Mới đây, một clip về một chiếc ô tô đang di chuyển trên cao tốc thì bất ngờ một bà cụ băng qua. Sau khi clip được đăng tải đã nhận nhiều bình luận của các cư dân mạng.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng lỗi thuộc về bà cụ vì đi lên cao tốc, một số ý kiến khác đặt vấn đề lỗi do những người đi xe ô tô xả rác như chai, bình nhựa nên mới có nhiều người chạy lên để nhặt.
Clip được lan truyền trên mạng xã hội. (nguồn: MXH) |
Một thành viên của một nhóm ô tô trên facebook ý kiến như sau: “Hình ảnh đặt ra rất nhiều câu hỏi về giao thông tại Việt Nam: Người đi bộ, xe đạp, xe máy lao “bừa phứa” vào cao tốc; Xe ô tô xả rác ra đường, dẫn đến nhiều người vào cao tốc để nhặt rác; Có nên bám làn trái khi đi trên cao tốc hay không. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất ở đây là trong trường hợp này, chủ xe dù không sai có phải chịu trách nhiệm gì không, xét về luật?”
Anh Lê Công Cương cũng bình luận: “Nhiều người nói rằng “tại vì lái xe xả rác nên người dân mới vào nhặt ve chai, nếu không xả rác thì họ sẽ không vào", đây là suy nghĩ hết sức thiển cận và tầm nhìn ngắn. Tại luật không xử lý nghiêm người sai. Hành vi vào cao tốc là sai, thậm chí gây nguy hiểm cho người khác, nhưng trường hợp này có khi xe ô tô phải đền cho bà cụ.”
Anh Vương Lê cũng nhận định: “Trong trường hợp này nếu xét về luật thì lái xe không chịu trách nhiệm gì. Ngoài ra người đi bộ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất hay tinh thần cho người lái xe. Trong trường hợp người đi bộ không may tử vong, gia đình người đi bộ đó phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả do người đi bộ gây ra”.
Một ý kiến khác cũng cho rằng: “Nếu người lái xe bị xử lý trách nhiệm hình sự thì cũng nên làm cái đơn khiếu nại, kiện với công ty quản lý đường cao tốc đó để cho người dân tự ý ra vào gây hậu quả nghiêm trọng”.
Còn anh Quang Minh lại nhận định rằng: “Tôi nghĩ là phải kiểm tra các vấn đề sau: Lúc chuẩn bị va chạm, tốc độ xe là bao nhiêu. Nếu cao hơn tốc độ cho phép của cao tốc thì chắc chắn là chủ xe cũng phải chịu 1 phần trách nhiệm - có thể là không làm chủ tốc độ. Hai là lúc lái xe thì chủ xe có nồng độ cồn hay không? Nếu có thì chủ xe cũng phải chịu 1 phần trách nhiệm vì lỗi có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông và gây hậu quả nghiêm trọng”.
Anh Quang Minh cũng phân tích thêm, kiểm tra vệt phanh xe, để xem chủ xe có chủ động tránh hoặc đã thực hiện thao tác phanh để tránh xảy ra tai nạn hay không. Đây là tình tiết để đánh giá mức độ trách nhiệm của chủ xe trong vụ tai nạn. Về phía bà cụ, việc bà cụ đi vào cao tốc và đột ngột băng qua đường là lỗi của bà cụ. “Các lỗi này xử lý hành chính riêng đối với bà cụ, nhưng không phải vì bà cụ băng qua đường cao tốc mà chủ xe nếu vi phạm các điều trên có thể tránh được trách nhiệm. Dù sao thì cả 2 người đều không may mắn”- anh Quang Minh chia sẻ thêm.
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
“Căn cứ trên quy định những đối tượng không được đi vào đường cao tốc bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”- luật sư Tuấn cho hay.
Cũng theo luật sư Tuấn, theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2019 quy định (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021): Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc.