vĐồng tin tức tài chính 365

Hiểu về khủng hoảng kép ở Pakistan

2023-05-12 08:19

Cuộc khủng hoảng chính trị nhấn chìm Pakistan đang làm xói mòn hy vọng rằng quốc gia Nam Á có thể sớm thoát khỏi cuộc nguy cơ vỡ nợ trên diện rộng, theo hãng tin Reuters.

Khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng về chính trị nổ ra sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt ngay tại tòa với cáo buộc tham nhũng và hàng loạt tội danh khác vào ngày 9-5. Ông phủ nhận tất cả cáo buộc.

Cụ thể, theo hãng tin Bloomberg, ông Khan, 70 tuổi đã yêu cầu chính phủ liên minh gồm 13 đảng ấn định ngày bầu cử sớm, trước thời gian dự kiến trước đó là vào tháng 10 năm nay.

Hiểu về khủng hoảng kép ở Pakistan ảnh 1

Cựu Thủ tướng Imran Khan. Ảnh: BLOOMBERG

Trong các cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối năm ngoái, ông Khan đã giành được gần như tất cả sự ủng hộ. Cuộc thăm dò dư luận được công bố vào tháng 3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông đã tăng lên đáng kể trong khi mức độ tín nhiệm của chính phủ bị giảm sút do lạm phát tăng vọt và bất ổn kinh tế trong nhiều tháng.

Mặc dù được lòng dân, ông phải đối mặt nhiều vụ kiện mà phe của ông cho là xuất phát từ động cơ chính trị, bởi nếu bị kết án, ông có thể ngồi tù và không thể tranh cử.

Chính vì thế, ngay sau khi ông Khan bị bắt, những người ủng hộ ông trên toàn quốc đã xuống đường biểu tình. Các cá nhân quá khích đã xông vào một số tòa nhà quân sự. Trong số các địa điểm bị tấn công còn có dinh thự của Thủ tướng Shehbaz Sharif ở TP Lahore (tỉnh Punjab) và các văn phòng của ủy ban bầu cử ở TP Peshawar (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa). 2 tỉnh này là nơi tập trung đông người ủng hộ ông Khan nhất.

Khủng hoảng kinh tế

Sự rạn nứt trong nền chính trị Pakistan xảy ra khi quốc gia 230 triệu dân đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Các kho dự trữ đang cạn kiệt, trong khi chương trình cho vay hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trị giá 6,5 tỉ USD sẽ kết thúc vào tháng 6 và không có dấu hiệu sẽ được gia hạn.

“Với tình hình biểu tình trên đường phố, IMF sẽ càng cảnh giác hơn về việc tái khởi động thỏa thuận cho vay” - ông Gareth Leather, chuyên gia về nền kinh tế mới nổi của châu Á tại công ty Capital Economics, nhận định.

Hiểu về khủng hoảng kép ở Pakistan ảnh 2
Khói đen bốc lên sau các vụ đốt phá ở TP Peshawar. Ảnh: AFP

Theo Reuters, tình trạng hỗn loạn kể từ khi Khan bị lật đổ hơn 1 năm trước đã gây tổn hại cho nền kinh tế và thị trường của đất nước. Pakistan đã soán ngôi quốc gia có tình trạng lạm phát nhanh nhất châu Á từ tay Sri Lanka vào tháng 4.

Đến tháng 5, đồng rupee đã mất 50% giá trị và bị liệt vào danh sách những đồng tiền hoạt động kém nhất trên toàn cầu tính đến tháng 5, và khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Bất ổn chính trị tiếp tục làm cho việc giải quyết những vấn đề như vậy trở nên khó khăn hơn, theo Bloomberg.

Theo bà Cathy Hepworth, chuyên gia về nợ của thị trường châu Á mới nổi tại PGIM Fixed Income - tổ chức nắm giữ trái phiếu Pakistan, mặc dù biến động chính trị không phải là điều mới đối với đất nước Nam Á và các nhà đầu tư, chúng “thực sự làm phức tạp cuộc thảo luận với IMF”. Bà nói rằng khủng hoảng chỉ làm trì hoãn và phức tạp các quyết định.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối ở mức 4,457 tỉ USD chỉ đủ để nhập khẩu trong 1 tháng. Nhà phân tích Milo Gunasinghe của công ty JPMorgan (Mỹ) cho biết nếu chương trình của IMF vẫn bị đình trệ, Pakistan rất khó để nhận các gói cứu trợ từ bên ngoài.

Các mức dự báo tăng trưởng năm 2023 của Pakistan do Ngân hàng Trung ương nước này đưa ra đã được hạ từ 1,3% xuống 0,1%. Quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, trừ khi nhận được sự hỗ trợ lớn. Tỷ lệ tổng nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang ở mức 73,5%, theo dữ liệu tính đến tháng 12 của chính phủ.

Giải pháp gỡ rối

Trái ngược với cảnh báo Pakistan có thể vỡ nợ, ông Reza Baqir - cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Pakistan cho rằng IMF có khả năng và sự linh hoạt để giúp đỡ các quốc gia thành viên trong nhiều hoàn cảnh chính trị khác nhau.

Theo ông Baqir, Pakistan có thể tránh được tình trạng vỡ nợ, nếu như nước này đưa ra kế hoạch đáng tin cậy về chính sách và tài chính trong bối cảnh chia rẽ chính trị. Nếu thực hiện được, điều này sẽ thúc đẩy IMF vào cuộc và hỗ trợ giải quyết vấn đề về cán cân thanh toán của các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng điều Pakistan cần làm lúc này là đảm bảo chính phủ không ban hành thiết quân luật. Các lực lượng vũ trang, sau 3 cuộc đảo chính, đã trở thành thể chế quyền lực nhất của đất nước.

Theo chuyên gia Hasnain Malik, trưởng bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại công ty Tellimer (Anh) chỉ khi chính phủ không áp đặt thiết quân luật, IMF mới tiếp tục các cuộc thảo luận.

ÂN VY

Xem thêm: lmth.429237tsop-natsikap-o-pek-gnaoh-gnuhk-ev-ueih/nv.olp

“Hiểu về khủng hoảng kép ở Pakistan”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools