Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện, hội đồng xét xử cho biết quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Viết An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục toàn bộ 2.500 tỉ đồng tiền thiệt hại.
Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Alibaba đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An.
Tòa án tạo điều kiện cho người khắc phục thay bị cáo vụ Alibaba
Hội đồng xét xử đã mời ông An đến làm việc và giải thích nếu ông An có thiện chí giúp đỡ và muốn khắc phục hậu quả thay bị cáo Luyện thì tòa sẽ ra thông báo để ông An đến cơ quan thi hành án nộp tiền, tòa sẽ xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử không có quyền công nhận hợp đồng mua bán giữa Luyện và ông An. Đây là quan hệ dân sự, nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án này. Đồng thời, hội đồng xét xử cũng không thể hủy lệnh kê biên. Tuy nhiên đến nay ông An vẫn chưa có động thái nộp tiền.
Hội đồng xét xử hỏi bị cáo Luyện về khả năng ông An nộp tiền khắc phục hậu quả thay mình thì bị cáo Luyện cho biết do đang bị tạm giam, chưa thể liên lạc ông An để trao đổi.
Tòa đề nghị bị cáo thông qua luật sư hoặc vợ (đang tại ngoại) để trao đổi với ông An về việc trên. Hội đồng xét xử cũng cho biết đã có thư mời ông An tham dự phiên tòa với tư cách là người có liên quan đến yêu cầu kháng cáo của bị cáo Luyện nhưng ông An không đến.
"Nếu ông An hoặc bất kỳ cá nhân nào đồng ý khắc phục thay cho bị cáo thì chúng tôi cam kết làm thông báo cho Cục Thi hành án dân sự TP.HCM", chủ tọa nói.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Luyện có trách nhiệm bồi thường 2.500 tỉ đồng, đồng thời kê biên khoảng 5 triệu m2 đất.
Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người khắc phục thay?
Mặc dù được tòa tạo điều kiện để khắc phục hậu quả, tuy nhiên, đặt giả thiết ông An sẽ nộp tiền thay cho vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện thì làm sao thực hiện được cam kết tiếp theo cũng như đảm bảo quyền lợi của ông An là những vấn đề cần được quan tâm.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp ông An và bị cáo Luyện đạt được thỏa thuận, cả hai bên có thể cam kết với nhau bằng hợp đồng.
Sau khi ông An thay Luyện thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và sau đó tài sản bị kê biên để thi hành án được gỡ bỏ lệnh kê biên thì lúc đó bị cáo Luyện và ông An tiến hành mua bán tài sản như mọi giao dịch khác.
Tuy nhiên luật sư cũng cho rằng để đảm bảo quyền lợi của ông An, hội đồng xét xử dù không công nhận việc mua bán tài sản nhưng có thể ghi nhận sự thỏa thuận giữa Luyện và ông An vào bản án để làm cơ sở cho việc thực hiện thỏa thuận đó khi tài sản đã được gỡ lệnh kê biên.
Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn luật sư TP.HCM), việc kê biên tài sản của bị cáo là để đảm bảo trách nhiệm bồi thường của bị cáo đối với các bị hại. Việc một cá nhân bỏ 2.500 tỉ đồng ra khắc phục trước, giúp bị cáo được xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ chứ không được xem là để mua lại tài sản bị kê biên.
"Trường hợp này, ông An và Luyện có thể thỏa thuận dân sự riêng với nhau. Sau khi ông An dùng tiền của mình thay Luyện thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ bồi thường thì các tài sản sẽ được trả lại cho Luyện. Từ đó, Luyện và ông An có thể thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu theo quy định", luật sư Ý nói.
Ngày 9-5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi vụ 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba' do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện.