Sáng 9.5, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nông dân tại một số địa phương vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả sau trận giông lốc từ tối 7.5 đến rạng sáng 8.5.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình đã thiệt hại hơn 8.000 ha lúa và hoa màu, phần lớn là bị đổ rạp, khiến nông dân phải nhanh chóng khắc phục, tránh gia tăng thiệt hại.
Tại xã Thanh Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), nhiều chủ ruộng phải huy động người thân, thuê thêm người nhanh chóng cắt số lúa bị đổ rạp. Ông Nguyễn Văn Nam (56 tuổi, xã Thanh Thủy) cho biết, sau trận mưa gia đình ông thiệt hại gần một nửa diện tích trồng lúa.
"Gia đình tôi trồng được 7 sào ruộng thì sau trận giông lốc kéo dài chỉ 1 giờ đồng hồ, đã gây thiệt hại hết 3 sào. Đa số lúa bị đổ rạp, nước tràn vào ruộng gây ngập úng, giờ lúa vẫn còn khá xanh nhưng vẫn phải thu hoạch nếu không thiệt hại sẽ còn gia tăng", ông Nam cho biết.
Theo thống kê từ Phòng NN-PTNT H.Lệ Thủy, toàn huyện có khoảng 2.500 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Trong đó, xã Phú Thủy có diện tích thiệt hại lớn nhất với 278 ha. UBND H.Lệ Thủy cũng đã khảo sát và lên kế hoạch hỗ trợ cho bà con giảm bớt thiệt hại do giông lốc gây ra.
Tương tự tại H.Quảng Ninh, nhiều nông dân cũng đang còng lưng để nhanh chóng mang được lúa về nhà. Ông Trần Văn Phiệt (67 tuổi, xã Gia Ninh) tiếc nuối khi chỉ còn 1 tuần nữa là ruộng lúa của ông sẽ thu hoạch được.
"Năm nay lúa đẹp, còn khoảng 1 tuần nữa tôi sẽ đem máy ra cắt nhưng không ngờ chỉ sau một trận mưa lại thiệt hại gần như toàn bộ thế này. Lúa bị đổ rạp nên không cắt máy được, phải cố gắng ra gặt từng cây", ông Phiệt bày tỏ.
H.Quảng Ninh có tổng thiệt hại lớn nhất với khoảng 5.200 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại. Trong khi đó tại các H.Bố Trạch, H.Tuyên Hóa, TX.Ba Đồn có thiệt hại nhưng ít hơn, mỗi địa phương khoảng 100 ha lúa và hoa màu bị đổ rạp.