Hãy cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia Đạt Tống - Chuyên viên chiến lược thị trường cấp cao tại Exness.
Ảnh hưởng đối với USD
Theo như cuộc họp lãi suất vào rạng sáng thứ 5 tuần trước, Fed đã tăng lãi suất lên thêm 0.25%, tuy nhiên ám chỉ khả năng giữ nguyên mức lãi suất này trong tháng 6 bằng cách chờ đợi thêm các dữ liệu trong thời gian tới.
Các thông tin này khá giống với các kịch bản đưa ra trong tuần trước khi mà nếu Fed hàm ý việc không tăng lãi suất nữa và một phần chờ đợi thêm dữ liệu thì có nghĩa là USD sẽ yếu đi sau đó tuy nhiên sẽ ổn định lại trong ngắn hạn. Việc này ảnh hưởng như thế nào lên USD?
Fed sau khi tăng lãi suất lên 0,25% để đưa mức lãi suất về biên độ 5%-5.25% thì có hàm ý sẽ ngưng tăng lãi suất trong tháng 6 và chờ đợi thêm các dữ liệu thị trường sắp tới. Có thể hiểu các dữ liệu này là bao gồm các thông tin về việc làm tại Mỹ, ví dụ như Non-farm payroll thứ 6 tuần trước, các thông tin về lạm phát như CPI trong tuần này và các thông tin liên quan đến các điều kiện tài chính thắt chặt từ phía ngân hàng cũng như rủi ro trong khối ngân hàng có còn tiếp tục tăng lên hay không.
Việc hàm ý ngưng tăng lãi suất này trong ngắn hạn có thể làm cho USD suy giảm, tuy nhiên sự việc này cho thấy thị trường cũng đã đoán định từ trước và USD cũng đã giảm trước đó.
Tuy nhiên, việc thị trường ngoài kia vẫn còn khá mạnh tay trong việc dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay thay vì sang năm sau sẽ khiến USD có nhiều bất ngờ theo hướng tăng hơn là giảm mạnh tiếp bởi vì nếu các số liệu như lạm phát và việc làm vẫn cho ra các con số bất ngờ thì nhiều khả năng mặc dù Fed có thể ngưng tăng lãi suất nhưng vẫn sẽ giữ mức cao này cho đến hết năm.
Điều này sẽ khiến lợi suất trái phiếu Mỹ có nhịp tăng lại vào một thời gian nào đó và hỗ trợ USD trong ngắn hạn. Tuy nhiên đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn của USD mà thôi, trong khi về trung và dài hạn, ông Đạt Tống vẫn nghiêng về việc USD sẽ giảm mạnh sau này.
Ảnh hưởng đối với chứng khoán
Liệu việc Fed ngưng tăng lãi sẽ giúp hỗ trợ rất nhiều cho thị trường chứng khoán và trái phiếu hay không? Thị trường sẽ phản ứng như thế nào sau những lần Fed ngưng tăng lãi suất và hạ lãi suất sau đó?
Nhận định chung cho rằng nếu Fed ngưng tăng lãi suất và thậm chí giảm thì chứng khoán nói chung sẽ tăng giá và được hỗ trợ bởi dòng tiền cũng như triển vọng tươi sáng hơn của các doanh nghiệp. Các diễn biến trong lịch sử thì đang ủng hộ điều này. Tuy nhiên theo ông Đạt Tống thì thị trường không phải luôn theo hướng đó trong mọi trường hợp mà phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế và tài chính mà nó đang xảy ra.
Trong lịch sử thường diễn ra việc cổ phiếu sẽ hưởng lợi nếu Fed đi đến cuối chu kỳ thắt chặt, tuy nhiên điều này cũng tùy vào bối cảnh.
Thông thường khi đi đến cuối chu kỳ thắt chặt thì thị trường cổ phiếu sẽ có nhịp tăng khoảng 10% trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Nếu Fed hạ cánh mềm thành công và không có suy thoái trong vòng 12 tháng sau khi vào cuối chu kỳ thắt chặt thì sẽ cho mức tăng kỳ vọng lên đến 20% sau 12 tháng.
Tuy nhiên bối cảnh sẽ khác đi nếu có đợt suy thoái nhẹ xảy ra trong vòng 12 tháng đó và lúc này mức độ kỳ vọng chỉ khoảng 2% mà thôi sau 12 tháng. Trong trường hợp như vậy thì đầu tư cổ phiếu không bằng việc nắm giữ trái phiếu chính phủ.
Bối cảnh thực tế như hiện nay thì thị trường sẽ rơi vào trường hợp nào?
Nguồn ảnh: Oxford Economics. |
Ông Đạt Tống cho rằng có rất nhiều khả năng Fed sẽ không thực hiện được việc hạ cánh mềm và suy thoái sẽ đến trong giai đoạn nửa cuối năm. Chính vì thế kịch bản hợp lý nhất là việc chứng khoán vẫn sẽ tăng trong vài tháng do hiệu ứng cuối chu kỳ lãi suất, tuy nhiên sau đó sẽ chậm lại và điều chỉnh khi bước vào giai đoạn suy thoái.
Việc điều chỉnh nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ suy thoái nhưng không thể quá 10%. Thị trường sau đó mới có khả năng tăng trở lại khi triển vọng suy thoái có dấu hiệu kết thúc và thị trường chứng khoán thường rất nhạy cảm và thường đi trước khi suy thoái thực sự kết thúc.
Các rủi ro tiềm ẩn cho việc đầu tư vào chứng khoán sớm ở giai đoạn cuối chu kỳ này
Rủi ro đối với thị trường chứng khoán là lạm phát nhiều khả năng kéo dài và Fed buộc phải giữ mức lãi suất ở quanh 5-5.25% cho đến ít nhất là hết năm, chính vì vậy các điều kiện tài chính từ phía các ngân hàng vẫn sẽ trong trạng thái thắt chặt. Bên cạnh đó nếu lạm phát xấu đi thì Fed vẫn có thể quay lại tăng tiếp lãi suất và điều này sẽ là rủi ro cho chứng khoán. Đó là chưa đề cập đến các thứ khác như định giá của nhiều cổ phiếu hiện nay ở thị trường Mỹ đang nằm ở mức vẫn còn rất cao.
Chẳng hạn như PE của S&P 500 đang hơn 18x cao hơn đáng kể so với mức 14x của những lần trước. Lần mà PE cao hơn mức 18x này là từ năm 2000 khi mà sau đó cổ phiếu tiếp tục giảm 13% trong vòng 12 tháng sau thời điểm cuối chu kỳ thắt chặt khi đó.
Rủi ro cuối cùng là các doanh nghiệp khi bước vào suy thoái sẽ cho các mức doanh thu trên mỗi cổ phiếu EPS thấp dần đi, và dĩ nhiên nó không hề hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là các rủi ro có thể gặp phải giải thích vì sao bối cảnh của chu kỳ thắt chặt cũng khá quan trọng bên cạnh việc nhắm mắt và đổ tiền vào.
Đầu tư giữa cổ phiếu và trái phiếu thời điểm này, đâu là lựa chọn tối ưu?
Với bối cảnh hiện tại, ông Đạt Tống cho rằng, lựa chọn trái phiếu cho việc phòng thủ trong 12 tháng tiếp theo là việc nên làm. Lý do là vì với các mức lãi suất trái phiếu khá cao như hiện nay vào cuối chu kỳ thắt chặt sắp tới thì đây cũng là một trong các cơ hội cuối cùng để đầu tư trái phiếu trước khi giá cả trái phiếu tăng trở lại trong 12 tháng tiếp theo do khả năng nới lỏng của Fed trong năm 2024. Lý do thứ 2 là trong trường hợp kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có bất ngờ gì thêm thì chắc chắn cổ phiếu sẽ xấu đi còn nhanh chóng hơn nữa trong khi trái phiếu vẫn cho mức lợi suất từ đầu tư khá ổn trong 12 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên nếu được chọn cả 2 thì nhà đầu tư có thể cân nhắc theo tỉ lệ 30-70. Nghĩa là 30 cho cổ phiếu và 70% cho trái phiếu. Điều này đề phòng trường hợp Mỹ có thể hạ cánh mềm vào phút cuối và thị trường cổ phiếu sẽ nhanh chóng được hưởng lợi. Việc phân chia tài sản ra một cách hợp lý vẫn tốt hơn là đặt cược hết vào một hướng.