Tiền trả ngân hàng tăng hằng tháng
Chị Ngọc Lê (quận 6, TPHCM) cho biết: chị vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng (NH) TNHH một thành viên Public Việt Nam. Tháng 3/2023, tổng số tiền mà chị phải trả cho NH này là 6,89 triệu đồng nhưng tháng tiếp đó, số tiền tăng lên hơn 7,5 triệu đồng và đến tháng Năm, chị phải đóng 7,83 triệu đồng. “Tôi coi lại, mới biết mức lãi suất (LS) liên tục tăng, từ 10,5%/năm lên 11,2%/năm” - chị Lê nói.
Chị Hồng Thanh (quận Gò Vấp, TPHCM) vay 1 tỉ đồng tại NH thương mại cổ phần Quân Đội (MB Bank). Tháng 10/2022, LS khoản vay là 8,5%/năm nhưng sau đó liên tục tăng. Chị phải trả tiền gốc và lãi tháng 3/2023 là 10,51 triệu đồng, tháng tiếp theo hơn 12 triệu đồng. Liên hệ MB Bank, chị mới biết sau tháng 10/2022, LS khoản vay của chị đã được thả nổi theo biên độ 3,5%/năm. Vào tháng 1 và 4/2023, LS vay tiếp tục tăng lần lượt là 13,6% và 13,9%/năm.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: Thanh Hoa |
Anh Nguyễn Hoài (quận Bình Tân, TPHCM) vay 411 triệu đồng tại NH thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) để mua xe. Anh đã thanh toán tiền gốc và lãi trong 1 năm qua. Anh nghĩ, số tiền thanh toán phải giảm theo mức dư nợ giảm dần nhưng thực tế, số tiền phải đóng hằng tháng chỉ tăng, không giảm. Cụ thể, tháng 7/2022, số tiền phải thanh toán là 12,94 triệu đồng, tháng 8/2022 hơn 13 triệu đồng. Tháng 5/2023, anh phải thanh toán 13,77 triệu đồng. Theo giải thích của NH, LS khoản vay đã tăng từ 12,5%/năm lên 14,5%/năm.
Vì sao lãi vay chưa giảm?
Chuyên gia kinh tế tài chính, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, LS cho vay chưa giảm là do nhiều yếu tố. Một là do LS huy động chỉ mới giảm từ tháng 12/2022 đến nay còn trước đó, trong tháng 9 - 10/2022, LS huy động là 10 - 11%/năm, kỳ hạn ít nhất từ 6-12 tháng nên các NH vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền rất lớn đã huy động. Hai là do vấn đề cung cầu. Nhu cầu vay đang rất lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Hiện các NH đã được cấp chỉ tiêu cho vay mới nhưng phải rải đều ra cả năm nên phải cân đối LS để điều tiết số tiền phát vay. Ba là do hiện nay, khả năng rủi ro, mất vốn cao hơn giai đoạn kinh tế an toàn trước đây nên các NH phải tăng LS cho vay để bù đắp rủi ro. Bốn là các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu cho vay, dòng tiền thu về chậm khiến các NH gặp áp lực về thanh khoản. Theo ông, phải hết quý II/2023, LS cho vay mới có thể giảm.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM - thông tin thêm, trong năm 2022, một số NH kinh doanh trái phiếu với số lượng lớn nên hiện giờ gặp khó khăn về thanh khoản, chi phí vốn vay cao nên chi phí cho vay phải cao. LS huy động của các NH này có giảm nhưng không thể giảm nhanh bằng các NH khác. Bên cạnh đó, LS của một số NH có xu hướng tăng còn do tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) liên tục sụt giảm, có NH giảm từ mức 50% trong năm 2021 xuống còn 30% trong năm 2022, trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn này tạo ra nguồn vốn giá rẻ, giúp giảm chi phí cho NH. Ngoài các yếu tố khách quan kể trên, việc không giảm LS còn do yếu tố chủ quan của một số NH, chẳng hạn muốn tăng lợi nhuận.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cho biết, hiện vẫn có tình trạng LS huy động ngầm cao hơn LS niêm yết thực tế. Đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến LS cho vay chưa giảm. Cách đây 10 năm, NH Nhà nước đưa ra mức trần LS huy động nhưng hiện không đưa ra nữa mà yêu cầu Hiệp hội NH Việt Nam kêu gọi các NH thành viên đồng thuận hạ LS huy động. Các NH nhỏ đang khó khăn về thanh khoản phải đồng thuận giảm trên danh nghĩa nhưng sau đó vẫn chi lãi ngoài, dẫn đến chi phí huy động cao và LS cho vay vẫn cao. Theo ông, trong thời gian tới, LS cho vay chắc chắn sẽ giảm nhưng không thể giảm theo kiểu huy động giảm bao nhiêu thì LS vay giảm bấy nhiêu mà có thể giảm từ 0,3 - 0,5%/năm.
Theo giám đốc một chi nhánh NH thương mại, việc LS cho vay không giảm, có hiện tượng LS huy động ngầm cao hơn thực tế là do cơ chế quản lý nhà nước, cụ thể là cách phân bổ hạn mức tín dụng (room) của NH Nhà nước. Dù mới bước sang tháng 5/2023 nhưng một số NH đã hết hạn mức tín dụng được cấp trong 6 tháng đầu năm. Với hạn mức tín dụng hạn hẹp, nhu cầu vay vốn lại cao, NH buộc phải lựa chọn khách vay. Khách nào chấp nhận LS cao mới được cho vay.
Tốc độ giảm lãi suất khá tích cực Giảm LS là một trong những chính sách rất quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Trong hội nghị ngày 25/4 triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ, NH Nhà nước đã nhắc nhở các NH còn cho vay với LS cao điều chỉnh để có mặt bằng LS thống nhất. Hiện LS huy động chung của nền kinh tế giảm khoảng 1 - 1,2%, còn mức giảm LS cho vay chung của các NH trong cả hệ thống là khoảng 0,5 - 0,65%. Mức giảm ở các NH thương mại nhà nước tích cực hơn: LS huy động giảm từ 1 - 1,5%, LS cho vay giảm từ 1,5 - 2%; với những khoản tiền gửi mới và những khoản cho vay mới thì LS tiền gửi bình quân là 6,0 - 6,1%/năm (cộng tất cả kỳ hạn lại, chia bình quân), LS cho vay khoảng 9 - 9,2%/năm. Những con số này cho thấy tốc độ giảm LS khá tích cực trong thời gian vừa qua. Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.0331941a-gnat-nav-yav-ohc-taus-ial-maig-gnod-yuh-taus-ial/nv.moc.enilnounuhp.www