Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB.
Trọng tâm của sự tăng trưởng bền bỉ và năng động của ASEAN là phát triển hạ tầng có chất lượng, từ đó tạo nền móng cho phát triển kinh tế. Kết cấu hạ tầng là nền tảng cho tất cả các khía cạnh quan trọng của hoạt động kinh tế và có vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng kinh tế và xã hội.
Nhu cầu tài chính cho hạ tầng là rất lớn và vượt xa khả năng đáp ứng của các chính phủ. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á sẽ cần 13.800 tỷ USD đầu tư hạ tầng từ năm 2023 đến năm 2030. Với nhiều công trình quan trọng cần thiết cho giai đoạn sau đại dịch, nhu cầu về hạ tầng sẽ tiếp tục tăng.
Thu hẹp khoảng cách về hạ tầng là rất quan trọng để cải thiện khả năng kết nối, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh và hoàn thành các cam kết nhằm đưa khu vực tiến tới đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Điều này đúng với các nền kinh tế và được các nước ASEAN+3 (ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) nhận thức rõ ràng.
Hiện có hơn 200.000 tỷ USD vốn tư nhân đầu tư vào các thị trường vốn toàn cầu. Việc tiếp cận nguồn vốn này sẽ là chìa khóa để giải quyết các nhu cầu tài chính cho các hạ tầng quan trọng của ASEAN. Để khai mở sự hỗ trợ này, chính phủ các nước ASEAN cần nâng cao sức hấp dẫn của khu vực như một điểm đến cho đầu tư hạ tầng.
Để bắt đầu, các chính phủ nên củng cố niềm tin của nhà đầu tư bằng cách chứng tỏ rằng khung pháp lý, quy định và thể chế của họ là mạnh mẽ và nhất quán. Các chính phủ cũng cần bảo đảm rằng, năng lực chuẩn bị, thiết kế và thực hiện các dự án hạ tầng của họ đã được xây dựng thỏa đáng, môi trường đầu tư thuận lợi và có khả năng mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Điều quan trọng là các nền nước ASEAN+3 đang bắt đầu áp dụng những cơ chế sáng tạo để giảm thiểu rủi ro tài chính cho dự án và mở rộng nguồn vốn đầu tư. Một trong những sáng tạo này là việc sử dụng nguồn tài trợ hỗn hợp để giảm rủi ro và nâng cao khả năng được tài trợ của các dự án vốn không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại.
Cơ chế Chuyển dịch năng lượng được thiết lập gần đây của ADB sẽ tận dụng nguồn vốn chi phí thấp từ các nguồn tài trợ ưu đãi, nguồn vốn nhà nước và tư nhân khác nhau để khuyến khích việc dừng hoạt động sớm hoặc chuyển đổi hoạt động của các nhà máy điện than. Đây sẽ là một bước quan trọng để giúp khu vực đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Tương tự, Quỹ Tài trợ xanh xúc tác ASEAN đặt mục tiêu giảm thiểu rủi ro và tăng cường tín dụng cho các dự án hạ tầng xanh. Quỹ này đã thu hút được 2 tỷ USD đồng tài trợ từ các đối tác phát triển để hỗ trợ các dự án mới khả thi về tài chính và bền vững về môi trường.
Các nước ASEAN+3 cũng đang thúc đẩy những phương thức sáng tạo như sử dụng bảo hiểm rủi ro thiên tai để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu. Quỹ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tài trợ rủi ro thiên tai cho các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, việc ra mắt các trái phiếu xã hội theo Tiêu chuẩn Trái phiếu xã hội ASEAN đã huy động được nguồn vốn tư nhân rất cần thiết để giúp đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, tạo việc làm và phát triển kinh tế của các cộng đồng địa phương trong khu vực.
Là một đối tác phát triển tin cậy của các nền kinh tế ASEAN+3 trong gần 6 thập kỷ qua, ADB đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào hạ tầng xã hội có chất lượng, phát huy các công nghệ kỹ thuật số và sáng tạo, đồng thời hợp tác với các thành viên ASEAN+3 với mục tiêu chung là thu hút vốn đầu tư cho một tương lai không phát thải ròng, bền vững và thích ứng.
Đưa ra lộ trình cho sự thành công trong tương lai, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng ASEAN+3 đã đồng công bố một báo cáo với ADB về các giải pháp tài trợ sáng tạo cho đầu tư hạ tầng trong khu vực ASEAN+3.
Báo cáo nêu ra quan điểm riêng của ASEAN+3 về những ưu tiên, thách thức và cơ hội đối với đầu tư hạ tầng ở châu Á. Báo cáo cũng trình bày các mô hình tài trợ đáp ứng mục tiêu và những yếu tố thành công then chốt từ các nghiên cứu điển hình, cung cấp những giải pháp có thể nhân rộng để giúp tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong khu vực.
Xây dựng hạ tầng thích ứng và bền vững cho tương lai là rất quan trọng. Đã đến lúc phải hành động và cùng nhau củng cố mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với khu vực tư nhân để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho con em chúng ta và các thế hệ mai sau.