Chỉ cần nghe tàu gặp nạn, người đuối nước ông lại lao đi, bởi ông hiểu lằn ranh sinh tử rất mong manh, chậm chân là không kịp.
Giấy khen của chính quyền địa phương như lời cảm ơn những đóng góp của người đàn ông sống bên chân sóng miệng nước này. Đó cũng là thứ duy nhất có thể khơi dậy ký ức và giúp ông lờ mờ nhớ về những người được mình cứu.
Ông Anh bảo rằng: "Trí nhớ tôi tệ lắm nên tôi dành cho những việc cần nhớ mỗi ngày, tôi không nhớ những người mình đã cứu bởi tôi không cần ai trả ơn cả".
"Sống mấy năm đâu, giúp được ai thì giúp"
Những ngày trời vào hạ oi bức, ghé về Nghĩa An, doi đất bị vây quanh bởi sông Phú Thọ và biển cả gió thổi lồng lộng. Làng chài chật ních, đa số đàn ông đã đi biển, một số bám trường đà sửa tàu, thi thoảng mới thấy bóng dáng một vài người đàn ông đang độ tuổi lao động, còn phần lớn là con nít, phụ nữ.
Nghĩa An từng là làng chài tỉ phú với những phiên biển trúng vài tỉ đồng từ nghề giã cào. Nghề tận diệt ấy cho người dân Nghĩa An trù phú rất nhanh rồi lặng lẽ thoái trào khi "biển cạn".
Ông Võ Khánh, phó chủ tịch UBND xã Phổ An, kể về doi đất hứng bão gió này, chẳng năm nào vào mùa mưa bão mà cán bộ xã không căng mình kêu gọi tàu bè vào nơi neo trú.
Xong rồi cả hệ thống chính trị đi giúp dân chằng chống nhà cửa, nhà nào không kiên cố lại di dời người dân đến nơi an toàn.
"Nghĩa An dù nghèo giàu có bận nhưng lòng nghĩa hiệp thì thời nào cũng có. Như chú Võ Thu Anh cứu người, giúp tàu mắc cạn không biết bao nhiêu lần", ông Khánh nói.
Ông Khánh kể về người chú cùng quê với sự tự hào thấy rõ. Buổi sáng cách đây một tháng, chính quyền xã Nghĩa An nhận được thông tin có tàu đánh bắt hải sản đang vào bờ thì tàu phá nước, đang chìm dần trên sông Phú Thọ.
Chính quyền ra đến nơi đã thấy ông Anh đang cùng anh em ngư dân bàn bạc phương án cứu tàu. "Tính chú Anh là vậy, nghe ai có chuyện là hào hiệp giúp liền", ông Khánh tâm tình.
Kể về chuyện đó, ông Anh cười xòa xua tay: "Có chi mà kể trời, sống được mấy năm đâu, giúp được ai thì giúp". Những người dân bên cạnh "hùa" theo mới đẩy nhịp kể chuyện cứu tàu nhiều hơn từ chính ông Anh.
Sáng đó, ông và vợ đang ăn sáng thì nghe có tàu chìm trên sông Phú Thọ, ông bảo vợ ăn trước, còn mình quơ nắm dây thừng cùng dăm chiếc thùng phuy nhựa chạy ra sông.
Lúc này, chiếc tàu mất tăm dưới dòng nước, ngư dân ngồi thừ bên mép sông, thở dài. Vực dậy tinh thần, ông Anh bảo mọi người mang dây thừng lặn xuống nước tìm những vị trí dọc thân tàu cột chặt.
Khi tính toán, cân đối dây thừng, ông Anh cùng ngư dân lại gồng mình cột những sợi dây thừng vào thùng phuy nhựa. "Mấy cái thùng phuy lợi hại lắm, dùng sức đó mới nâng được tàu lên, chứ sức người biết bao nhiêu cho đủ", ông Anh nói.
Dưới sức gánh của thùng phuy, chiếc tàu cá dần dần nổi lên. Ông Võ Tình, chủ tàu cá, "mừng hết lớn" khi con tàu tưởng chừng không thể trục vớt được cứu. Ông Tình cảm kích sự giúp đỡ của ông Anh và xin được hậu tạ. Nghe đến đó, ông Anh xua tay từ chối. Với ông, đó là việc nghĩa không đổi chác bằng tiền.
Tôi không cần trả ơn
Tinh thần nghĩa hiệp luôn theo cả cuộc đời ông, hơn 20 năm qua chẳng thể nhớ hết số lần ông Anh chung sức trục vớt tàu thuyền bị chìm ở khu vực cửa biển Cửa Đại và sông Phú Thọ.
Nhiều ca khó, chủ tàu lại là người ngoài tỉnh đến gặp ông Anh nhờ giúp, ông lại ra hiện trường tìm phương án cứu tàu. "Thú thật trí nhớ tôi tệ lắm, tôi không nhớ giúp ai cả", ông Anh nói. Gợi mãi, ông mới nhớ được vài cái tên chủ tàu cùng địa phương như Võ Văn Trúc, Lê Tấn Thành, Nguyễn Ty...
Ông Anh không sợ hiểm nguy, nhưng ở biển có "lời nguyền cứu người đền mạng", dù thực hư chẳng ai biết nhưng điều ấy ít nhiều "bám" sâu vào tâm trí của những người ăn sóng, nằm gió. Suốt cuộc đời ra tay nghĩa hiệp, ông Anh cũng lấy đi nước mắt của các con rất nhiều lần.
Ông Anh kể tầm 20 năm trước, các con còn nhỏ, mỗi lần nghe cha đi cứu tàu, cứu người lại chạy ra ôm chân giữ lại, rồi khóc nức nở. Nhìn thấy cảnh đó, nhiều lúc ông cũng chạnh tâm nhưng rồi lòng lại như lửa đốt. Và rồi ông vẫn lao đi.
22 năm trước, tàu cá của ông Lê Thắng Nở (xã Nghĩa An) vừa vào đến cửa biển Cửa Đại thì bị sóng đánh chìm. Ngư dân trên tàu kiệt sức, họ cố bám mũi tàu giữ lại sinh mệnh.
Sóng lớn ầm ầm, gió rít từng cơn, đứng trên bờ nhìn thấy anh em chới với, ông Anh quyết định đánh liều. "Mạng mình quý thì mạng mọi người cũng quý, ai cũng có vợ con phải lo, tôi đánh liều", ông Anh nói.
Cái ngày đó vẫn còn lưu trong tâm trí của người dân Nghĩa An, ông Anh cột sợi dây thừng vào cây dừa bên mép nước, rồi nắm đầu dây còn lại bơi ra biển. Khoảng cách chỉ chừng 150m, nhưng lại rất xa bởi sóng gió quá lớn, sức người không địch lại.
Quần với sóng giật, cuối cùng ông cũng tiếp cận được con tàu và đưa sáu ngư dân vào bờ. Lúc biết mọi người an toàn, ông cũng không còn sức để đứng.
Chuyện đã quá lâu, ngư dân Lê Thắng Nở dày dạn sóng gió ngày nào đã già nua. Nhưng mỗi khi nhắc lại ông Nở không thôi cảm kích. Cái khoảnh khắc sinh mệnh đứng giữa lằn ranh ấy làm sao quên được.
"Chúng tôi vừa vào cửa biển thì tàu bị sóng đánh chìm. Anh em đều kinh nghiệm, nhưng sóng quá khủng khiếp không ai bơi được vào bờ, đành bám vào mũi tàu. Nói thật, chắc chỉ có lòng nghĩa hiệp anh Anh mới dám lao ra cứu người lúc đó", ông Nở nói.
Những người lớn tuổi ở Nghĩa An lược đếm số người ông Anh từng cứu sống, dù không đầy đủ nhưng ít nhất cũng bảy người. Cách đây khoảng chục năm, ông Anh lao xuống dòng sông Phú Thọ cứu người tự tử.
Phút giây ấy như ánh đèn flash, kịp lóe lên cho một khoảnh khắc rồi tắt hẳn. Vậy mà đến giờ bà Nguyễn Thị Bông (vợ ông Anh) vẫn rùng mình mỗi khi nhắc về. Bà Bông kể hai vợ chồng đang đi trên cầu thì thấy một bóng người lao xuống nước tự tử, việc xảy ra ngay trước mắt. Bà Bông chưa kịp định thần, đã thấy chồng nhảy ùm xuống nước.
Bà Bông run rẩy gọi chồng giữa màn đêm u tịch, điều duy nhất bà biết chồng còn sống là tiếng tay ông đập ầm ầm dưới nước, bơi nhanh về phía cô gái.
"Đó là một cô gái trẻ, quê ở xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), vì buồn chuyện tình cảm nên tự vẫn. Cứu xong, vợ chồng tôi và người dân ngồi lại khuyên can cô gái cho đến khi người thân đưa cô gái về nhà, tôi mới bắt đầu khóc.
Tôi khóc vì mừng cả chồng và cô gái không sao, khóc cho cả những nỗi lo nếu chẳng may chồng xảy ra bất trắc thì tôi thành góa phụ, rồi ai gồng gánh nuôi con", bà Bông tâm tình.
Nghĩa hiệp
40 năm gắn với biển, ở tuổi 60 ông Anh qua rồi cái thời đi biển dài ngày làm thuê cho các chủ tàu, giờ ông lui về với con tôm, con cá gần bờ. Mỗi lần biển trở sóng, trời nổi bão, ông Anh lại đi giúp xóm làng dù trận bão nào nhà ông cũng sứt mẻ ít nhiều.
"Ông Anh là vậy, giúp ai là ổng giúp à. Ổng hay nói ổng vui khi thấy mình còn giúp được người khác", ông Hồ Văn Sơn (hàng xóm) nói.
Ông Anh có nụ cười hiền và đôi mắt trầm buồn. Ẩn bên trong là nghĩa cử cao đẹp, với ông cứu người không cần trả ơn, vậy nên ông chẳng muốn nhớ ai. Với ông, chỉ cần người mình từng giúp có cuộc sống hạnh phúc ở đâu đó là vui rồi.
"Tôi tin, sau khi họ trải qua lần cận kề cái chết, sẽ sống tốt và biết trân quý sinh mạng mình và ra tay giúp đỡ người khác", ông Anh nói.
TTO - Ở Phú Quý - hòn đảo mang tên của sự giàu có, cách đất liền hơn 100km, người dân trên đảo hiền lành, thật thà, sống đùm bọc, cưu mang nhau và rất thích làm từ thiện.
Xem thêm: mth.98745023270503202-peih-aihgn-iod-couc-tom/nv.ertiout