Bộ Quốc phòng Nga chỉ cho biết có hơn 10.000 binh sĩ sẽ tham gia cùng 125 loại vũ khí và thiết bị quân sự trong lễ duyệt binh trên quảng trường Đỏ ở Matxcơva. Nga tổ chức duyệt binh ở 28 điểm trên khắp cả nước với tổng quy mô hơn 55.000 binh sĩ và 1.200 phương tiện quân sự.
Nhiều loại khí tài đáng chú ý
Cuộc diễu binh năm nay không được Bộ Quốc phòng Nga công bố các phương tiện quân sự tham gia như truyền thống các năm trước. Dù vậy, thông qua các loại khí tài trên bộ mà giới quan sát đã phát hiện sau hai đợt diễn tập vào các ngày 27-4, 4-5 và lễ tổng duyệt vào ngày 7-5, có thể nhận thấy phía Nga đang tập trung phô diễn hai chủng loại phương tiện quân sự.
Thứ nhất là các loại khí tài bộ binh chiến đấu được nâng cấp dựa trên thực tiễn chiến trường Ukraine. Nhóm này do hai dòng xe bọc thép mới nhất đại diện, gồm dòng xe Z-STS "Akhmat" và dòng AMN-590951 "VPK-Ural".
Trong đó, dòng xe "Akhmat" được đánh giá vừa cơ động, lại tiết kiệm chi phí, có tốc độ tối ưu hơn các phương tiện bọc thép cùng loại và có mui xe dài 2m có thể đảm bảo tính mạng cho quân nhân trong cabin khi xe va phải mìn chống tăng phát nổ.
Còn dòng "VPK-Ural" vừa có thể chặn đạn gây cháy xuyên giáp, vừa có gầm xe chịu được vụ nổ của 6kg thuốc TNT lại có tốc độ lên đến 100km/h.
Bên cạnh đó, các khí tài bộ binh chủ lực như xe tăng T-90M "đột phá", T-72B3M, T-14 "Armata", xe chiến đấu bộ binh BMP-3, xe bọc thép chở quân BTR-82 với nhiều tính năng cải tiến nhờ vào kinh nghiệm thực chiến cũng được quan sát thấy.
Thứ hai là các loại tổ hợp tên lửa. Ở nhóm này, tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander - M (tầm bắn 500km, tốc độ Mach 6) và hệ thống chuyên chở mang theo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars (tầm bắn 12.000km, tốc độ Mach 20) đã được giới quan sát nhìn thấy trong các buổi diễn tập.
Cả hai hệ thống tên lửa định hướng tấn công này đều có thể mang đầu đạn hạt nhân, có tốc độ siêu vượt âm (lớn hơn Mach 5) cũng cho thấy sự vượt trội trong khả năng răn đe hạt nhân, tấn công chính xác và khó có thể đánh chặn của phía Nga.
Ngoài ra, sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz (hay S-350E) có thể đánh chặn cả máy bay tầm cao, trực thăng tầm thấp và tên lửa của đối phương trong phạm vi 120km cũng là một nhân tố đáng chú ý.
Nhóm các khí tài không quân cũng đáng, chú ý dù sự kiện lần này ở quảng trường Đỏ có thể sẽ hủy bỏ các hoạt động trình diễn trên không. Có thể dựa trên các loại phương tiện sẽ chuyển giao theo tiến độ cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga như máy bay ném bom chiến lược "thiên nga trắng"
Tu-160M hay phiên bản nâng cấp của trực thăng trinh sát và tấn công Ka-52M để nhận định về tư duy phát triển năng lực hàng không quân sự của người Nga.
Tập trung vào mạng lưới phòng thủ
Thông qua một loạt chỉ dấu cắt giảm quy mô buổi duyệt binh, giảm gần phân nửa (20/48) các thành phố tiến hành hoạt động diễu binh, không mời quan khách quốc tế lẫn mở cửa cho công chúng tham dự như các năm trước, có thể thấy phía Nga vẫn đang gặp áp lực rất lớn từ các vấn đề an ninh sau sự cố xuất hiện các UAV tấn công bị bắn cháy ngay sát Điện Kremlin.
Mặc dù có sự giới hạn về số lượng phương tiện quân sự trình diễn, nhưng qua đó có thể nhận ra phía Nga đang tập trung vào các phương tiện có năng lực phòng thủ và răn đe. Trong đó, chức năng răn đe hạt nhân được phân nhiệm cho hệ thống tên lửa Iskander-M và RS24-Yars.
Sự kiện tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga lần đầu bị Ukraine bắn hạ vào ngày 4-5 dường như cũng có tác động gây áp lực cho tư duy tấn công chủ động của Nga.
Còn chức năng phòng thủ thì gần như đang tập trung vào tất cả các phương tiện bộ binh (có tính cơ động cao nhưng tầm bắn thấp và khó triển khai hiệu quả trên các chiến trường rộng lớn nhiều đầm lầy như Ukraine) và hệ thống phòng thủ tên lửa S-350E.
Xu hướng này cũng phù hợp với mạng lưới phòng thủ ba lớp mà quân đội Nga đang xây dựng ở Zaporizhzhia, cũng như sẽ triển khai ở hai vùng Donetsk và Mariupol vào mùa hè năm nay.
Với quá nhiều các động thái giới hạn quy mô và chất lượng của cuộc diễu binh mừng Ngày chiến thắng phát xít năm nay, có thể thấy phía Nga đang gặp áp lực đáng kể từ sự phân tán các nguồn khí tài hiện đại trên chiến trường Ukraine, cũng như từ các vấn đề an ninh trên nội bộ lãnh thổ nước mình.
Mặc dù vẫn giữ lợi thế đáng kể về năng lực tấn công so với phía Ukraine, nhưng dường như phía Nga đang muốn chuyển hóa thành lợi thế răn đe.
Việc này vừa để giảm thiểu khả năng phía Ukraine sử dụng vũ khí hạt nhân vốn có thể dẫn đến kịch bản đôi bên đảm bảo tự tiêu diệt lẫn nhau (MAD). Đồng thời, Nga có thể tập trung cho định hướng củng cố phòng thủ ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập thay vì cứ tiếp tục leo thang một cuộc chiến không có hồi kết.
Nga tăng cường không kích Ukraine
Ngày 8-5, các quan chức Ukraine cho biết Nga đã phát động đợt tấn công lớn gồm máy bay không người lái, tên lửa và nhiều cuộc không kích nhằm vào thủ đô Kiev cũng như một vài thành phố khác của nước này.
Truyền thông phương Tây đánh giá lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5 có ý nghĩa đặc biệt với Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin được cho là đã khơi lại tinh thần của quân đội Liên Xô năm xưa khi đánh bại Đức quốc xã, để tuyên bố rằng Nga sẽ đánh bại Ukraine hiện nay.
Khi thời tiết trở nên ấm áp hơn ở châu Âu, chiến sự tại Ukraine cũng bắt đầu khắc nghiệt hơn khi các bên đang chuẩn bị cho những trận đánh lớn trong thời gian ngắn tới. Nga sẽ làm gì?
Xem thêm: mth.6474022280503202-eniarku-us-neihc-neid-cuc-iod-yaht-es-agn-auc-neit-iac-ihk-uv-cac/nv.ertiout