Trải qua nhiều công việc như giáo viên dạy nhạc, dạy piano, đàn ukulele và hiện là tham vấn tâm lý tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Đinh Huỳnh Đức (24 tuổi) nhận thấy việc dùng âm nhạc trị liệu tâm lý rất hiệu quả, đặc biệt là chữa lành vết thương tinh thần cho sinh viên.
Câu lạc bộ mang âm nhạc để chữa lành
Năm 2021, dựa trên cơ sở những bài nghiên cứu khoa học của mình, Đức quyết định thành lập nhóm Hỗ trợ tâm lý đồng đẳng Thanh âm với vài thành viên. Đến nay nhóm đã phát triển thành Câu lạc bộ (CLB) Thanh âm với 29 thành viên, tiếp tục mang âm nhạc để giúp đỡ các bạn sinh viên gặp khó khăn về mặt tinh thần.
Đinh Huỳnh Đức (giữa) giao lưu tại đêm nhạc chữa lành cho sinh viên tại Ký túc xá khu B |
“Việc dự phòng và giáo dục tâm lý cho sinh viên rất quan trọng, khi các bạn có được kiến thức nền về tự chữa lành, về các bệnh lý thường gặp trong cuộc sống thì dễ dàng đối phó khi bản thân gặp phải” - Đức nói và cho biết sắp tới CLB sẽ tổ chức một talkshow về chủ đề trầm cảm, lo âu đều được chữa lành.
Đối với các đêm nhạc mà CLB tổ chức, Đức sẽ cố gắng chọn những thể loại nhạc, bài hát có thể chạm đến cảm xúc, có ý nghĩa nâng cao giá trị nhận thức. Tiêu chí mỗi đêm nhạc được tổ chức không chỉ mang tính giải trí mà còn mang giá trị chữa lành, qua mỗi bài hát sẽ truyền tải những thông điệp tích cực.
“Mô hình hỗ trợ tâm lý đồng đẳng cho sinh viên trầm cảm bằng liệu pháp âm nhạc” của nhóm Đinh Huỳnh Đức đã đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2021-2022 và giải khuyến khích, giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục ĐH năm 2022.
Đức cho biết mô hình dùng âm nhạc chữa lành tâm lý ban đầu còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người đón nhận. Bên cạnh đó, vấn đề tìm cách truyền tải những giá trị thông qua công tác tổ chức, cách vận hành của nhóm thời gian đầu rất khó khăn, vất vả.
“Có những giai đoạn mình nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng vì quá đam mê cộng với sự nhiệt huyết của đồng đội khiến mình phải tiếp tục cố gắng và nỗ lực. Khi giúp đỡ được nhiều người, đặc biệt khi nhận được những phản hồi tích cực từ những bạn đã trải nghiệm thì mình càng có động lực tiếp tục phấn đấu” - Đức bộc bạch.
Hiện tại, Đức cùng với một số chuyên gia đang xây dựng kế hoạch thành lập Hội Âm nhạc trị liệu Việt Nam, với mong muốn phát triển mô hình này rộng hơn nữa.
Là thành viên của CLB Thanh âm, Nguyễn Thị Trang Nhung (khoa Giáo dục Trường ĐH KHXH&NV ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết nhờ người quen giới thiệu nên Nhung đã đăng ký tham gia CLB. Theo Nhung, CLB là môi trường thích hợp để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về tâm lý học đường cho công việc sau này.
“CLB cho mình một cảm giác thoải mái, gần gũi và ấm áp, đúng nghĩa của một gia đình. Mình mới tham gia được một thời gian nên chưa có nhiều hoạt động với CLB. Hy vọng sắp tới đây, CLB Thanh âm sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa” - Nhung chia sẻ.
Còn trẻ, còn khỏe là còn cống hiến
Có cơ hội được đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động xã hội đối với chàng trai 24 tuổi những trải nghiệm sống là tài sản quý báu nhất.
Đức kể một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khoảng thời gian tham gia chống dịch, lúc đó Đức là đội trưởng đội chống dịch của phường 24, quận Bình Thạnh. Đến khi dịch ở TP.HCM lắng xuống, Đức tiếp tục về Sóc Trăng để hỗ trợ bà con dưới đó.
“Mỗi ngày, mình đến hỗ trợ cho các F0, tiêm vaccine, test COVID-19, đi phát cháo… Mình cảm nhận ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, do đó mình rất muốn khi còn trẻ, còn khỏe có thể góp sức để giúp đỡ và hỗ trợ được nhiều người hơn nữa” - Đức kể lại.
Mới đây, Đức cùng với CLB Thanh âm đã tổ chức giao lưu âm nhạc cho các bạn ở Mái ấm Nhật Hồng, TP Thủ Đức. Đối với bé khiếm thị không nhìn thấy được, Đức mong muốn thông qua âm nhạc có thể gắn kết, giao lưu cùng các bé, để các bé có thể cảm nhận cuộc sống đầy màu sắc thông qua âm nhạc.
“Khi tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng giúp mình thấy cuộc sống tích cực hơn. Mình nghĩ các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động, mở rộng quan hệ xung quanh, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đó cũng là một cách để cải thiện sức khỏe tinh thần” - Đức bày tỏ.
Tìm lại năng lượng và động lực để phấn đấu
Đến bây giờ khi nhắc lại, LKN - một trong những sinh viên được Đức hỗ trợ tâm lý miễn phí, vẫn không khỏi cảm động và biết ơn khi được Đức giúp đỡ kịp thời.
“Khoảng thời gian mình cảm thấy tồi tệ nhất là khi vừa phải cách ly COVID-19, áp lực việc học và bất đồng với gia đình, mình đã rơi vào trầm cảm. Lúc đó mình không đủ kinh phí để tìm đến các chuyên gia nhưng sau khi biết đến anh Đức, nhờ những chia sẻ và những lắng nghe của anh ấy đã giúp mình giải tỏa phiền muộn, cũng như tìm lại được năng lượng và động lực để phấn đấu. Nếu không có anh Đức giúp đỡ thì mình cũng không thể vượt qua và tốt nghiệp đúng thời hạn” - N chia sẻ.