Thiếu kiến thức và sử dụng tùy tiện
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết gần 20 năm nay, khi bệnh lý tai biến mạch máu não (thuộc phạm vi chứng trúng phong của y học cổ truyền) có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng các đông dược thành phẩm trở nên hết sức cần thiết.
Nhiều chế phẩm trị liệu trúng phong do các công ty dược phẩm Trung Quốc, Hàn Quốc… sản xuất có nguồn gốc từ các bài thuốc cổ phương đã có mặt trên thị trường đông dược bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó loại thuốc được quảng bá rộng rãi và bán với giá khá đắt là An cung ngưu hoàng hoàn.
Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, vì nhiều lý do khác nhau, việc nắm vững công dụng, chỉ định và cách dùng cụ thể chế phẩm này vẫn còn không ít khiếm khuyết.
Có người cho rằng cứ đột quỵ là dùng An cung ngưu hoàng hoàn, thậm chí có nhiều trình dược viên đã khuyên những người cao tuổi và những bệnh nhân có nguy cơ tai biến mạch máu não nên uống An cung định kỳ như một thứ "thần dược" để dự phòng biến chứng một cách thiếu kiến thức và tùy tiện vì mục đích lợi nhuận.
"Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại An cung khác nhau, nguồn gốc phức tạp, thật giả lẫn lộn và giá cả cũng hết sức đa dạng, thậm chí có nơi bán "chui" với giá đắt. Tình trạng mua phải của "rởm" để rồi lâm vào tình trạng "tiền mất tật mang" không phải là hiếm", ông Toàn nhấn mạnh.
Vậy nên, khi có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng nên mua An cung ngưu hoàng hoàn ở những cơ sở kinh doanh có đủ giấy tờ và tư cách pháp nhân. Trên thực tế hiện nay nhiều loại An cung là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
Dùng như thế nào cho thích hợp?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, phân tích bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn vốn của Ngô Đường (Ngô Cúc Thông) đời nhà Thanh, được in trong cuốn sách Ôn bệnh điều biện, sau này được in trong Trung Dược đại tự điển.
Bài thuốc được tán bột, làm viên hoàn mật, mỗi viên 5g, người lớn ngày uống 2 lần mỗi lần 1 viên, trẻ em tùy theo tuổi, dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc, có công dụng: thanh nhiệt, giải độc, khái khiếu, trấn kinh, an thần.
- Tham khảo thêm
Dùng để điều trị: bệnh nhiệt hãm ở tâm bào lạc (màng tim); bệnh nhân sốt cao, tay chân lạnh, co giật, nói nhảm; trẻ em do sốt cao lên cơn co giật, đông y gọi là cấp kinh phong. Hiện thuốc được chế theo quy mô công nghiệp.
"Hiện nay một số người cao tuổi mua loại thuốc này để phòng khi huyết áp cao xuất huyết não thì uống, nhưng vì thuốc có hạn sử dụng, nhiều người không biết đã để quá hạn, phải bỏ đi lãng phí một số tiền lớn" - ông Hướng cho biết.
Hơn nữa, thực tế không phải cứ tai biến là dùng. Chỉ nên dùng An cung ngưu hoàng hoàn khi có các triệu chứng nói trên. Đối với người xuất huyết não trong trường hợp do gan nóng, hoặc do huyết nhiệt dẫn đến tâm hỏa, cao huyết áp, xuất huyết não dùng có kết quả tốt, còn đối với các trường hợp xuất huyết não do nguyên nhân khác thì dùng không có kết quả.
"Chúng tôi đã hướng dẫn cho 13 bệnh nhân xuất huyết não dùng, theo yêu cầu của gia đình, chỉ có 3 bệnh nhân sống, 2 trường hợp do quá trình uống rượu dẫn đến cao huyết áp, 1 trường hợp do uống rượu say bị tai nạn giao thông hôn mê (không có chấn thương sọ não) sau khi uống 2 ngày bệnh nhân tỉnh lại, còn 10 trường hợp khác không có hiệu quả, hoặc tử vong, hoặc như những bệnh nhân không dùng An cung ngưu hoàng hoàn"- bác sĩ Hướng cho biết thêm.
Người cao tuổi dùng An cung như thế nào cho thích hợp? Bác sĩ Hướng khuyên: người do uống nhiều rượu, gan nóng, người huyết nhiệt, tâm hỏa dẫn đến cao huyết áp thì dùng.
"Theo tài liệu của Trung Quốc, bài thuốc này có thể điều trị một số chứng bệnh khác như: viêm màng não, viêm não B, lỵ nhiễm độc, viêm phổi nhiễm độc, sốt do bại liệt, viêm gan thể độc tính, hôn mê gan của trẻ em. Nhưng chúng tôi chưa có điều kiện dùng cho bệnh nhân trong những trường hợp này" - bác sĩ Hướng nói.
"Như vậy, viên An cung chỉ có một số tác dụng như đã trình bày ở trên, còn xuất huyết não dùng thì chỉ có hai nguyên nhân cụ thể nêu trên. Còn để đề phòng xuất huyết não thì chưa có một công trình khoa học nào tổng kết một cách đầy đủ mà chỉ là lời đồn thổi.
Chúng tôi cũng có gặp một vài giáo sư Trung y Trung Quốc, họ cũng trả lời: "Chưa có kinh nghiệm trong trường hợp này". Tục ngữ có câu "Có bệnh thì vái tứ phương", nhưng phải tìm đúng thầy, đúng thuốc. Xin đừng nghe lời đồn đại mà tiền mất tật mang" - ông Hướng nhấn mạnh.
Câu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ vì mãi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Sau hơn 100 năm tồn tại, lời giải đã được tìm thấy nhờ vào kỳ công của một chàng trai trẻ yêu di sản.
Xem thêm: mth.16371340290503202-gnam-tat-tam-neit-ed-naoh-gnaoh-uugn-gnuc-na-gnud-neit-yut/nv.ertiout