U xâm lấn nhiều cơ quan, phá hủy cả lưỡi và sàn miệng
Ung thư khoang miệng là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng, có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.
Bệnh nhân mới ghi nhận gần đây, ông N.V.N., sinh năm 1952, Nam Định, có tiền sử hút thuốc, uống rượu nhiều năm. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân thấy có khối sùi loét, đau, ăn uống vướng trong miệng. Bệnh nhân không khám và điều trị gì.
Cách vào viện 2 tuần, khối u phát triển nhanh, bệnh nhân không ăn được, uống khó khăn, không nói được, thỉnh thoảng chảy máu qua đường miệng. Bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh, được chuyển lên khoa ngoại đầu cổ / Bệnh viện K.
Bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm và được chẩn đoán ung thư lợi hàm dưới và được chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, khoa phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện K, cho biết, đây là ca bệnh phức tạp, nhiều khó khăn trong mổ bởi các lý do:
- Thể trạng bệnh nhân yếu, vì không ăn được kéo dài, do vậy không đủ dinh dưỡng.
- Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc và uống rượu nhiều năm, dẫn tới ảnh hưởng tới chức năng gan, thận: khó khăn cho gây mê và phẫu thuật (khi mổ dễ chảy máu).
- Khối u lớn, chiếm toàn bộ khoang miệng, xâm lấn đè đẩy vùng họng miệng, đáy lưỡi, amydal, vòm khẩu cái,... nên bệnh nhân không thể nằm được để mở khí quản gây mê theo cách thông thường, mà phải mở khí quản trước mổ theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.
- Bệnh nhân có nhiều hạch cổ, hạch to, dính, khối u lớn không tiếp cận theo cách thông thường, mà phải phối hợp 2 đường trong, ngoài để lấy u.
Khối u lớn, nhiều nguy cơ chảy máu trước, trong, sau mổ. Khó khăn khi u xâm lấn các thành phần quan trọng, gốc lưỡi, amydal, động mạch cảnh gốc, cảnh trong, cảnh ngoài, xâm lấn phá hủy xương hàm dưới, lưỡi sàn miệng… phải cắt bỏ rộng rãi (lấy hết u chống chảy máu và tái phát u); sau mổ khuyết hổng lớn phải tạo hình khó khăn, nguy cơ chảy máu nhiều trước, trong, sau mổ.
"Ca mổ kéo dài hơn 4,5 giờ, đã thành công. Bệnh nhân được xử lý vét hạch cổ, cắt rộng u, cắt đoạn xương hàm dưới, tạo hình. Sau mổ bệnh nhân ổn định, không khó thở, được chăm sóc sau mổ tại khoa 10 - 14 ngày, sẽ tiếp tục được chuyển xạ trị.
Vừa rượu vừa thuốc lá, nguy cơ tăng 15 lần
Phân tích về trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Dũng cho biết đây là dạng ung thư biểu mô vẩy vùng đầu cổ, là các tổn thương ác tính thuộc vùng đầu cổ.
Các khối u này bao gồm: ung thư vùng khoang miệng (lưỡi, sàn miệng, lợi hàm, vòm khẩu cái), họng miệng (amydal, hố lưỡi thanh thiệt, các tuyến phụ thuộc), hạ họng - thanh quản với chẩn đoán mô bệnh học là SCC (Squamous Cell Carcinoma). Trong đó ung thư lưỡi hay gặp nhất chiếm tỉ lệ khoảng 40%.
Ung thư vùng đầu cổ thường gặp ở những người nghiện thuốc lá, rượu, bia hoặc nhóm người bị kích thích mũi họng thường xuyên do bụi, khí, hơi mang tính chất bệnh nghề nghiệp hoặc tiếp xúc nhiều.
Nguyên nhân, theo bác sĩ Dũng, khoang miệng có vai trò nhai nghiền thức ăn, đồng thời phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư như kích thích hóa học và cơ học: thuốc lá, rượu bia và thức ăn, răng có bờ sắc cạnh…
Nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá từ 1-19 năm có nguy cơ ung thư đường hô hấp trên cao gấp 4,2 lần những người không hút thuốc. Nếu hút trên 40 năm thì nguy cơ tăng lên 10 lần.
Rượu có vai trò hòa tan các chất sinh ung thư, nhất là các chất ung thư trong thuốc lá. Ở những người vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu có thể tăng nguy cơ ung thư lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại nguy cơ có thể tăng gấp 15 lần.
Khi được phát hiện sớm, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn thường kết hợp điều trị đa mô thức, phối hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Tỉ lệ sống của người bệnh sau 5 năm điều trị giai đoạn T3, T4 thấp hơn, khoảng 40 - 75%.
Các triệu chứng giai đoạn sớm của ung thư vùng đầu cổ biểu hiện chưa rõ ràng, mơ hồ. Khi khối u lớn triệu chứng lâm sàng rất rõ, tùy thuộc vào giai đoạn vị trí của u mà các triệu chứng khác nhau, có thể gặp là:
- Cảm giác nuốt vướng trong miệng, họng.
- Tăng tiết nước bọt trong miệng.
- Nuốt đau, nuốt vướng.
- Khàn tiếng, nói khó.
- Khạc đờm lẫn máu.
- Nổi hạch vùng cổ.
- Khám bệnh, nội soi: khối u sùi loét dễ chảy máu, hạch vùng cổ.
Bệnh nhân sau điều trị cần theo dõi định kỳ 1 - 3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 3 - 6 tháng/lần trong năm thứ 2, 4 - 8 tháng/lần trong năm thứ 3 - 5. Sau 5 năm, định kỳ 1 lần/năm.
"Quan tâm tới sức khỏe của mình bằng cách sống lành mạnh không rượu bia thuốc lá, đi khám định kỳ 6 - 12 tháng/lần nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời và khỏi bệnh. Khi đã phát hiện bệnh thì phải đi khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Với bệnh ung thư thì khám, phát hiện sớm là yếu tố quan trọng nhất để chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống, ít ảnh hưởng chức năng và chi phí y tế ít nhất.
Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư khoang miệng gồm
1. Hạt cơm màu trắng, thường xuất hiện tại lợi hàm hoặc niêm mạc má, và hầu hết không có triệu chứng.
2. Chấm trắng xuất hiện trên nền niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều.
3. Tổn thương niêm mạc gây ra bởi răng giả hoặc bờ răng sắc nhọn, và không lành sau 2 tuần.
4. Tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc với bờ viền không rõ, không đau và phát triển to ra từ từ.
5. Tổn thương niêm mạc không rõ nguyên nhân, và không lành sau 2 tuần.
6. Tổn thương không lành sau nhổ răng, sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào tổn thương.
7. Một vùng niêm mạc khoang miệng trở nên đỏ và gây đau rát, khó lành.
8. Xuất hiện đau vùng khoang miệng không rõ nguyên nhân, đau ngày càng trầm trọng hơn" - bác sĩ Dũng nói.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, kể từ ngày 20-6-2023, lao động nữ khám sức khỏe định kỳ sẽ được sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.