Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải (KDVT), xe KDVT và xe cá nhân. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số kilomet sử dụng để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng xe như hiện nay.
Đề xuất phù hợp
Anh Nguyễn Quang Tuấn, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho rằng việc dựa vào thời gian để đưa ra chu kỳ kiểm định như hiện nay chỉ mang tính tương đối. Bởi có xe cá nhân di chuyển nhiều nhưng có xe di chuyển ít và về nguyên tắc xe chạy càng nhiều độ hao mòn càng lớn, vì vậy tính theo kilomet là hợp lý và công bằng nhất. “Chẳng hạn như xe tôi, mỗi năm chỉ di chuyển 8.000 km, trong khi xe của em trai tôi di chuyển tới 20.000 km nhưng thời gian đăng kiểm lại như nhau. Vì vậy tôi ủng hộ việc tính chu kỳ theo số kilomet…” - anh Tuấn nói.
Theo quy định hiện hành, ô tô được kiểm định theo thời gian sử dụng. Ảnh: V.LONG |
Tương tự, anh Phan Văn Tuyến, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội, khẳng định cá nhân rất ủng hộ việc tính chu kỳ đăng kiểm theo kilomet. Tuy nhiên, anh băn khoăn về tính khả thi của nó, bởi xe ít di chuyển cũng có thể hư hại theo thời gian, chẳng hạn như lốp, dầu… Cạnh đó, lực lượng chức năng khó kiểm soát trường hợp xe bị hỏng đồng hồ; rắc rối trong việc kiểm tra xe khi đang lưu thông trên đường. “Cũng vì nhiều lý do như vậy nên các nước trên thế giới đều tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian sử dụng…” - anh Tuyến cho hay.
Còn anh Trần Tuấn, ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho rằng phương án tốt nhất là Bộ GTVT nên nghiên cứu cả tiêu chí về kilomet lẫn thời gian, điều kiện nào đến trước thì xe sẽ phải đi đăng kiểm. “Cách làm này giống như các hãng sản xuất xe đang áp dụng bảo hành cho khách hàng. Ví dụ, ô tô dưới chín chỗ có thời gian đăng kiểm lần đầu là ba năm hoặc 40.000 km…” - anh Tuấn góp ý.
Bộ GTVT cho biết hiện đơn vị đang chỉ đạo Cục Đăng kiểm lấy ý kiến chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm xe, theo thời gian hay kilomet.
Liệu có khả thi?
Theo một chuyên gia giao thông, Thông tư 2/2023 quy định chu kỳ kiểm định của xe được tính theo tháng. Trong đó, xe KDVT có chu kỳ kiểm định ngắn hơn xe gia đình. Việc Bộ GTVT sửa đổi như trên là hoàn toàn hợp lý, vì thực tế xe gia đình dưới chín chỗ mỗi ngày chạy trung bình chỉ khoảng 50 km, tức mỗi tháng đi 4.500 km, trong khi đó xe KDVT di chuyển trung bình mỗi tháng 30.000 km. Như vậy, rõ ràng là thời gian hoạt động của xe KDVT gấp nhiều lần so với xe gia đình.
Thêm vào đó, xe gia đình được chủ xe quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng... tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất là rất cao, khoảng 95%. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng chu kỳ kiểm định xe nghiên cứu theo kilomet thiếu tính khả thi, bởi khó kiểm soát được quãng đường thực mà xe đã chạy. Cạnh đó, chủ xe hoàn toàn có thể can thiệp để “tua” ngược kilomet nhằm giảm số lần đi kiểm định.
“Thực tế, xe nếu sử dụng thường xuyên và được bảo dưỡng định kỳ mới an toàn, nếu nằm kho cả năm không đi thì một số tính năng, kỹ thuật cũng tự suy giảm, hao mòn…” - vị chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian giúp lực lượng chức năng dễ kiểm soát hơn nhờ vào tem kiểm định. Còn tính theo kilomet, đăng kiểm viên phải kiểm tra đồng hồ xem đã đến thời gian kiểm định chưa, CSGT cũng khó kiểm soát nhưng rõ ràng theo kilomet sẽ chuẩn xác hơn. Vì vậy lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu là hợp lý.
Về cách để chủ xe không thể can thiệp vào kilomet đã vận hành, ông Thanh cho rằng có thể niêm phong đồng hồ, nếu chủ xe điều chỉnh sẽ bị xử phạt. “Tóm lại, Bộ GTVT phải nghiên cứu cách làm sao kiểm soát được các vấn đề nêu trên để việc áp dụng có tính khả thi cao” - ông Thanh nói.•
Hai phương án giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe cá nhân
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện đơn vị đang nghiên cứu hai phương án tra cứu trực tuyến xe và nhận giấy xác nhận giãn chu kỳ đăng kiểm.
Cách thứ nhất, chủ xe vào địa chỉ web hoặc app đăng kiểm để tra cứu thông tin trực tuyến. Tại đây, người dùng kê khai đúng biển số xe, số giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, số khung, số máy... Sau khi điền đầy đủ thông tin, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định ghi nhận thời gian đã gia hạn của xe. Chủ xe cần tải giấy này, in ra và mang cùng với giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp trước đó khi tham gia giao thông.
Cách thứ hai, chủ xe vào app TTDK - hệ thống đặt lịch hẹn đăng kiểm đã có. Sau khi đăng ký tài khoản với các dữ liệu của xe thì sẽ nhận được giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định của xe nếu trong diện được giãn chu kỳ kiểm định.
Các giấy chứng nhận đều có mã QR, CSGT có thể quét mã để xác thực thông tin xe.
Cục Đăng kiểm cho biết dự kiến công tác trên sẽ được hoàn thành trong tháng 5.