Tại phiên họp sáng 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.
5 năm giảm hơn 79.000 biên chế
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định trong năm 2022, việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các nghị quyết của Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ.
Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cả nước cũng đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Trong đó, ở bộ, ngành trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương.
Liên quan đến tinh giản biên chế, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỉ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021). Cụ thể, các bộ, ngành giảm 5.510 người và địa phương giảm 73.547 người.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức. Theo đó, từ năm 2020 đến tháng 6-2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu cải thiện môi trường làm việc; có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc.
Dù vậy, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao.
Trong năm 2022, xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để… theo báo cáo của Chính phủ.
Xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử
Thẩm tra nội dung này, cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lưu ý, năm 2022 chưa hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt đề án về vị trí việc làm; trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
Vi phạm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.
Thêm nữa, qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021) đã phát hiện, xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021).
Tại nhiều cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, và trách nhiệm giải trình; đã phát hiện, xử lý 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm về công khai, minh bạch…
Tình trạng công chức, viên chức, nhất là viên chức có trình độ chuyên môn cao trong ngành y tế chuyển việc, thôi việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng trên.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ nghị quyết 27 của trung ương quy định nguồn vượt thu từ ngân sách trung ương phải trích 40% dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương phải dành 70% làm quỹ lương.