Sáng ngày 9-5, tại Hà Nội, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS International đã ký vào biên bản ghi nhớ với Bộ NN-PTNT để trở thành thành viên chính thức của Khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam (One Health Partnership - OHP) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Đây cũng là tổ chức phúc lợi động vật đầu tiên tham gia OHP. Cũng trong khuôn khổ của buổi ký kết, một nhóm công tác kỹ thuật trong Khung đối tác về sức khỏe và phúc lợi động vật đồng hành cũng đã được thành lập.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, với tư cách là thành viên chính thức, FOUR PAWS sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp, hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe.
FOUR PAWS ký kết cùng Bộ NN-PTNT để trở thành thành viên chính thức của Khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam. Ảnh: HẠ QUYÊN |
Bao gồm nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai, đặc biệt là các rủi ro đối với chó và mèo như bệnh dại và các bệnh mới xuất hiện. Cùng với đó là vấn nạn buôn bán, nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ chó, mèo ở nơi có mầm bệnh, không an toàn, trái pháp luật sẽ cản trở Việt Nam đạt mục tiêu thanh toán bệnh dại vào năm 2030.
Theo Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả số lượng và tần suất trong vài thập kỷ qua như SARS-COV-1, Cúm gia cầm, Ebola và rất có thể là COVID-19. Điều này cho thấy thế giới cần phải xem xét mối tương quan giữa con người, động vật và môi trường trong việc chăm sóc sức khỏe.
“Dẫu vậy, cần phải coi phúc lợi động vật và con người là một phần trong các nỗ lực ngăn chặn đại dịch tiếp theo, bởi vì đây là tác nhân chính có thể khiến các mầm bệnh mới xuất hiện và lây lan. Đồng thời chúng ta phải hiểu rằng các hoạt động như buôn bán thịt chó và mèo, chăn nuôi công nghiệp và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chính là những điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh mới xuất hiện, và câu hỏi đặt ra chúng ta phải làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng của những hoạt động này trên toàn cầu"- BS Karan Kukreja nhấn mạnh.
OHP bao gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hơn 30 tổ chức Việt Nam và quốc tế, hoạt động với mục tiêu hợp tác chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro của dịch bệnh từ động vật sang người.