Nhiều người lo lắng, bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng không nhận được nhà/đất, muốn nhận lại tiền cũng không được. Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm…
Bên cạnh đó, người dân bất an trước các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia... thông qua gọi điện, nhắn tin hay các hình thức cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.
“Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ. Đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân” - báo cáo nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp đang bị bào mòn, cần có chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn |
Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng đề nghị nghiên cứu kỹ ý kiến đóng góp vào với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo kiến nghị tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi Quốc hội lần này cần dành dung lượng phù hợp cho nội dung thúc đẩy triển khai lập, phê duyệt các quy hoạch. Ông dẫn chứng, các nghị quyết của Quốc hội quy hoạch ngành than vẫn được triển khai cho đến khi có quy hoạch mới. Tuy nhiên, do quy hoạch năng lượng chưa được phê duyệt, quy hoạch điện VIII chưa hoàn thiện, gây nhiều vướng mắc cho việc triển khai phát triển ngành than.
Bên cạnh đó, về việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, ông cho biết, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị bào mòn sau đại dịch COVID-19 nên rất cần các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.
Ông cũng đề xuất kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.
Minh Quang