Lời Tòa soạn: Trong bài viết gửi Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm rằng, cải cách thể chế, cải thiện vượt bậc chất lượng môi trường kinh doanh đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ.
“Tôi cảm nhận thấy điều này với tư cách là người đã tham gia xây dựng và thực hiện chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các nhiệm kỳ chính phủ trước đây”, ông Cung viết.
Bài 1: Nền kinh tế cần tăng trưởng
Để đạt mục tiêu tăng trưởng mong muốn khoảng 7% trong giai đoạn 2021 - 2025, thì năm 2024 và 2025, kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng bình quân 9%/năm. Đây là bài toán rất khó tại thời điểm hiện nay, do vậy cần có lời giải đột phá.
Khó khăn đổ dồn
Nền kinh tế nước ta vừa chịu tác động liên tục bởi 2 cú sốc. Đó là cú sốc đại dịch Covid-19 và cú sốc sụt giảm nhanh cầu nhập khẩu và lạm phát từ bên ngoài, nhất là từ các bạn hàng thương mại chủ yếu. Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau cú sốc thứ nhất, lại chịu ngay tác động bất lợi từ cú sốc thứ hai.
Có thể thấy rõ, nền kinh tế vừa mới phục hồi được trong 3 quý đầu năm 2022, thì đã suy giảm một cách nhanh chóng. Quý III/2022, kinh tế tăng trưởng gần 14%, ngay sau đó, quý IV/2022 đã giảm còn 5,9% và quý I/2023 giảm xuống còn 3,32%.
Các động lực tăng trưởng chủ yếu như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tác, chế tạo đều suy giảm, khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại thêm là, kinh tế TP.HCM chỉ tăng 0,7% - mức tăng thấp nhất, trừ thời kỳ đại dịch. Vai trò đầu tàu của kinh tế TP.HCM ngày càng giảm.
Tình hình doanh nghiệp quý I/2023 cũng biến động bất thường. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục, khoảng 100.000 đơn vị, cao hơn số gia nhập thị trường. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra ở nước ta (tính theo quý). Tâm trạng kinh doanh khá bất an.
Đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần đầu tiên giảm cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký mới, trong đó vốn đăng ký mới giảm gần 40% - mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được cải thiện so với trước, dù Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục chỉ đạo, kiểm tra và đốc thúc các ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5% mà Quốc hội đã thông qua, trong 3 quý còn lại, tăng trưởng hàng quý trung bình phải đạt ít nhất 7,56%. Đây là tốc độ tăng trưởng chưa bao giờ đạt được kể từ năm 2011 đến nay. Ngay cả thời kỳ thuận cả trong và ngoài như giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với yêu cầu nói trên.
Vì vậy, nhiệm vụ còn lại của 3 quý trong năm 2023 là rất nặng nề.
Ở góc độ tăng trưởng, nhìn trong giai đoạn gần 30 năm qua, kinh tế nước ta đang suy giảm nhanh chóng. Cứ 10 năm, tăng trưởng GDP trung bình giảm hơn 0,5 điểm phần trăm (xem bảng 1). Nếu muốn đạt mục tiêu mong muốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 7%/năm mà Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đặt ra, thì năm 2024 và 2025 phải đạt mức tăng trưởng trung bình 9%/năm...
Đó là nhiệm vụ rất khó đạt được tại thời điểm hiện nay. Vấn đề là, nếu thời gian tăng trưởng cao là quá ngắn, thì nền kinh tế không hội tụ đủ sức mạnh để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Soi xét chất lượng môi trường kinh doanh
Kinh nghiệm quốc tế và diễn biến thực tế ở nước ta trong mấy thập kỷ qua cho thấy, trong thời điểm khó khăn như trên, cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh là nhân tố cần thiết, không thể thiếu.
Hiện tại cũng là thời điểm như vậy. Nền kinh tế cần phục hồi kinh tế sau đại dịch, đồng thời cần tạo dựng những động lực tăng trưởng mới để bù đắp sự suy giảm liên tục của các động lực tăng trưởng truyền thống và chống chọi với những yếu tố bất lợi từ bên ngoài vốn rất phức tạp.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại chứng kiến hàng loạt sự việc và hiện tượng làm xấu đi chất lượng môi trường kinh doanh.
Đó là, các văn bản pháp luật đang soạn thảo hoặc ban hành trong mấy năm gần đây đã phục hồi lại không ít rào cản đã bãi bỏ trước đây, hoặc dễ dàng đặt ra các quy định tạo rào cản mới theo hướng gây thêm khó khăn và tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thái độ đồng hành, chia sẻ, cảm thông đối với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp giảm dần, thay vào đó là thái độ thờ ơ, bàng quan. Cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm việc thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý...
Thực tế nói trên đang làm giảm dần niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách, luật pháp và hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Hậu quả là, các doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng quy mô, ngành nghề kinh doanh. Tỷ lệ số doanh nghiệp (trong nước và FDI) có kế hoạch đầu tư mở rộng trong 2 năm tới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014 (xem bảng 2).
Ba năm qua, nền kinh tế đã chứng kiến hàng loạt sự việc xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Có thể thấy rõ thực trạng này thông qua sự sụt giảm nhanh và mạnh nhất thế giới của thị trường chứng khoán; sự đứt gãy và mất thanh khoản nghiêm trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sự đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có của thị trường xăng dầu; cuộc khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới…
Đặc biệt, khủng hoảng kéo dài về cung cấp thiết bị và vật tư y tế đã làm giảm sút nghiêm trọng số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người dân, khiến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bệnh nhân không được cứu chữa đúng mức và kịp thời.
Đáng nói hơn là cách ứng xử và xử lý vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Tình trạng không phối hợp với nhau, mà đổ lỗi cho nhau; không cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm, mà chuyển trách nhiệm cho người khác, cơ quan khác diễn ra khá phổ biến. Các cơ quan nhà nước bàng quan, hoặc phản ứng rất chậm trễ trước những quy định pháp luật quá bất hợp lý, không thế áp dụng trong nhiều công việc quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Hệ quả là, không có quyết định, giải pháp phù hợp được đưa ra để giải quyết vấn đề, khiến các tồn tại nói trên tiếp tục kéo dài. Do đó, tăng trưởng kinh tế suy giảm và hiện ở mức thấp hơn nhiều so với trước đại dịch; tốc độ tăng trưởng thực tế càng thấp xa so với mục tiêu chiến lược.
Để lấy lại tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, những khó khăn, tồn tại trong cải cách nói trên cần phải được đảo ngược một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt.
(Còn tiếp)