược tiếp thị khuyến khích mua sắm quá mức.
Shein giờ có mặt ở 150 quốc gia. Theo Bloomberg, đợt nhận vốn vào tháng 4/2022 từ Sequoia Capital China, IDG Capital và Tiger Global Management giúp định giá công ty đạt 100 tỷ USD. Vào tháng 3, theo Reuters, định giá Shein là 64 tỷ USD. Vòng tài trợ thứ hai trị giá hai tỷ USD đang được tiến hành và việc niêm yết trên Phố Wall được công ty lên kế hoạch trong nửa cuối năm nay. Điều này có thể làm giàu thêm cho Chris Xu, với tài sản ước tính khoảng 10,5 tỷ USD, theo Forbes.
Tổ chức, doanh nghiệp châu Âu ngờ vực
Một số tổ chức xã hội, môi trường tại châu Âu cáo buộc các hoạt động đáng ngờ của Shein. Tại Đức, Greenpeace phân tích 42 sản phẩm may mặc được mua trên khắp nước Áo, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha và nói rằng 15% trong số đó vi phạm luật pháp châu Âu về hóa chất.
Ở Toulouse, Extinction Rebellion đã biểu tình trước cửa hàng pop-up Shein để nhắc nhở mọi người rằng địa điểm bán quần áo gây ô nhiễm môi trường như thế nào. Tại Anh, tháng 10/2022, đài Channel 4 đã chiếu bộ phim tài liệu về điều kiện làm việc 12 giờ mỗi ngày của nhân viên các nhà thầu phụ cho Shein.
Một số quan chức dân cử châu Âu cũng ngờ vực về điều kiện lao động của công nhân sản xuất hàng cho Shein. Raphaël Glucksmann, Thành viên của Nghị viện châu Âu nhiều lần lên án "mọi thứ mà Shein đang che giấu."
Chính phủ Pháp cũng tuyên bố sẽ cảnh giác. Theo Rivoallan, điều này càng quan trọng hơn khi xem xét rằng ngành công nghiệp đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng. Chủ tịch FFPPF cho biết nhân viên của Kookaï, Pimkie và các thương hiệu khác của Pháp đang bị đe dọa bởi sự mở rộng "không công bằng" của Shein. "Vẫn còn thời gian để ngăn chặn cỗ máy địa ngục này", Yohann Petiot, Tổng giám đốc của tổ chức bán lẻ chuyên nghiệp Alliance du Commerce, tuyên bố.
Nhưng liệu có ngăn được bước tiến của Shein? Vào những năm 1990, các hãng hàng không lớn hy vọng sẽ cản trở các hãng hàng không giá rẻ bằng cách chế giễu sự kém tin cậy của máy bay đối thủ. Kết quả, họ đã thất bại. Tương tự như vậy, để chống lại Shein, các nhà sản xuất Pháp cũng đang đi theo con đường tương tự.
Cuối năm ngoái, FFPPF mang một số sản phẩm may mặc của Shein đến Viện Dệt may Pháp (IFTH) để phân tích, với hy vọng phát hiện các hành vi vi phạm quy định REACH của châu Âu về việc sử dụng hóa chất độc hại. Cho đến nay, nỗ lực đó là vô ích.
Vào mùa xuân, nhiều mẫu hơn đã được gửi đến phòng thí nghiệm IFTH. Alliance du Commerce đang vận động hành lang để điều tra các hoạt động tiếp thị của Shein vì cho rằng nền tảng không tuân thủ "luật pháp về hiển thị giá", bán gian dối các mặt hàng được cho là làm bằng da hoặc len. Tổng cục Cạnh tranh, Vấn đề người tiêu dùng và Kiểm soát gian lận Pháp (DGCCRF) cũng đã để mắt đến.
Các chuyên gia thời trang Pháp vẫn nuôi hy vọng cấm Shein ở kinh đô thời trang thế giới. Hoặc, ít nhất là nhận được một quyết định tương tự như hạn chế các hoạt động của Wish. Sau khi bị DGCCRF buộc tội vi phạm nghiêm trọng an toàn sản phẩm, trang thương mại điện tử bán đủ loại mặt hàng này đang phải chịu lệnh trừng phạt, theo lý thuyết là cấm xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm kể từ 2021.
Phủ nhận các hoài nghi về điều kiện lao động, Donald Tang, Phó chủ tịch Shein cũng khẳng định công ty chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, kiểm tra các nhà thầu phụ và yêu cầu sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng tái tạo để giảm 30% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.
Năm nay, Donald Tang tích cực tham dự các sự kiện lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ vào ngày 16/1. Tháng trước, anh này có mặt ở Barcelona (Tây Ban Nha) để dự Đại hội Bán lẻ Thế giới nhằm trấn an những người hoài nghi về trách nhiệm xã hội và môi trường.
Nhưng ít khách hàng của Shein để ý đến các vấn đề mà doanh nghiệp và chuyên gia châu Âu quan tâm. Marie Nguyen, Nhà sáng lập trang web WeDressFair, nơi cung cấp danh mục các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường, nhận thấy điều này vào tháng 3, khi Shein mở cửa hàng pop-up ở Lyon. "Hầu hết họ (khách hàng) đến đó để mua càng nhiều quần áo càng tốt với 50 euro", cô nói.
Marie Nguyen cho rằng chính quyền nên phản ứng theo hai cách là hạn chế sự phát triển của mô hình như Shein và giáo dục phụ nữ Pháp tiêu dùng ít hơn. Theo Refashion, tổ chức môi trường của ngành dệt may ở Pháp, doanh số quần áo và mặt hàng dệt may đạt gần 3,3 tỷ euro năm ngoái, một kỷ lục nhờ giá thấp.
Phiên An (theo Le Monde)