Với họ, mỗi chuyến hàng đến đích theo từng bàn chân phồng rộp cũng đem đến niềm vui mưu sinh. Dự báo trời sắp mưa và bớt nóng như tiếp thêm cho họ chút hy vọng ngày mai dễ chịu hơn.
"Từ sáng tới giờ tôi kéo được hai cuốc, 100.000 đồng, nếu suôn sẻ thì từ giờ đến trưa sẽ có thêm cuốc nữa. Nhưng nóng quá, sợ sức mình rướn không nổi", người đàn ông cao như cây sào, da đen cháy, ngồi bệt trên càng chiếc xe lôi nghỉ ngơi lấy sức, tâm sự.
Những đồng tiền đẫm mồ hôi
Chúng tôi theo chân ông Lê Nho Tý - 52 tuổi, một trong nhiều lao động nghèo ở TP Đà Nẵng - đang kéo hai càng chiếc xe lôi giữa đường phố để đổi cái ăn hằng ngày. Bóng dáng khắc khổ, sự nghèo khó của ông Tý đã quen nhẵn với nhiều người dân ở dọc đường Tôn Đức Thắng, Phạm Như Xương... quận Liên Chiểu.
7h sáng, ông Tý cuốc bộ, người rướn về phía trước để kéo chiếc xe lôi chuyển bánh dọc đường Tôn Đức Thắng. Mới sáng nhưng đã cảm nhận cái nắng tới mỗi lúc một dữ dội.
Những giọt mồ hôi bắt đầu tuôn rơi, trong chốc lát ướt sũng vùng đầu, ướt cả chiếc mũ vải nhàu cũ mà ông Tý đang đội. Sau vài phút rảo trên đường, cả người và chiếc xe lôi dừng lại trước một cửa hiệu đang sơn sửa.
"Bác ơi, có cần dọn rác không? Cho tôi kiếm cuốc xe mở hàng", ông Tý nói vọng vào. Một phụ nữ bước ra, thấy hình ảnh khắc khổ của ông Tý, người này chỉ vào đống rác rồi rút tờ 100.000 đồng để được dọn sạch.
Sau khi phân loại gạch vỡ, kính thải, giấy vụn, ông Tý hỏi chủ nhà rằng số sắt thép, những miếng nhôm nằm lẫn trong đống rác còn bán được thì có tính tiền không thì nhận được cái lắc đầu.
Sau gần 30 phút kéo chiếc xe nặng nề trên đường phố, ông cũng tới được điểm thu gom rác và trút hết số phế thải trên xe. Trong lúc đổ hàng, những thanh thép vụn, từng miếng nhôm li ti được ông Tý gom lại rồi bỏ vào chiếc túi nhỏ bên thùng xe. Mỗi ngày như thế, nếu may mắn thì số phế liệu gom nhặt được sẽ giúp ông có thêm vài chục ngàn đồng.
10h, mặt đường nhựa như bốc hỏa. Từng gợn sóng hơi nóng bốc lên bề mặt như sắp bùng cháy. Nhiều người vội vã tìm nơi trú nóng như thiêu đốt. Nhưng người kéo xe lôi Lê Nho Tý vẫn cặm cụi rảo bước trên đường phố. Tấm áo phông khoác trên cơ thể ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi đổ vã trên cả khuôn mặt, chảy tràn và rơi từng giọt rồi bốc hơi ngay trên nền đường.
Nắng táp cháy da khiến toàn bộ vùng mặt ông Tý đỏ ửng, chỉ còn nhìn thấy hai con mắt đục hiện ra. Người đàn ông nghèo khổ này bảo dù nắng thế chứ nắng nữa thì vẫn phải lao ra đường để kéo xe. Lý do thật đơn giản: không kéo xe thì ông chẳng biết làm gì!
Chờ khách giữa trời nắng nóng
Giữa những ngày nắng nóng như chín da thịt ngồi trong nhà đã thấy khó chịu, vậy mà có những phận đời nghèo khổ vì miếng cơm manh áo mà buộc phải bán sức mình ngoài đường phố. Hình ảnh những người kéo xe lôi càng nhọc nhằn hơn bởi "không gian mưu sinh" của họ luôn phải phơi mình giữa đường phố nắng lửa.
Nhiều thời điểm người dân Đà Nẵng đi đường không khỏi xót xa khi thấy có người kéo xe lôi đuối sức, gục lả bên đường, được bà con xúm lại chườm đá, tiếp nước.
Tại ngã ba Lạc Long Quân - Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi gặp ba người đàn ông gồm một thanh niên, hai người đứng tuổi ngồi né nắng bên bức tường một tòa nhà lớn để đợi khách gọi kéo hàng. Sát bên họ, ba chiếc xe kéo chổng ngược càng lên nền trời giữa cái nắng muốn chín da người.
Đó là ông Phạm Đạt (47 tuổi), ông Huỳnh Văn Dũng (65 tuổi) và một "đồng nghiệp" tuổi 43 tên Huy. Giữa cái nóng hầm hập, ba người đàn ông này phải di chuyển liên tục, tìm những bóng mát ít ỏi để trốn nắng, mắt không rời khỏi vị trí chiếc xe lôi của mình đang đặt ngoài vỉa hè để mong khách tới thuê kéo hàng.
Để giữ mát cơ thể, cả ba phải đem theo can nước lạnh giội vào đầu nhưng được ít phút nước lại bốc hơi khiến những cái đầu rối mù như chùm rễ tre.
Ông Dũng nói ông đi kéo xe lôi "từ hồi học lớp 7". Nhà nghèo, ông cũng chẳng biết cái nghề không ai muốn làm này đến với mình từ đâu. Chỉ nhớ rằng lớn lên đã đi kéo xe, ban đầu thì còng lưng cuốc bộ kéo xe, ai kêu đâu chạy tới đó để kéo. Có khi chở đồ đạc, khi thì dọn nhà chuyển trọ, mùa Tết thì chở cây cảnh.
Gần thì vài cây số nhưng có cuốc xe ông phải kéo cả một buổi, từ Liên Chiểu qua tới Sơn Trà. "Ai kêu đâu tui cũng đi, miễn là có tiền", ông Dũng nói.
Người kéo xe lôi này tâm sự thêm rằng có giai đoạn ông đi làm thợ hồ nhưng sức khỏe chuyển xấu đột ngột, đau thần kinh tọa nên không thể đi làm đều theo yêu cầu của thầu.
"Tui quay về nghề kéo xe, lúc nào đau yếu quá thì nghỉ ở nhà. Kéo xe bao năm thì sắm được chiếc xe máy, giờ nếu thuận đường thì mình móc xe lôi vào xe máy để chở hàng. Nhưng nếu chỗ chở hàng nằm sâu trong hẻm thì buộc phải kéo tay", ông Dũng nói.
Trong nhóm xe lôi của ông Dũng có anh Huy chưa lập gia đình. Để có tiền trang trải hằng ngày, Huy đi bốc vác, làm thuê đủ nơi. Hai năm dịch khiến công việc khan hiếm, để có tiền sống qua ngày Huy được tặng một chiếc xe lôi rồi hằng ngày ra ngồi ở ngã ba đường chờ khách gọi đi kéo hàng.
Người đàn ông tuổi 43, gầy khô như que gỗ này nói rằng mỗi ngày nếu suôn sẻ thì kiếm được 300.000-500.000 đồng.
"Nhưng như mấy bữa nay thì ngồi không từ sáng tới tối mà chẳng thấy ai gọi. Anh em tui phải bốc vác thuê, ai kêu gì cũng làm. Nhưng nắng quá khiến mọi thứ rất khó khăn, làm tới tầm 10h là đuối sức, lịm tái rồi", Huy nói và ngước mắt nhìn trời mong chuyển mát.
Gian nhà không khác gì ổ chuột của ông Tý sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Sinh Sắc.
Ông lấy mấy mái tôn quây lại tránh nắng mưa, nhặt một chiếc giường ngoài đống rác kê làm chỗ ở trên mảnh đất còn bỏ hoang. Không điện, không nước, vậy mà ông vẫn phải sống ở đây để hằng ngày ra đường kéo xe lôi kiếm sống.
Càng bất ngờ hơn, ông Tý không có ngay cả một chiếc xe kéo, mỗi sáng ông phải ra tiệm thuê xe với giá 20.000 đồng rồi rảo quanh tìm người thuê kéo hàng.
TT - Khi ánh đèn trong những ngôi nhà ấm cúng nơi phố thị đã tắt và thành phố chìm vào giấc ngủ, thay vì nằm trong chiếu chăn ấm áp bên cạnh người chồng yêu thương và ủ ấm những đứa con thì hàng trăm nữ phu xe lại tất bật ở chợ đêm Long Biên (Hà Nội) trong cái lạnh cắt da thịt...
Xem thêm: mth.11511100190503202-aul-od-gnon-gnan-ioud-ex-oek-iod/nv.ertiout