Theo ông Huỳnh Thành Chung, Tổng Giám đốc KCN Minh Hưng - Sikico (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), tiềm năng phát triển công nghiệp tại Bình Phước là rất lớn nhưng với những gì đang diễn ra thì nguy cơ thiếu quỹ đất là hiện hữu, nếu không có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ.
"Mới khởi động đã phải giảm ga"
Ông Chung phân tích có 2 yếu tố để khẳng định tiềm năng phát triển công nghiệp ở Bình Phước. Thứ nhất, đó là sự lan tỏa từ Bình Dương - địa phương được đánh giá là "thủ phủ công nghiệp" của cả nước, nên người anh em láng giềng Bình Phước cũng được hưởng lợi. Thứ hai, không đâu khác mà chính là việc ai cũng dễ dàng nhìn thấy chứ không riêng gì nhà đầu tư, đó là hạ tầng giao thông kết nối ở Bình Phước được đầu tư bài bản, thông suốt; đặc biệt là tới đây cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được đầu tư và đưa vào sử dụng.
Một góc KCN Minh Hưng - Hàn Quốc ở thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Lấy dẫn chứng thực tế tại KCN Minh Hưng - Sikico, ông Chung cho biết với diện tích hơn 470 ha, chỉ mới được mời gọi đầu tư từ năm 2019, dù vướng dịch COVID-19 mất hơn 2 năm nhưng đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ lấp đầy của KCN đã trên 50%. "Đây là con số ao ước của nhiều "ông chủ" KCN. Tiềm năng, lợi thế lớn là như vậy nhưng kế hoạch sử dụng đất liên quan đến chỉ tiêu, quy hoạch thì hiện nay không có nhiều. Chúng tôi vẫn mong muốn có thêm quỹ đất để mở rộng hoặc phát triển KCN mới nhưng tới hiện tại vẫn phải chờ vì phụ thuộc vào chỉ tiêu của Chính phủ giao và sự phân bổ của địa phương" - ông Chung nói.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Phước, cho biết Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 KCN, với diện tích 6.065 ha. Hiện nay đã có 12 KCN đi vào hoạt động, trong đó KCN Becamex Bình Phước có diện tích lớn nhất và tỉ lệ lấp đầy tốt nhất hiện nay. "Thời gian tới, Bình Phước phấn đấu phát triển lên 25 KCN, đây là chỉ tiêu đã được đưa vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho công nghiệp đang là vấn đề nan giải" - ông Tiến nói.
Tại Đồng Nai, địa phương này được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 40 KCN với diện tích gần 19.000 ha. Trong đó, đã có 32 KCN được thành lập, diện tích hơn 10.000 ha, với tỉ lệ lấp đầy đạt trên 85%; 8 KCN mới được phê duyệt (gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn), với tổng diện tích hơn 8.200 ha lại gặp nhiều vấn đề vướng mắc dẫn tới chưa được thành lập, khiến quỹ đất phát triển công nghiệp của Đồng Nai để cho thuê càng trở nên khan hiếm. Dẫn chứng cho việc khan hiếm quỹ đất phát triển công nghiệp ở Đồng Nai thì câu chuyện liên quan đến Tập đoàn Lego là rõ nét nhất. Theo lãnh đạo tập đoàn này, sau 3 năm chờ đợi nhưng không có diện tích đất công nghiệp lớn ở Đồng Nai, tập đoàn này đã buộc lòng dời dự án về Bình Dương.
Theo tìm hiểu, không chỉ để vuột mất siêu dự án FDI hơn 1,3 tỉ USD đến từ Đan Mạch, tỉnh Đồng Nai cũng đã bỏ lỡ nhiều dự án FDI khác đến từ các quốc gia của châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD. Hậu quả của việc thiếu quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Đồng Nai thể hiện rất rõ qua con số thống kê. Cụ thể, năm 2022, Đồng Nai chỉ thu hút vốn FDI đạt 1,15 tỉ USD trong khi năm 2021 là 1,3 tỉ USD và năm 2020 là 1,45 tỉ USD. Không chỉ vốn FDI, mà thu hút vốn đầu tư trong nước của tỉnh Đồng Nai cũng sụt giảm mà nguyên nhân một phần không nhỏ là do thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp.
Cần gấp rút bổ sung
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thừa nhận nguyên nhân khiến thu hút đầu tư của Đồng Nai bị chững lại là do thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp. "Giờ biểu tôi kiếm 5 ha để kêu gọi dự án thì tôi cũng chịu thua vì hết đất. Sân bay sắp có, cảng biển, cao tốc sắp đấu nối, toàn điều kiện tốt nhưng hỏi đất đâu thì Đồng Nai thua" - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Nói về 8 KCN mới đã được Chính phủ phê duyệt, ông Dũng cho biết các KCN trên đều gặp các vướng mắc thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số các vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và Chính phủ. Theo ông Dũng, vừa qua tỉnh tìm được khoảng 6.500 ha để phát triển công nghiệp và đã có các nhà đầu tư mong muốn hợp tác nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt. "Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Chính phủ xem xét phê duyệt cho Đồng Nai để địa phương sớm đầu tư hạ tầng nhằm thu thu hút các nhà đầu tư giai đoạn tới" - ông Dũng kiến nghị.
Phân tích con số kiến nghị Chính phủ bổ sung, văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của Sở KH-ĐT cho thấy nhu cầu đề xuất của các địa phương về quy hoạch đất KCN là hơn 23.300 ha. Trong khi đó, quyết định về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3-2022 thì đất dành cho KCN đến năm 2025 của Đồng Nai là hơn 12.400 ha, năm 2030 hơn 18.500 ha. Như vậy, so với diện tích đất KCN được Chính phủ phân bổ chỉ tiêu và nhu cầu thực tế về đất phát triển KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai vẫn cần thêm ít nhất là 4.700 ha đất.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc KCN Minh Hưng - Sikico, nếu muốn phát triển, Bình Phước cần phải gấp rút bổ sung quỹ đất dành cho công nghiệp. "Có 2 lý do để tăng quỹ đất công nghiệp cho Bình Phước. Một là, xu thế hiện nay, các nhà máy nằm trong khu dân cư đang dịch chuyển vào KCN, một số địa phương đã thực hiện việc này. Hai là, phải có tầm nhìn trước về quỹ đất phát triển công nghiệp. Ví dụ một nhà đầu tư lớn vào, họ cần 30-50 ha, trong khi đó các KCN đã có sẵn thì quỹ đất liền mạch để đáp ứng đa phần không có, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch để bỏ bớt đường sá giao thông, nếu không là phải chấp nhận mất nhà đầu tư" - ông Chung phân tích và nhấn mạnh chỉ tiêu về đất công nghiệp phải đi trước 3-5 năm.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cũng nhấn mạnh địa phương này đang có thế mạnh để phát triển công nghiệp. Bằng chứng là sau thời gian không dài nhưng 3 KCN gồm Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú, Minh Hưng III của tỉnh đã được lấp đầy 100%, hiệu quả đầu tư rất tốt. "Theo đó, tỉnh đã xin chủ trương mở rộng giai đoạn 2 thêm 1.375 ha. Thủ tục, quy trình, hồ sơ đã xong, thế nhưng vẫn chưa được phê duyệt" - bà Hiền cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng nêu một bất cập khác, đó là chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp tại địa phương này. Cụ thể, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đất công nghiệp của Bình Phước là hơn 6.800 ha nhưng sau đó 1 năm, Chính phủ lại điều chỉnh đất công nghiệp của Bình Phước đến năm 2025 chỉ còn hơn 4.200 ha. "Việc điều chỉnh này diễn ra trong điều kiện quy hoạch của tỉnh đã thông qua. Như vậy, hiện Bình Phước có khoảng 2.000 ha đất công nghiệp nhưng lại không nằm trong quy hoạch đất công nghiệp" - bà Hiền phân tích.
Theo bà Hiền, vướng mắc trên khiến Bình Phước chưa trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chung của tỉnh. "Trong báo cáo giải trình cũng như nhiều lần làm việc, báo cáo với Chính phủ, tỉnh đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, bổ sung đất công nghiệp cho Bình Phước đến năm 2025 là 7.584 ha; giai đoạn 2025-2030 bổ sung thêm 10.521 ha" - chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thông tin.
Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương
Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương này hiện có 33 KCN đã được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.890 ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.057 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 92%.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng nhờ xác định từ sớm việc phát triển công nghiệp đóng vai trò quan trọng nên tỉnh luôn chủ động trong lập quy hoạch, xin chủ trương để tránh tình trạng khan hiếm đất công nghiệp. Bằng chứng là khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực như TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một gần cạn kiệt, tỉnh đã lập tức chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn sang những địa phương còn nhiều đất trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục tập trung quỹ đất phát triển công nghiệp ở huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng. "Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp nhanh" - ông Dũng nói.
Xem thêm: mth.2714710280503202-peihgn-gnoc-tad-iov-uad-uad/et-hnik/nv.moc.dln