Mới đây, TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bà Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo khoản 2 Điều 331 BLHS).
Theo đó, phiên tòa dự kiến bắt đầu vào ngày 1-6, kéo dài trong năm ngày, do thẩm phán Bùi Đức Nam làm chủ tọa.
Viện, tòa khác quan điểm
Trong vụ án này, VKSND TP.HCM xác định tư cách tố tụng của một số người mà bà Phương Hằng bị cáo buộc đã xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ là “bị hại”. Tuy nhiên, theo thông tin từ các báo, những người này lại được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”.
Dự kiến bà Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 1-6. |
Từ đây, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về cách xác định cũng như hệ quả pháp lý của việc xác định tư cách tố tụng đối với quyền và lợi ích hợp pháp của những người trên ra sao?
Về vấn đề này, một kiểm sát viên cao cấp ở VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết: Theo Điều 55 BLTTHS 2005 thì có 20 nhóm người tham gia tố tụng.
Việc xác định tư cách tố tụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Bởi lẽ tương ứng với tư cách tố tụng nào sẽ kèm theo quyền và nghĩa vụ đó. Hơn nữa, các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào tư cách tố tụng của người đó để áp dụng cho đúng các quy định của BLTTHS.
Theo vị kiểm sát viên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dựa vào các quy định tại chương IV và chương V của BLTTHS 2015 (định nghĩa về những người tham gia tố tụng) để đánh giá và xác định tư cách tham gia tố tụng của từng người.
“Việc cơ quan điều tra, VKS hay tòa án có quan điểm và xác định tư cách của những người tham gia tố tụng khác nhau trong cùng một vụ án là rất bình thường. VKS có thể xác định người này là bị hại nhưng tòa án lại cho rằng đây là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án… Quyết định cuối cùng thuộc về tòa án. Nếu xác định sai tư cách tố tụng dẫn đến việc giải quyết không đúng đắn vụ án thì bản án có thể bị hủy, sửa và người ra phán quyết sai phải chịu trách nhiệm” - vị kiểm sát viên nói.
Xác định tư cách tố tụng dựa trên khái niệm cơ bản
Theo ThS Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, khách thể của cấu thành tội phạm chính là hành vi phạm tội đã xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ (cụ thể ở đây là quyền tự do ngôn luận).
Đây chính là cơ sở pháp lý để xác định hành vi phạm vào tội gì và là cơ sở trực tiếp để khởi tố, truy tố, xét xử vụ án. Theo ThS Võ Văn Tài, trong vụ này, có người cho rằng họ là bị hại, cũng có người cho rằng họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự…
Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường, kháng cáo bản án…; còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền đề nghị hình phạt và kháng cáo về hình phạt…
Để xác định những người nói trên chính xác sẽ tham gia vụ án với tư cách nào, cần phải xuất phát từ khái niệm cơ bản của từng tư cách tố tụng theo luật định.
Cụ thể, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Thiệt hại của người này là cơ sở để xác định hành vi có phạm tội hay không, tội gì và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào mức thiệt hại đó để khởi tố, truy tố và xét xử; thiệt hại của bị hại phải được giải quyết luôn trong vụ án hình sự; họ buộc phải tham gia tố tụng, nếu từ chối hoặc trốn tránh thì có thể bị dẫn giải.
Trong khi đó, nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại của nguyên đơn dân sự chỉ sử dụng làm cơ sở xem xét buộc người phạm tội bồi thường, chứ không sử dụng làm căn cứ để khởi tố, truy tố và xét xử; nguyên đơn dân sự muốn được xem xét bồi thường thiệt hại phải có đơn yêu cầu.
Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể là người có hành vi vi phạm liên quan đến vụ án, có tài sản hoặc có quyền, nghĩa vụ, lợi ích khác liên quan. Chủ thể này đơn giản sẽ được triệu tập để giúp làm sáng tỏ sự thật của vụ án; nếu có tài sản liên quan đến tội phạm thì sẽ được xem xét trả lại hoặc tịch thu và cũng có thể chịu nghĩa vụ liên quan đến việc bồi thường…
“Vì vậy, từ những phân tích nêu trên, trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ để khi tiến hành xét xử vụ án sẽ xác định đúng tư cách tố tụng của từng người. Từ đó, áp dụng đúng các quy định của BLTTHS, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Chẳng hạn, bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường, kháng cáo toàn bộ bản án…; trong khi đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền đề nghị hình phạt và kháng cáo về hình phạt… Nếu xác định sai tư cách tố tụng sẽ kéo theo nhiều cái sai khác” - ThS Võ Văn Tài nêu quan điểm.
10 cá nhân trực tiếp bị thiệt hại phải là bị hại
Dựa vào kết luận điều tra cũng như các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, VKSND TP.HCM đã ban hành bản cáo trạng truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử bà Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm về tội danh theo khoản 2 Điều 331 BLHS.
Bản cáo trạng nêu rất rõ: “Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của 10 người, trái quy định pháp luật…”.
Theo tôi, trong vụ án này, 10 cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về tinh thần… do hành vi xúc phạm của bà Hằng gây ra phải được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại mới đúng quy định của Điều 62 BLTTHS 2015 (về bị hại).
Một thẩm phán cao cấp chuyên xét xử hình sự