vĐồng tin tức tài chính 365

Phát triển tam nông ở TP HCM (*): Hướng đến nông nghiệp đô thị

2023-05-12 04:44

Tại Festival Hoa lan TP HCM lần 2-2023 vừa diễn ra ở Công viên Tao Đàn (quận 1) dịp lễ vừa qua, khoảng 100.000 lượt khách tham quan đã mãn nhãn với "rừng hoa" hơn 29.000 sản phẩm các loại. Đặc biệt là hơn 91% hoa trong festival được trồng tại TP HCM.

Lợi nhuận gấp 10 lần cây lúa

Theo ông Hoàng Minh Long - Chủ nhiệm CLB Hoa lan thuộc Hội Ngành nghề nông nghiệp TP HCM, hoa lan là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận gấp 10 lần cây lúa, phù hợp với quỹ đất hạn hẹp của nông dân TP HCM, tiềm năng thị trường còn lớn.

"Sau phong trào lan đột biến và cơn sốt giá ảo, hoa lan đã trở về với giá trị thật, phù hợp với công chúng. Những năm qua, kỹ thuật canh tác của các nghệ nhân hoa lan TP HCM đã tăng đáng kể, đưa ra thị trường những tác phẩm đẹp, hương thơm. Ngoài hoa lan nhiệt đới trồng tại TP HCM, các nhà vườn đã liên kết với các tỉnh để trồng những chủng loại hoa ôn đới, giúp đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu" - ông Long nói.

Phát triển tam nông ở TP HCM (*): Hướng đến nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Người dân chọn mua hoa tại Festival Hoa lan TP HCM 2023

Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, diện tích hoa lan trên địa bàn là 340 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Củ Chi (149 ha), Bình Chánh (38 ha) đóng góp gần 77% giá trị nhóm hoa - cây kiểng và 5,7% giá trị sản xuất nông nghiệp TP HCM.

"Bình quân mỗi hecta trồng lan có doanh thu 2 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 500 - 700 triệu đồng/năm; thậm chí có trường hợp doanh thu 3-4 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 1,5 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, thực tế, trồng lan đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhận biết bệnh và điều trị cho cây để nhà vườn có thể đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất" - đại diện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nêu.

Để nắm được kỹ thuật trồng hoa lan, nhiều nông dân đã tìm đến sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (AHTP, thuộc UBND TP HCM). Mới đây, hộ dân Nguyễn Hà Y Chiêu (huyện Củ Chi) đã được AHTP chuyển giao "quy trình trồng lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất" cho diện tích 1.000 m2. Kết quả, vườn lan này đạt năng suất 2.000 cây lan kiếm và 1.000 cây lan giả hạc, đem lại lợi nhuận gần 640 triệu đồng/vụ. Trước đó, nông dân Nguyễn Phong (huyện Củ Chi) đã được AHTP chuyển giao quy trình xử lý ra hoa lan hồ điệp trên diện tích 300 m2, cho năng suất 6.000 cây, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

ThS Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng AHTP, cho hay chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân là nhiệm vụ thường xuyên của AHTP. Theo chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn TP HCM, người dân chỉ cần có vốn đối ứng thích hợp là có thể tham gia. "Các tổ chức, cá nhân có thể đến trực tiếp AHTP hoặc thông qua phòng kinh tế quận, huyện; hội nông dân các cấp để được kết nối hỗ trợ" - ông Hiền thông tin.

Ông Hiền nói thêm đa số nông dân TP HCM chọn các mô hình không yêu cầu diện tích sản xuất lớn, thậm chí có những mô hình chỉ cần khoảng 100 m2 nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM Đinh Minh Hiệp cho biết ngành nông nghiệp thành phố tập trung vào nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học… với 5 nhóm sản phẩm chủ lực là: rau ăn lá, hoa - cây kiểng, bò sữa, heo thịt, tôm nước lợ và sản phẩm có tiềm năng là cá cảnh.

"Lợi thế của nông nghiệp TP HCM là nơi tập trung các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực và cơ sở hạ tầng gồm nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… nên đã trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cho cả nước cũng như đầu mối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, chính quyền TP HCM luôn đồng hành với nông dân bằng nhiều chính sách hỗ trợ như: tập huấn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại nông sản… giúp nông dân làm giàu" - ông Hiệp phân tích.

Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM cũng thông tin, với nguồn lực đất nông nghiệp tại TP HCM còn lớn, đến năm 2030 là khoảng 89.612 ha, nếu được sử dụng có hiệu quả sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế thành phố.

Thời gian tới, khu vực ngoại thành còn quỹ đất nông nghiệp sẽ phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn kết hợp với các loại hình du lịch, giáo dục thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất giống và sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng của TP HCM lâu dài. Đối với các khu vực có tỉ lệ đô thị hóa cao, quỹ đất nhỏ thì phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trên sân thượng hay ban công những tòa nhà, chung cư cao tầng… để tạo mảng xanh phục vụ đời sống tinh thần, cải thiện môi trường sống và cung cấp nông sản phục vụ một phần nhu cầu tại chỗ của người dân. 

Làm nông với 22 m2

Đầu năm 2023, ông Nguyễn Đức Hoàng Hải (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) bắt đầu nuôi lươn đồng bằng quy trình nuôi thâm canh không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn từ AHTP trên diện tích chỉ 22 m2, đạt năng suất 175 kg/m2, lợi nhuận gần 110 triệu đồng/vụ. Theo AHTP, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường cần được triển khai, nhân rộng trên địa bàn thành phố.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-5

Xem thêm: mth.45484102211503202-iht-od-peihgn-gnon-ned-gnouh-mch-pt-o-gnon-mat-neirt-tahp/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phát triển tam nông ở TP HCM (*): Hướng đến nông nghiệp đô thị”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools