Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải bài phân tích của TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) về vụ án cô giáo Lê Thị Dung bị phạt năm năm tù, nhìn từ Quy chế chi tiêu nội bộ. Bài viết dưới đây góp thêm một góc nhìn về quy chế khiến bị cáo Dung vướng vòng lao lý này.
Hai khoản chi có tính chất khác nhau, không trùng lặp
Theo bản án sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhận định bị cáo Dung xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc của bí thư chi bộ trong Quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thêm một lần nữa là vi phạm điểm đ khoản 2 mục VII Thông tư 71/2006 của Bộ Tài chính.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - nơi bị cáo Lê Thị Dung từng làm giám đốc. Ảnh: ĐẮC LAM |
Giải thích cho nhận định này, tòa cấp sơ thẩm cho rằng nội dung chi cho bí thư chi bộ đã được điều chỉnh trong Quy định 169-QĐ/TW ngày 24-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp. Do đó, Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên lại “Quy định tính giờ quy đổi cho một số công việc của giáo viên như: Đối với bí thư chi bộ là ba tiết/tuần…” là thanh toán trùng (bà Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy bằng 0,3 lần mức lương cơ sở mà còn tính mức ba tiết/tuần để thanh toán). Việc chi một nội dung hai lần như vậy là vi phạm các căn cứ pháp luật tại điểm đ khoản 2 mục VII Thông tư 71/2006.
Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý hai khoản chi nói trên là khác nhau, một bên là phụ cấp cấp ủy (phụ cấp trách nhiệm) hưởng theo Quy định 169-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, một bên là định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh bí thư chi bộ. Do đó, không thể coi đây là hai khoản chi trùng nhau vì tính chất, đối tượng, mức chi là không trùng lặp nhau.
Bên cạnh đó, điểm đ khoản 2 mục VII Thông tư 71/2006 quy định rất rõ: “Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị, trong phạm vi xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành thì thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị”.
Tại thời điểm ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên thì các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước không quy định về vấn đề định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh bí thư chi bộ. Do đó, việc Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên quy định chi cho tính giờ quy đổi cho một số công việc giảng dạy của bí thư chi bộ là không trái với bất kỳ quy định pháp luật nào.
Trường hợp này, không thể lấy Quy định 169-QĐ/TW để làm cơ sở đánh giá bởi Quy định 169-QĐ/TW không phải là văn bản quy phạm pháp luật, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng không phải là “cơ quan nhà nước” được nhắc tới tại điểm đ khoản 2 mục VII Thông tư 71/2006.
Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa “cơ quan nhà nước” với “cơ quan Đảng”. Ban Bí thư Trung ương Đảng là cơ quan Đảng, không phải là cơ quan nhà nước nên nếu những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị nào mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa quy định thì thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị.
Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư 28/2009 của Bộ GD&ĐT chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục phổ thông chứ không áp dụng cho trung tâm GDTX.
Thông tư 28/2009 không áp dụng với trung tâm GDTX
Tiếp đó, tòa sơ thẩm cũng cho rằng một số nội dung trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên không tuân thủ Thông tư 28/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành về việc “Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy”.
Việc nhận định như vậy cũng có phần khiên cưỡng bởi phạm vi và đối tượng điều chỉnh của thông tư này chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục phổ thông chứ không áp dụng cho trung tâm GDTX. Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên hoạt động theo Quyết định 01/2007, tuy thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhưng không phải là cơ sở giáo dục phổ thông, điều này được minh định trong Luật Giáo dục 2005.
Cụ thể, Điều 46 Luật Giáo dục 2005 quy định cơ sở GDTX bao gồm trung tâm GDTX được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện; trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Trong khi đó, tại Điều 30 Luật Giáo dục 2005 lại quy định cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Do hai cơ sở pháp lý khác nhau nên không thể cho rằng trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều này cũng được tái khẳng định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2009: “Văn bản này áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường lớp dành cho người khuyết tật”.
Do không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư 28/2009 nên khi ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, bà Dung không căn cứ vào thông tư này là có cơ sở.
Tòa: Trung tâm GDTX phải áp dụng Thông tư 28/2009
Theo bản án sơ thẩm ngày 24-4-2023 của TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), trong các năm 2012, 2014, 2015 và 2016, với tư cách là chủ tài khoản, bị cáo Lê Thị Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán hai lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh. Cụ thể, bà Dung có hai hành vi vi phạm trong năm học 2011-2012 và năm học 2013-2014 với số tiền 44,7 triệu đồng.
Ngoài ra, theo HĐXX sơ thẩm, Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên là cơ sở giáo dục phổ thông theo Quyết định 01/2007 thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2005 nên trung tâm GDTX thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 28/2009. Do đó, Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên phải áp dụng Thông tư 28/2009 để quy định chế độ làm việc đối với giáo viên trong trung tâm.