vĐồng tin tức tài chính 365

Đoàn NHNN tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 56 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

2023-05-09 13:49

Hội nghị Thường niên lần thứ 56 của ADB với chủ đề “Châu Á: Phục hồi, Tái kết nối, và Cải tổ” diễn ra trong bối cảnh triển vọng các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương được cải thiện, sẵn sàng để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tuy nhiên vẫn còn những rủi ro từ những căng thẳng địa chính trị có thể kéo dài hoặc leo thang gây ra các đợt tăng giá hàng hóa mới dẫn đến lạm phát, làm thắt chặt hơn nữa các điều kiện tiền tệ trên toàn cầu.

ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của các nước đang phát triển ở châu Á lên mức 4,8%, tăng so với mức 4,6% được dự báo hồi tháng 12/2022 và cao hơn mức 4,2% của năm 2022, nhờ quá trình mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc giúp thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư. Lạm phát chung của khu vực được dự báo lần lượt ở mức 4,2% và 3,3% trong các năm 2023 và 2024, so với mức 4,4% của năm 2022. Trong khi đó, mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt phần nào tại các nền kinh tế phát triển, nhưng các yêu tố gây áp lực lên giá cả vẫn còn và tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất đang gây ra những bất ổn cho khu vực tài chính - ngân hàng, làm giảm khả năng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế này.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức phát triển đa phương, trong đó có ADB tiếp tục được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn như đại dịch COVID-19, khủng hoảng lương thực và tham gia vào các chương trình đầu tư dài hạn như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng, v.v. Nhằm tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nước thành viên đang phát triển giải quyết các thách thức như nêu trên, ADB đã đề ra 03 nhóm giải pháp chính bao gồm: (i) tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực tài trợ cho các nước thành viên thông qua các hình thức như đồng tài trợ với các đối tác khác, tăng cường hiệu quả của Khuôn khổ quản lý vốn (CAF) và sáng tạo các công cụ tài chính mới; (ii) thực hiện cải tổ toàn diện cơ cấu tổ chức và quản trị nội bộ nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi của ADB theo Chiến lược 2030; (iii) tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội thông qua việc tăng cường sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ công trong khu vực, tăng cường thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương.

Năm 2022, ADB đã cam kết 22,5 tỷ USD thông qua các hình thức tài trợ đa dạng như cho vay, bảo lãnh, góp vốn cổ phần, viện trợ không hoàn lại…, tập trung vào các lĩnh vực tài trợ khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, và hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi sau Covid-19. Tháng 9/2022, ADB đã công bố gói tài chính trị giá 14 tỷ USD nhằm cung cấp các biện pháp (i) hỗ trợ ngắn hạn thông qua Cơ chế hỗ trợ ngược chu kỳ (CSF) cho phép giải ngân nhanh chóng các khoản tài trợ để cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm khẩn cấp cho người nghèo và dễ bị tổn thương và (ii) hỗ trợ dài hạn thông qua các khoản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giúp gia tăng sự linh hoạt và khả năng chống chịu khí hậu, và ứng dụng nhiều hơn các giải pháp tự nhiên và công nghệ kỹ thuật số vào chuỗi cung ứng thực phẩm.

Bên cạnh đó, ADB cam kết sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước trong khu vực giải quyết các thách thức khí hậu bằng việc nâng tổng số cam kết tài trợ cho lĩnh vực này từ mức 80 tỷ lên 100 tỷ đô la cho giai đoạn 2019 – 2030. Đồng thời, ADB đã nghiên cứu và công bố việc triển khai các công cụ tài chính mới như Công cụ Tài trợ Khí hậu cho Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (IF-CAP). Đây là lần đầu tiên một ngân hàng phát triển đa phương cung cấp công cụ bảo lãnh t làm đòn bẩy để gia tăng nguồn vốn tài trợ cho lĩnh vực khí hậu. Cụ thể, ADB kỳ vọng với 3 tỷ bảo lãnh một phần và viện trợ không hoàn lại cho các khoản vay qua kênh chính phủ sẽ giúp huy động được 15 tỷ cho vay. Ngoài ra, ADB cũng triển khai Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) nhằm hỗ trợ các nước thành viên trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất và sử dụng điện than sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Về kinh tế Việt Nam, ADB nhận định kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022 nhờ xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và tiêu dùng trong nước hồi phục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, cũng như tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 6,5% trong năm 2023 trước khi tăng lên mức 6,8% vào năm 2024.

image

Hội nghị Thường niên ADB năm 2023

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã thông báo về các kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội giai đoạn hậu Covid với GDP tăng 8,02%, cao nhất từ năm 2011; nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; kinh tế Việt Nam phục hồi nhờ cầu trong nước mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại được đà tăng trưởng nhờ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Bước sang đầu năm 2023, mặc dù cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ những bất trắc trong kinh tế toàn cầu khi tăng trưởng thế giới chậm lại, cầu sụt giảm, lạm phát vẫn ở mức cao, điều kiện tiền tệ bị thắt chặt, NHNN vẫn nỗ lực điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,3-1%/năm trong tháng 3 và 4/2023 để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng Đại diện Thường trú của ADB tại Việt Nam (VRM) và 30 năm ADB nối lại hoạt động tại Việt Nam. Nhân dịp này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng bày tỏ Việt Nam đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ mà ADB dành cho Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặc biệt với những hỗ trợ cho quá trình phục hồi của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19. Phó Thống đốc đánh giá cao ADB đã xây dựng và ban hành Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2023-2026 với các giải pháp đặc thù nhằm thực hiện các trọng tâm ưu tiên là phát triển nền kinh tế xanh, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ nhu cầu đầu tư của các tỉnh/địa phương và phát triển khu vực tư nhân (KVTN). Trong đó, Hoạt động KVTN như được định hướng tại Chiến lược Đối tác Quốc gia ADB – Việt Nam giai đoạn 2023-2026 cũng là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian gần đây với nhiều khoản tài trợ cho ngân hàng, DNNVV, năng lượng sạch, giao thông xanh, nông nghiệp, nước sạch, chăm sóc sức khỏe...

image

Phó Thống đốc tiếp và làm việc với các Phó Chủ tịch của ADB

Bên cạnh các phiên họp chính thức, đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp với Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực Đông Nam Á - Ông Ahmed M.Saed, Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực tư nhân - Ông Ashok Lavasa, Phó Chủ tịch AIIB phụ trách khu vực tư nhân – Ông Urjit Pavel, một số Lãnh đạo các Vụ chức năng của ADB, Giám đốc Điều hành Nhóm nước đại diện Việt Nam tại ADB. Tại các buổi tiếp và làm việc, ADB và các đối tác chúc mừng Việt Nam trong năm vừa qua đã duy trì được những thành quả phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh, chuyển đối số và phát triển kinh tế tuần hoàn. Lãnh đạo ADB tiếp tục khẳng định Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của ADB với số vốn cam kết lớn và nhiều hoạt động đầu tư, dự án tiềm năng và hiệu quả, do đó, ADB mong muốn phía Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động nhằm khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả hợp tác giữa hai bên.

Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam cũng có các buổi tiếp xúc với một số đối tác tài trợ phát triển nhằm trao đổi về định hướng và cách thức tiếp cận của Việt Nam và kêu gọi các nguồn tài trợ ưu đãi hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về đạt mức phát thải ròng bằng 0, các cam kết trong Khuôn khổ đối tác chuyển đối năng lượng bền vững (JETP), và tăng cường năng lực chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu…. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc đã tham gia chứng kiến và phát biểu tại Lễ ký tiếp nhận khoản đồng viện trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) ủy thác qua ADB cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu” trị giá 7 triệu USD1 cho NHNN nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp thông qua sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech); và nâng cao vai trò của khu vực ngân hàng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thanh Trang (HTQT)

*(1) Trong đó có 2 triệu USD viện trợ từ Quỹ JFPR của Nhật Bản

Xem thêm: 846865VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đoàn NHNN tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 56 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools