Chiều 8-5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Dương Văn Thăng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Phước Thắng đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ.
Trong số 16 ý kiến được cử tri nêu tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến nêu kiến nghị quanh các vấn đề về đất đai như vệc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc tách thửa, xây dựng nhà tạm, hay các vấn đề liên quan đến đất rừng, bất cập trong cơ sở hạ tầng, việc xây dựng kè đá chống sạt lở, xây dựng chợ…
Ngoài ra, theo các cử tri, hiện nay nhu cầu giao thông đi lại giữa huyện Cần Giờ với các địa phương khác là rất lớn, trong khi hệ thống giao thông cầu, phà hiện chưa đáp ứng được.
Do đó, cử tri đề nghị thành phố quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống giao thông kết nối.
Cử tri Nguyễn Văn Một cho biết khi tuyến đường liên xã An Thới Đông được khởi công, người dân xã rất đồng tình và ủng hộ, nhiều hộ gia đình sẵn sàng cắt đất, dời nhà để làm đường.
Nhưng sau khi xây dựng, những hộ gia đình này muốn tách thửa đất làm giấy tờ sang tên để ổn định cuộc sống hoặc chia cho con cái thì gặp khó vì vướng thủ tục.
“Mong tổ đại biểu, lãnh đạo huyện hướng dẫn giúp bà con về vấn đề này” - ông Một nêu mong muốn.
Cử tri Phạm Thị Thanh Tuyến (xã An Thới Đông) thì kiến nghị cần nâng cấp phà An Thới Đông nối xã An Thới Đông (Cần Giờ) với xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Theo cử tri, phà qua lại hằng ngày, công nhân buổi sáng đi rất đông, trong khi đoạn đường nhỏ nên cần phải mở rộng để xe tới lui thuận tiện.
Nếu phà nâng cấp lớn, tải trọng nhiều hơn sẽ an toàn hơn cho người dân đi qua sông.
Trực tiếp lắng nghe và phản hồi những ý kiến của cử tri, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho rằng các ý kiến của cử tri là những vấn đề thời sự mà lãnh đạo huyện cũng rất trăn trở tìm cách giải quyết.
Ông Triển đã giải đáp phần nào những bức xúc của người dân về vấn đề sử dụng đất liên quan rừng phòng hộ cũng như việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận những ý kiến của cử tri là những vụ việc tồn đọng gây bức xúc mà TP cần phải xem xét giải quyết kịp thời. Điều này cũng cho thấy cơ chế thông tin giữa chính quyền và người dân chưa kịp thời và cần tăng cường hơn nữa.
Ông Mãi đề nghị ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và đoàn đại biểu Quốc hội ngồi lại, ghi nhận kỹ các vấn đề của cử tri. Đồng thời, hứa với người dân đến cuối tháng 6, sẽ làm việc ráo riết với huyện Cần Giờ để hệ thống tất cả vấn đề vướng mắc.
Trong đó, những vấn đã có quy định, huyện Cần Giờ cần tập trung giải quyết ngay. Riêng những vấn đề không thuộc thẩm quyền xin ý kiến TP hoặc kiến nghị lên cấp trên và thông báo, phản hồi đến người dân.
Đề xuất được rút bảo hiểm xã hội một lần
Cùng ngày, tổ đại biểu gồm Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân và Phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thanh Sang cũng tiếp xúc với 150 công nhân, lao động tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức.
Tại buổi tiếp xúc, hầu hết ý kiến tập trung vào dự thảo Luật (sửa đổi), trong đó nhiều công nhân đề xuất được rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Đại biểu Trần Thị Nga (Công ty dịch vụ công ích Thủ Đức) đề xuất chọn phương án 1 để người lao động được rút BHXH một lần, vì thực tế đây là tiền tích lũy của người lao động.
Cùng ý kiến nhưng đại biểu Trần Văn Hùng (Công ty cơ khí Tân Thanh) cho rằng người lao động rút BHXH một lần sau 12 tháng là quá dài. Ông Hùng đề xuất chỉ nên rút thời hạn này xuống 3 tháng.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị làm rõ việc sửa đổi Luật đất đai có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai nhằm tận dụng cơ hội, "thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ hay không?".